Những phát hiện bất ngờ về điện Kính Thiên của kinh đô Thăng Long xưa

(Dân trí) - Sáng ngày 14/12, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã tổ chức hội thảo công bố kết quả khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2015.

 

Mảnh gốm thời Lý được phát hiện trong quá trình khai quật di tích
Mảnh gốm thời Lý được phát hiện trong quá trình khai quật di tích

 

Theo đó, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật thăm dò khu vực phía Bắc di tích Đoan Môn gồm 3 hố (H1, H2 và H3) với tổng diện tích gần 1.000 m2 nhằm nghiên cứu khu vực không gian Chính điện Kính Thiên.

Kết quả nghiên cứu cho thấy khu vực Chính điện Kính Thiên có nhiều tầng văn hóa từ thời tiền Thăng Long đến thời Nguyễn chồng xếp lên nhau, đan xen với nhau. Các bố cục, các cấu trúc mặt bằng, các loại vật liệu, các kĩ thuật xây dựng được đan xen, thay đổi liên tục.

Về địa tầng, kết quả khai quật tiếp tục xác định khu vực điện Kính Thiên có nhiều tầng văn hóa dày, có niên đại kéo dài từ thế kỷ VIII-IX đến thế kỷ XIX-XX. Trong đó đáng lưu ý, các tầng đất đắp thời Lý rất dày (1.15m) và Đại La thế kỷ IX đến thế kỷ X dày khoảng 50cm.

Lần đầu tiên các nhà khoa học có đủ cơ sở khẳng định đường nước lớn thời Lý có cấu trúc phực tạp hơn so với dự kiến ban đầu. Nếu năm 2013 và 2014, các nhà khoa học dự đoán đường nước này chạy thẳng lên phía Bắc để bao quanh khu vực điện Kính Thiên thì nay lại phát hiện đường nước này chạy về phía tường Đoan Môn chứ không hẳn chạy lên phía Bắc. Ngoài đường nước, việc phát hiện hai móng cột lớn thời Lý đã làm rõ hơn hình hài khối kiến trúc đồ sộ từng tồn tại bên ngoài đường nước lớn.

 

Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Đặng Thị Bích Liên cùng các nhà khoa học tham quan khu khai quật khảo cổ năm 2015.
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Đặng Thị Bích Liên cùng các nhà khoa học tham quan khu khai quật khảo cổ năm 2015.


Qua nghiên cứu việc sử dụng lại đường nước lớn thời Lý và những hiện vật phát lộ ở lớp văn hóa thời Trần (tường gạch, dải nền, hoa chanh…), các nhà khoa học đưa ra giả thiết vào thế kỷ XIII, nhà Trần sử dụng cơ bản kiến trúc thời Lý, nhưng từ thế kỷ XIV trở đi, tình hình xây dựng đã thay đổi. Đó là việc xây dựng đường nước thời Trần gần như song song với đường nước thời Lý. Đường nước lớn thời Lý sau một thời kỳ được sử dụng lại cũng được lấp dần.

Thời Lê sơ và Lê Trung hưng, các gian nhà hành lang thời Lê Trung hưng nằm chồng lên kiến trúc thời Lê sơ với các móng cột có kích thước rất lớn được bắt góc nối liền về phía Đoan Môn. Hành lang này có một kiến trúc có móng cột hình chữ nhật tạm đoán là kiến trúc cổng phía Tây của hành lang. Như vậy không gian chính điện thời Lê sơ và Lê Trung hưng đã được làm khá rõ ở góc Tây Nam.

 

Cận cảnh một hố khai quật trong khu vực Hoàng Thành Thăng Long.
 
Cận cảnh một hố khai quật trong khu vực Hoàng Thành Thăng Long.
 

Các nhà khoa học cho rằng, kết quả của khai quật khảo cổ là những tư liệu khoa học và thực tế quan trọng giúp các cơ quan chức năng nghiên cứu phục dựng không gian chính điện Kính Thiên. Vì thế, các nhà khoa học kiến nghị Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long- Hà Nội tăng cường tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá kết quả khai quật khảo cổ đến công chúng; đồng thời tiến hành tổng kết, đánh giá lại toàn bộ quá trình khai quật khảo cổ học.

Có mặt tại buổi hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn cho rằng, việc đề xuất của các nhà khoa học đều nằm trong phần việc UBND TP. Hà Nội và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long- Hà Nội dự kiến thực hiện. Hiện UBND thành phố đang nghiên cứu, xem xét phê duyệt đề án Phục dựng không gian điện Kính Thiên giúp công chúng có cơ hội hiểu rõ hơn về những giá trị có một không hai của Di sản Thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Về lâu dài, Bộ VH,TT&DL, UBND TP. Hà Nội và các ngành chức năng nên xây dựng đề án chiến lược về công tác khai quật khảo cổ tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long và đưa ra các phần việc cần thực hiện theo từng năm.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm