Những phụ nữ bó chân cuối cùng ở Trung Quốc
(Dân trí) - Năm 1911, tục bó chân vốn đã có lịch sử hơn 1.000 năm ở Trung Quốc chính thức bị cấm. Tới ngày nay, còn rất ít phụ nữ là nhân chứng sống của tục bó chân này.
Bàn chân bị bó từng một thời được coi là biểu tượng của cái đẹp, đức hạnh, của địa vị giàu sang, quyền thế tại Trung Quốc. Bàn chân sau khi đã trải qua một quá trình bó vô cùng đau đớn được gọi là “kim liên tam thốn” (gót sen ba tấc).
Tục bó chân đã tồn tại ở Trung Quốc từ thế kỷ 10, mãi tới đầu thế kỷ 20 nó mới chính thức bị cấm hồi năm 1911.
Giờ đây, ở Trung Quốc, chỉ còn rất ít những bà cụ sở hữu đôi bàn chân “gót sen ba tấc”. Một nhiếp ảnh gia người Hồng Kông trong suốt 8 năm đã kỳ công thực hiện một bộ ảnh chụp lại đôi bàn chân biến dạng của những bà cụ mà thời niên thiếu từng bị bó chân.
“Gót sen ba tấc” là một danh từ rất mỹ miều để gọi bàn chân biến dạng đến đáng sợ này. Đôi bàn chân bị bó của phụ nữ Trung Quốc từng một thời được coi là biểu tượng của cái đẹp, đức hạnh, của sự quyền quý, đài các.
Bà Zhao Hua Hong là một trong những phụ nữ xuất hiện trong loạt ảnh của nhiếp ảnh gia Jo Farrell. Bà từng bị bó chân khi còn là một cô bé.
Truyền thống bó chân đã bắt đầu từ thời nhà Tống, khoảng thế kỷ 10 và kéo dài tới tận đầu thế kỷ 20. Tục bó chân chỉ bị cấm vào năm 1911, nhưng thực tế nó vẫn tiếp tục được tiến hành ở nhiều vùng nông thôn cho tới tận năm 1939.
Những phụ nữ xuất hiện trong bộ ảnh của Jo Farrell đều là những bà lão đã ở tuổi ngoài 80-90. Họ chính là những cô bé đã bị buộc phải bó chân “bất hợp pháp” sau năm 1911. Thời kỳ từ 1911-1939 là thời kỳ tàn dư của tục bó chân, kéo dài lay lắt ở nhiều miền quê.
Tục bó chân ngày nay bị cho là một tục lệ man rợ, độc ác đối với phụ nữ, kìm kẹp sự phát triển của phụ nữ Trung Quốc suốt 10 thế kỷ. Tuy vậy, khi xưa, bó chân lại là một điều kiện cần thiết để phụ nữ có thể tìm được một “tấm chồng tử tế”.
Ở thời đó, những người phụ nữ Trung Quốc chỉ được cho là đoan trang, thùy mị nếu có một đôi chân nhỏ xíu, đây là điều kiện đầu tiên để một cô gái có thể bước chân vào một gia đình tử tế.
Thực tế, những phụ nữ bị bó chân sẽ không thể lao động quá nặng nhọc, họ cũng không thể đi đâu xa được, vì vậy, một người phụ nữ bó chân chắc chắn sẽ phải nhờ vả nhiều vào người chồng trong công việc, cuộc sống hàng ngày.
Bó chân dưới cách đánh giá của các nhà văn hóa hôm nay là một biện pháp cốt để kìm kẹp phụ nữ, khiến họ không thể phát huy hết sức mạnh trí - lực của mình suốt 10 thế kỷ, và vì vậy, vị thế của họ trong 10 thế kỷ đó luôn ở sau nam giới. Bó chân có thể nói là một biện pháp để đảm bảo vị trí thống trị của nam giới trong gia đình và xã hội Trung Quốc khi xưa.
Quá trình bó chân được bắt đầu khi bé gái mới khoảng 4-9 tuổi. Quá trình này cần phải được tiến hành sớm bởi lúc này bàn chân chưa phát triển hết, vẫn còn tương đối nhỏ để có thể đảm bảo tiêu chuẩn “gót sen ba tấc”. Bó chân thường tiến tiến hành vào mùa đông để giảm đau đớn và nhiễm trùng.
Đầu tiên, chân sẽ được ngâm trong nước lá và máu động vật. Sau đó tất cả móng chân sẽ bị cắt sâu. Từng ngón chân sau đó sẽ bị bẻ gãy và cuốn gọn vào trong những dải băng ướt, nén thật chặt, kéo giật mạnh về phía gót chân.
Trình tự trên sẽ được lặp lại 2 ngày một lần. Mỗi lần bó lại, dải băng lại được thắt chặt hơn nữa làm cho quá trình bó chân càng ngày càng đau đớn.
Một trong những giả thuyết được nhắc đến nhiều nhất về tục bó chân là câu chuyện về cung phi Triệu Phi Yến của vua Hán Thành Đế. Phi Yến thường quấn những dải lụa quanh bàn chân khi nhảy múa. Hán Thành Đế rất thích đôi chân bó gọn nên gọi nó là “kim liên tam thốn” và lệnh cho các cung phi khác cũng bắt chước theo.
Những người phụ nữ xuất hiện trong bộ ảnh của Jo Farrell chủ yếu là những phụ nữ sống ở vùng nông thôn. Họ là những nông dân, không sinh trưởng trong gia đình quyền quý, tuy vậy, họ vẫn buộc phải theo tục bó chân bởi lúc này nó là biểu tượng cho đức hạnh, là một lời cam kết rằng cô gái này sẽ trở thành một người vợ ngoan, “biết vâng lời”.
Nếu phụ nữ nhà giàu khi xưa bó chân để thể hiện đẳng cấp, sự cao quý, đài các, thì phụ nữ thuộc tầng lớp lao động, bình dân bó chân như một lời hứa về đức hạnh của mình. Những cô gái không bó chân gần như chắc chắn sẽ không được ai hỏi cưới.
Bó chân thực tế là một biến tướng của thói gia trưởng, trọng nam khinh nữ. Dưới cách nhìn của các nhà văn hóa đương đại, bó chân chỉ là cách để nam giới kiểm soát vai trò của phụ nữ trong gia đình - xã hội, đồng thời, củng cố địa vị của chính mình.
“Gót sen ba tấc” được coi là đẹp nhưng nếu tháo lớp vải bó chân kia đi, người ta sẽ thấy những bàn chân co quắp, dị dạng, rất đáng sợ. Cái đẹp đó chỉ là một sự “đánh lừa” bởi thực tế, phụ nữ Trung Quốc khi xưa luôn phải quấn chân trong lớp vải, không bao giờ dám để lộ bàn chân trần cho người khác thấy.
Bệnh phổ biến nhất khi bó chân là nhiễm trùng, làm rữa thịt, đôi khi làm rụng cả ngón chân, có thể dẫn đến tử vong. Khi trưởng thành, người phụ nữ có nguy cơ cao bị gãy xương chậu khi ngã, họ cũng khó đứng dậy khi đang ngồi.
Bàn chân càng nhỏ khi xưa càng được cho là đáng tự hào, một bàn chân lý tưởng chỉ được phép dài khoảng 7cm.
Đôi khi những xương ngón chân bị bẻ gãy sẽ lành lại và tiếp tục phát triển kích cỡ khi cô gái tới tuổi dậy thì. Khi đó, những ngón chân sẽ tiếp tục bị bẻ gãy lại để đảm bảo nó sẽ không thể phát triển thêm nữa.
Những cụ già cuối cùng ở Trung Quốc còn là nhân chứng sống của tục bó chân “kinh hoàng” một thời.
Những đôi giày bé xíu dành cho trẻ em này chính là của những phụ nữ trưởng thành đã trải qua tục bó chân.
Nhiếp ảnh gia Jo Farrell đã thực hiện bộ ảnh này trong 8 năm. Trong suốt thời gian đó, đã có 3 cụ già xuất hiện trong bộ ảnh của cô qua đời. Đó chính là những nhân chứng sống cuối cùng của tục bó chân ở Trung Quốc.
Bích Ngọc
Theo Daily Mail