Những nhân vật hoàng hậu làm “khuynh đảo” màn ảnh Hàn Quốc
(Dân trí) - Nhan sắc lộng lẫy, hành trình chông gai đi tới quyền lực, và những cuộc đấu đá chốn thâm cung đã khiến câu chuyện về những hoàng hậu này “gây bão” trên sóng truyền hình Hàn Quốc cũng như tại nhiều nước Châu Á khác, trong đó có Việt Nam.
Hoàng hậu Ki
Bộ phim truyền hình Hàn Quốc cùng tên (2013-2014) do nữ diễn viên Ha Ji Won đảm nhiệm vai nữ chính - Hoàng hậu Ki - đã tạo thành cơn sốt trên màn ảnh nhỏ không chỉ tại quê nhà Hàn Quốc mà còn tại nhiều nước Châu Á khác, trong đó có Việt Nam.
Phim đã giành được nhiều giải thưởng dành cho phim truyền hình tại Hàn Quốc với tỉ suất người xem luôn nằm trong top những phim truyền hình ăn khách nhất xứ sở kim chi.
“Hoàng hậu Ki” xoay quanh nàng Ki Seung-Nyang (1315-1369), một nhân vật có thật trong lịch sử. Bộ phim khai thác cuộc đời (có kèm theo hư cấu) của cô gái người Cao Ly. Hoàng hậu Ki được biết đến là phi tần được sủng ái nhất và là một trong những Hoàng hậu của vua Nguyên Huệ Tông.
Truyện phim chủ yếu xoay quanh hành trình của cô gái trẻ mạnh mẽ, đầy nghị lực Ki Seung-Nyang từ một “thảo dân” trở thành người phụ nữ quyền lực, bất chấp những hạn chế về giai cấp và sự phân biệt về giới của thời đại lúc bấy giờ.
Sau này, Seung-Nyang đã kết hôn với vua của nhà Nguyên và trở thành Hoàng hậu, trong phim “Hoàng hậu Ki”, người mà Seung-Nyang dành nhiều tình cảm là Wang Yu (nhân vật hư cấu dựa trên vua Chunghye của nước Cao Ly).
Loạt phim khắc họa cuộc đấu tranh giữa các phe phái và cuộc đấu tranh ngay trong nội tại nhân vật nữ chính, khi cô luôn bị những tham vọng chính trị và tình yêu chân thành giằng xé. Người phụ nữ ấy đã trở thành một nhận vật lịch sử, đóng vị trí quan trọng trong một chương sử về mối quan hệ giữ nước Cao Ly và nhà Nguyên.
Tạo hình của nhân vật Hoàng hậu Ki trên màn ảnh gây ấn tượng mạnh với khán giả không chỉ vì nhan sắc mà còn bởi những bộ phục trang cầu kỳ, đẹp mắt, đúng chất vương giả của bậc đế vương. Bên cạnh đó, diễn xuất của Ha Ji Won đã thể hiện đúng khí chất của vị hoàng hậu mạnh mẽ, kiên cường nhưng vẫn có nét dịu dàng, đằm thắm.
Sau loạt phim này, Ha Ji Won đã bội thu giải thưởng dành cho nữ diễn viên truyền hình xuất sắc tại Hàn Quốc.
Nữ hoàng Seon Deok
Nữ hoàng Seon Deok (?-647) là một vị nữ vương của nước Tân La (một trong ba vương quốc thời kỳ Tam Quốc Triều Tiên gồm Cao Ly, Bách Tế - Baekje và Tân La - Silla). Bà trị vì từ năm 632 đến năm 647, là vị vua thứ 27 của nước Tân La, và cũng là vị nữ vương đầu tiên trong lịch sử Tân La.
Vua Jinpyeong của nước Tân La không có con trai, vì thế ông đã chọn công chúa Seon Deok lên làm Thế nữ kế vị. Điều này không có gì khác thường ở Tân La, bởi phụ nữ trong thời đại này có vai trò lớn đối với đất nước, trước đó đã xuất hiện nhiều quý phu nhân và vương hậu nhiếp chính.
Công chúa Seon Deok được vua cha lựa chọn là người kế vị do sự thông minh sắc sảo của bà ngay từ khi còn là một công chúa nhỏ.
Có một câu chuyện được truyền tụng như sau: Khi vua Jinpyeong nhận được một hộp hạt giống hoa mẫu đơn từ Hoàng đế Đường Thái Tông, kèm theo là một bức tranh vẽ đóa hoa mẫu đơn đã nở.
Nhìn thấy bức tranh, công chúa Seon Deok đã nói ngay rằng một bông hoa dù có đẹp đến mấy cũng là tệ khi chẳng có mùi hương. “Nếu là con vẽ, sẽ có thêm vô số ong bướm bay quanh bông hoa này!”.
Trong bộ phim truyền hình “Nữ hoàng Seon Deok” (2009), có nhiều chi tiết đã được hư cấu để tạo thêm kịch tính cho phim. Trong phim, công chúa Deok Man ngay từ nhỏ đã chịu số phận chìm nổi, buộc phải lớn lên ngoài cung, lưu lạc chốn nhân gian, để thoát khỏi những kế hoạch sát phạt của một ác nữ trong hoàng thất đang có mưu đồ thâu tóm quyền lực - Mi Shil.
Khi lớn lên, Deok Man quyết định quay trở lại hoàng cung để trả thù người phụ nữ độc ác đã thao túng 3 triều vua Tân La. Phim không chỉ là câu chuyện chính sử mà còn lồng ghép những câu chuyện tình cảm của hai nam nhân gắn bó thân cận với nữ vương Seon Deok trong hành trình đoạt lại ngai vàng.
Cả hai người đàn ông này đều muốn có được trái tim của vị nữ vương. Chính vì những mâu thuẫn tình cảm này mà xảy ra những chính biến về sau, khiến vương quốc Tân La chưa thể có được sự yên bình ngay sau khi nữ hoàng Seon Deok lên ngôi.
Bộ phim truyền hình “Nữ hoàng Seon Deok” đã luôn nằm trong top những chương trình có tỉ suất người xem lớn nhất. Bộ phim và nữ diễn viên chính Lee Yo Won (vai nữ hoàng Seon Deok) đã đạt được thành công vang dội, thu về rất nhiều giải thưởng truyền hình.
Hy Tần Jang Ok Jung
Trong lịch sử, Hy Tần Jang Hee Bin của Triều Tiên được ví như Võ Tắc Thiên của Trung Quốc. Tên húy của Hy Tần là Jang Ok Jung, bà sinh năm 1659. Tuổi thiếu nữ, Jang Ok Jung nhập cung và được Vương hậu đương triều nhận làm cung nữ. Một lần vua Sukjong đến thăm vương hậu đã gặp Jang Ok Jung và ngay lập tức sủng ái bà.
Điều này đã khiến Ok Jung bị đuổi ra khỏi cung, về sau, vua Sukjong ra chiếu chỉ cho Ok Jung quay lại cung, phong làm Thục viên. Đây là điều hiếm thấy, mở màn cho hàng loạt những biến cố về sau, bởi theo luật của triều đại Joseon thì cung nữ một khi đã bị đuổi khỏi cung sẽ vĩnh viễn không được trở lại.
Ok Jung nhanh chóng được thăng lên bậc Chiêu nghi, rồi Phi tần với phong hiệu là Hy, gọi là Hy tần, sau khi hạ sinh được vương tử. Về sau, Ok Jung còn được tấn phong làm Vương phi. Tương truyền, Hy tần là “đóa hoa rực rỡ nhất vương triều”, là biểu tượng sắc đẹp của Triều Tiên thời đó. Vì sủng ái bà, vua Sukjong đã lạnh nhạt với các phi tần khác trong suốt 8 năm.
Hy tần Jang Hee Bin ở ngôi Vương phi nhanh chóng tạo vây cánh, ngỗ ngược, độc đoán và ghen tuông mù quáng với các phi tần khác. Người nhà của bà tác oai tác quái, gây nhiều thị phi khiến dân chúng căm ghét. Những việc làm đó khiến vua Sukjong ngày càng xa lánh, lạnh nhạt Jang Hee Bin.
Sau khi Jang Ok Jung bị thất sủng, từ ngôi vị Vương phi, bà phải trở lại làm Hy tần. Kể từ đây Jang Ok Jung đã liên tiếp gặp phải những bi kịch như một sự quả báo. Hy tần Jang Hee Bin bị buộc tội trù yểm Vương hậu và thông đồng với nhà Thanh, tiết lộ nhiều bí mật quân sự để nhận được sự đồng thuận của nhà Thanh trong việc sắc phong Thế tử con trai bà lên làm người kế vị.
Vua Sukjong đã ban chết cho Hy tần Jang Hee Bin vì tội phản quốc và mưu hại Quốc mẫu. Năm 1701, Jang Hee Bin bị xử tử bằng độc dược, thọ 42 tuổi, sau khi chết vẫn được giữ nguyên tước hiệu nhằm đảm bảo địa vị của Thế tử con trai bà (về sau là vua Gyeongjong).
Jang Hee Bin là người phụ nữ gây nhiều tranh cãi trong giới sử gia Hàn Quốc. Do từ xa xưa những lời thêu dệt về sự độc ác của bà đã lan truyền khắp nơi trong triều đại Joseon, nên ngày nay dư luận vẫn chủ yếu đánh giá bà với thái độ tiêu cực.
Từ thập niên 1990 tới nay, cuộc đời Hy tần Jang Hee Bin đã được chuyển thể lên màn ảnh Hàn Quốc theo hướng bám sát những chi tiết lịch sử về sự độc ác và cái chết của bà. Đáng kể có bộ phim truyền hình “Tình sử Jang Ok Jung” (2013) do nữ diễn viên Kim Tae Hee đảm nhận vai nữ chính.
Bích Ngọc
Tổng hợp