Những sai lầm kinh điển chỉ vì… “nhìn bìa sách, đoán nội dung”
(Dân trí) - Trong tiểu sử của những con người tài năng, xuất chúng, thậm chí là những thiên tài, vĩ nhân, có khá nhiều nhân vật kiệt xuất từng bị đánh giá sai lầm trầm trọng chỉ vì thói quen… “nhìn bìa sách, đoán nội dung”.
Nhà sản xuất phim Walt Disney: Ngày nay, thế giới điện ảnh nhắc đến nhà sản xuất phim Walt Disney như một huyền thoại, hãng phim Walt Disney hiện có số vốn luân chuyển lên tới hàng tỉ đô la với những hoạt động kinh doanh điện ảnh và công viên thành công trên quy mô thế giới.
Tuy vậy, Walt Disney từng có khởi đầu khó khăn khi ông bị một tờ báo sa thải với lý do “thiếu sức sáng tạo và không có đề tài hay”. Một cánh cửa đóng lại, nhiều cánh cửa mở ra. Thất bại với nghề báo đã giúp Walt Disney lần mò sang kinh doanh.
Dù cũng phải trải qua nhiều thất bại và phá sản vài lần, nhưng với quyết tâm cố gắng và sự kiên trì, cuối cùng, Walt Disney đã tìm ra công thức của sự thành công.
Danh hài Charlie Chaplin: Sẽ thật khó tưởng tượng về địa hạt phim hài nếu thế giới thiếu vắng đi Charlie Chaplin, vậy mà thuở ban đầu khi mới vào nghề, lối diễn hài của Chaplin đã bị các hãng phim Hollywood chê bai, họ từ chối giao vai diễn cho ông bởi cho rằng cách diễn hài của Chaplin quá ngớ ngẩn, sẽ không thể nào gây cười cho khán giả.
Diễn viên Harrison Ford: Trong những lần đầu tham gia đóng phim, Harrison Ford đã được các ông chủ hãng phim khuyên chân thành rằng Ford sẽ chẳng có cơ may nào trở thành ngôi sao điện ảnh.
Ngày nay, với hàng loạt những vai diễn đình đám, từng xuất hiện trong hai loạt phim bom tấn của màn ảnh thế giới, là Star Wars và Indiana Jones, Harrison Ford có một sự nghiệp điện ảnh đáng mơ ước trải dài nhiều thập kỷ. Ông đã chứng minh rằng không một ai có thể đoán trước tương lai vận mệnh cuộc đời bạn.
Minh tinh Marilyn Monroe: Thuở ban đầu khi mới đi làm người mẫu, Marilyn Monroe - nữ minh tinh được mệnh danh là “biểu tượng sex” của màn ảnh - đã được các công ty người mẫu khuyên rằng đáng ra cô nên làm thư ký văn phòng sẽ dễ ổn định cuộc sống hơn là cố gắng làm một người mẫu. Nhưng Monroe vẫn quyết tâm theo đuổi nghề, rồi dần dần chuyển sang điện ảnh và đã trở thành một biểu tượng màn bạc gợi cảm, gây tiếng vang đến tận hôm nay.
Danh họa Vincent Van Gogh: Trong suốt cuộc đời, Van Gogh chỉ bán được một bức tranh duy nhất với giá rẻ như cho. Trong suốt cuộc đời ngắn ngủi của vị danh họa đoản mệnh và bi kịch, ông bị xem là một con người thất bại với tất cả những công việc từng thử làm qua trong đời. Chỉ sau khi ông qua đời, những bức tranh của Van Gogh mới được công nhận và lúc này, tác phẩm của ông trở thành kinh điển của hội họa với mức giá lên tới hàng trăm triệu đô la.
Đạo diễn Steven Spielberg: Trong giới điện ảnh, Spielberg là một tượng đài, tên tuổi của ông đồng nghĩa với những dự án phim kinh phí lớn, tuy vậy, ít ai biết rằng ông từng bị trường Sân khấu, Điện ảnh & Truyền hình Nam California từ chối nhận vào học tới… 3 lần.
Cuối cùng, Spielberg cũng được nhận vào một trường điện ảnh khác, nhưng ông cũng sớm bỏ học giữa chừng để bắt tay vào nghề đạo diễn không cần bài bản, sách vở. 35 năm sau khi bỏ học, Spielberg đã có thời gian quay lại trường hồi năm 2002 để hoàn thành khóa học và nhận bằng tốt nghiệp.
Nhà văn Jack London: Nhà văn Mỹ nổi tiếng với những tác phẩm tiểu thuyết như “Nanh trắng” hay “Tiếng gọi nơi hoang dã” đã từng chật vật với những tác phẩm đầu tay. Ông từng phải đón nhận hơn 600 lời từ chối xuất bản thuở còn là một cây bút vô danh.
“Ông vua nhạc rock & roll” Elvis Presley: Là một huyền thoại âm nhạc thế giới, nhưng thuở mới vào nghề hồi năm 1954, Elvis đã từng bị người quản lý của một ban nhạc có tiếng thời bấy giờ “mời đi chỗ khác” chỉ sau một phần trình diễn, người quản lý này còn không quên nhắn nhủ chân tình với Elvis rằng: “Cậu sẽ chẳng đi được tới đâu đâu, con trai ạ. Cậu chỉ nên về lái xe tải thôi”.
Nhà soạn nhạc Ludwig van Beethoven: Trong những năm tháng đầu học nhạc, cậu bé Beethoven rất hậu đậu bên cây vĩ cầm và thường chỉ thích thú với việc soạn nhạc, lơ là việc tập đàn. Dù thích soạn nhạc, nhưng các giáo viên của Beethoven đều cho rằng cậu bé này chẳng thể hy vọng gì được.
Beethoven không quan tâm tới những bình luận này, cậu vẫn “việc mình, mình làm”, cuối cùng, Beethoven đã soạn nên những bản giao hưởng được yêu thích nhất mọi thời đại, đáng kể có 5 bản giao hưởng được ông sáng tác sau khi đã rơi vào cảnh khiếm thính.
Nhà văn JK Rowling: Nữ nhà văn Anh JK Rowling đã từng liên hệ với 12 nhà xuất bản và đều bị từ chối bản thảo cuốn tiểu thuyết “Harry Potter và hòn đá phù thủy”. Như tất cả chúng ta đều biết, sau này, bộ tiểu thuyết Harry Potter đã ăn khách trên toàn thế giới, được chuyển ngữ sang 60 thứ tiếng, giúp nữ nhà văn từ một phụ nữ nghèo trở thành nữ triệu phú.
Lý do từ chối mà 12 nhà xuất bản đưa ra là tác phẩm của JK Rowling quá dài để thiếu nhi có thể say mê đọc. Chỉ khi tập bản thảo được gửi tới cho ông chủ nhà xuất bản Bloomsbury, nó mới được “đổi vận”.
Ông đã đưa một xấp bản thảo mỏng cho cô con gái 8 tuổi đọc thay. Cô bé đọc xong chỉ trong vài giờ và chạy lại đòi cha đưa thêm xấp nữa. Ngay lúc đó, ông chủ nhà xuất bản đã có dự cảm tốt.
Ban nhạc The Beatles: Năm 1962, hãng thu âm Decca tìm kiếm một ban nhạc mới để ký hợp đồng, họ đã thử làm việc với hai ban nhạc trẻ tiềm năng và quyết định ký hợp đồng với nhóm Brian Poole & The Tremeloes. Bạn đọc sẽ không khỏi kinh ngạc khi biết ban nhạc còn lại bị từ chối chính là… The Beatles.
Lúc này, The Beatles vẫn vô danh, các chàng trai của nhóm vẫn đang tìm kiếm từng show diễn ở các quán bar. Không cần phải mất quá nhiều thời gian để Decca nhận ra sai lầm, bởi chỉ hơn một năm sau, chính họ sẽ phải nhắc tới cái tên The Beatles bằng một sự ngưỡng mộ khác hẳn thời điểm một năm trước khi nhóm đến xin được ký hợp đồng.
Nhà vật lý Albert Einstein: Nhân loại hôm nay nhắc đến tên ông bằng sự ngưỡng mộ trước một thiên tài, tuy vậy, Einstein không phải lúc nào cũng khiến người ta nhận ra những khả năng tiềm ẩn của mình.
Einstein không biết nói cho tới tận năm lên 4 và không biết đọc cho tới tận năm lên 7, điều này khiến cha mẹ và thầy cô về sau rất phiền lòng, cho rằng Albert Einstein là một cậu bé thiểu năng. Cuối cùng, Einstein bị đuổi học. Về sau, Einstein còn bị từ chối khi nộp đơn xin học vào trường Bách khoa Zurich (Thụy Sĩ).
Dù mất hơi nhiều thời gian để chứng tỏ bản thân, nhưng cuối cùng, cả nhân loại đã phải thống nhất rằng Albert Einstein là một thiên tài. Khi ông giành giải Nobel Vật lý, ông đã làm thay đổi diện mạo ngành vật lý hiện đại.
Nhà tự nhiên học Charles Darwin: Thời trẻ, Darwin đã từng từ bỏ ý định theo đuổi sự nghiệp y khoa và còn thường xuyên bị cha la rầy vì quá lười biếng, lại hay mơ mộng. Darwin từng viết: “Tôi bị các thầy giáo và cha đánh giá là một cậu trai quá bình thường, thậm chí còn ở dưới mức thông thường của một con người có học vấn”. Đương nhiên, sau này, họ sẽ phải nhìn nhận lại.
Nhà vật lý Isaac Newton: Thuở còn đi học phổ thông, Newton học hành lẹt đẹt, người nhà cho rằng cậu chẳng có cơ may nào trở thành một người học thức cao, nên quyết định giao trang trại cho cậu chăm nom, nhưng đến cả công việc này cũng bị Newton đảm nhận một cách tệ hại, người bác ruột quá thất vọng liền đem gửi cậu cháu “vô tích sự” đi học trở lại ở Cambridge, chính tại nơi đây, Newton đã tỏa sáng như “cá gặp nước”.
Nhà phát minh Thomas Edison: Những năm đầu đi học, giáo viên nhận xét rằng cậu bé Edison “quá dốt để có thể học được bất cứ điều gì”. Gia đình quyết định cho Edison đi làm sớm, nhưng rồi cậu thiếu niên cũng nhanh chóng bị đuổi việc vì không đạt năng suất.
Ngay cả khi đã trở thành một nhà phát minh, Edison cũng phải thực hiện tới 1.000 thí nghiệm hỏng mới có thể sáng tạo ra một chiếc bóng đèn, nhưng cuộc sống với tất cả những vật lộn khó khăn để đạt được thành công sáng chói đã dạy cho Edison một điều rằng thiên tài chỉ có 1% là bẩm sinh, còn 99% là do sự kiên trì, nỗ lực.
“Họa sĩ” Adolf Hitler: Hitler là một nhân vật “khét tiếng” của lịch sử thế giới. Nhưng có một câu chuyện từ thời trẻ của trùm Phát-xít, đó là con người này từng rất yêu hội họa, khao khát trở thành một họa sĩ. Thời trẻ, Hitler đã từng hai lần thi vào trường Học viện Nghệ thuật Vienna (Áo) hồi năm 1907 và 1908, nhưng đều trượt.
Nhà trường nhận định rằng khả năng của Hitler “không phù hợp để theo học chuyên ngành hội họa”, thay vào đó, họ khuyên Hitler theo đuổi chuyên ngành kiến trúc, nhưng sự thực là khả năng học vấn của Hitler lại không đủ để vào học chuyên ngành kiến trúc, vì Hitler thậm chí còn chưa tốt nghiệp cấp II.
Con đường trở thành họa sĩ bị đóng sập. Hậu thế vẫn thường đưa ra một “giả thuyết” rằng nếu ngày ấy, nhà trường đã “cố gắng” nhìn ra vẻ đẹp trong những bức tranh của Hitler và nhận con người này vào học, thì có lẽ thế giới đã có thêm một họa sĩ (không cần biết có tài năng hay không) thay vì có một trùm Phát-xít.
Bích Ngọc
Theo Independent/Cracked/Online College