Những món đồ cổ giả nổi tiếng nhất từng được biết đến
(Dân trí) - Vì nhiều lý do, những món đồ giả cổ tưởng như xuất sắc này ngay khi ra mắt đã bị phát hiện là đồ giả. Chủ sở hữu không biết nói gì hơn ngoài sự bẽ bàng.
Chiếc ghế của Brewster
Chiếc ghế Brewster giả được làm bởi nghệ sĩ LaMongtagne.
Phương pháp chụp tia X-quang đã giúp người ta phát hiện ra bí mật của chiếc ghế, nó được làm bằng phương pháp hiện đại thay vì kỹ thuật lắp ghép của thế kỉ 17.
Vào năm 1970, Bảo tàng Henry Ford ở Dearborn, Michigan nhận được chiếc ghế được cho là của William Brewster, một trong những người đã thiết lập nên thuộc địa ở Vịnh Massachusetts năm 1620. Nhưng sau đó người ta đã phát hiện ra đây không phải là đồ thật thuộc về thế kỉ 17. Món đồ này thực chất được chế tạo bởi nghệ sĩ Armand LaMongtagne vào năm 1969 và đặt tên là “Chiếc ghế vĩ đại của Brewster”. Ông đã làm nó từ gỗ sồi xanh và kết hợp với phương pháp lắp ráp được sử dụng trong giai đoạn này.
Bí mật về chiếc ghế bị làm giả đã được LaMongtagne giấu kín trong nhiều năm trời cho đến một ngày chiếc ghế được bán cho bảo tàng Henry Ford. Tuy nhiên vào năm 1977, thông qua kỹ thuật chiếu tia X-quang hiện đại, người ta đã phát hiện ra chiếc ghế là đồ giả bởi nó đã được làm bởi sự hỗ trợ của các công cụ hiện đại. Cho tới nay bảo tàng Henry Ford vẫn tiếp tục lưu giữ và trưng bày chiếc ghế như là công cụ giáo dục thay vì một món đồ cổ.
Nhật ký của Hitler
Bản sao cuối cùng được biết đến từ nhật kí giả của Hitler được bán với giá 6500 Euro vào năm 2004.
Tháng 4/1983, Gerd Heidemann, một phóng viên tại Luân Đôn của tuần báo Stern (Đức) tuyên bố đã có trong tay cuốn nhật ký của trùm Phát Xít Hitler. Cuốn nhật ký được viết vào khoảng giữa năm 1932 - 1945 và được tìm thấy ở Tây Đức trong xác một chiếc máy rơi. Tạp chí Stern đã bỏ ra khoảng 6 triệu USD để mua lại cuốn nhật ký và lên kế hoạch phát hành nó cùng báo The Sunday Times ở Luân Đôn.
Trước đó, tòa soạn của tờ báo này (cùng với tờ Newsweek) đã mời các chuyên gia tới giám định tính xác thực tài liệu này. Theo nhà sử học Hugh Trevor-Roper, cuốn nhật kí có vẻ là thật, ít nhất là về phần chữ viết. Tuy nhiên, khi tạp chí Stern bắt đầu phát hành ra công chúng thì việc cuốn nhật ký là giả đã ngày một sáng tỏ.
Thực tế, tài liệu này không thể là đồ thật bởi nó chứa đựng những thông sai lệch về lịch sử. Và người ta nhận ra rằng người giám định cuốn sách - Trevor-Roper thực chất không thể đọc được tiếng Đức. Mặc dù tài liệu này đúng là có nguồn gốc từ Đức, nó vẫn không phải thuộc về Hitler mà là tác phẩm của một người buôn đồ nghệ thuật có tên là Konrad Kajau.
Tấm vải liệm Turin
Turin
Món đồ này được nhà thờ Thiên Chúa coi là một trong những thánh vật linh thiêng nhất bởi nó được cho là đã được dùng để an táng chúa Jesus và có hình ảnh gương mặt Người. Tuy nhiên việc xác định độ chân thực của món đồ này là khó khăn. Vào năm 1988, các thử nghiệm xác định niên đại đã kết luận các sợi vải được làm vào thời Trung cổ (khoảng năm 1260 đến 1390 sau CN) và người ta cho rằng đây là một món thánh vật giả mạo bởi không liên quan đến thời của chúa Jesus.
Bức tranh "Trinh nữ và đứa trẻ cùng thiên thần"Phiên bản giả mạo của bức tranh "Trinh nữ và đứa trẻ cùng với thiên thần"
Năm 2010, phòng tranh Quốc gia ở London phát hiện ra một hiện vật trong bộ sưu tập của họ, một bức tranh sơn dầu có từ thế kỉ 15, thực chất là đồ giả. Bức "Trinh nữ và đứa trẻ cùng với thiên thần" được cho là là tác phẩm thời kì đầu của họa sĩ Francesco Francia, được phòng tranh mua lại vào năm 1924.
Tuy nhiên khoảng 30 năm sau đó, một tác phẩm gần như y hệt đã xuất hiện trong một buổi đấu giá tại Luân Đôn, gây nên một số nghi ngờ về nguồn gốc của cả 2 bức tranh. Khi bức tranh ở Luân Đôn được xác nhận là đồ thật vào năm 1988, phòng tranh Quốc gia đã cho giám định kĩ hơn với bức tranh trong bộ sưu tập của mình. Nó có vẻ không phải bức tranh cổ từ năm 1490 như họ đã nghĩ mà giống một bức tranh được vẽ vào thế kỉ 19.
Thông qua các thử nghiệm hiện đại, các chuyên gia đã tìm thấy rất nhiều điểm nghi vấn, bao gồm các mảnh sơn không có ở thời Phục Hưng và các nét vẽ phác thảo bằng bút chì (vốn không tồn tại ở thế kỉ 15). Bức tranh cũng được tráng nhựa thông và mô phỏng các đường nứt để tạo ra vẻ ngoài lâu năm.
Cuốn sách "Livre des Sauvages"
Nhà truyền giáo Domenech đã nhầm những bản vẽ thô với biểu tượng của người da đỏ.
Emmanuel Domenech là một nhà truyền giáo Pháp đã tới Mỹ vào năm 1846 và được chỉ định làm cha xứ ở San Antonio, Texas năm 1848. Ông tiếp tục việc truyền giáo và di chuyển khắp vùng Tây Nam nước Mỹ và Mexico cho tới khi trở về Pháp năm 1850. Sau đó ông đã cho phát hành các cuốn sách về trải nghiệm của mình với người da đỏ cùng các cuộc phiêu lưu của mình. Trong số đó có một cuốn sách mang tên "Manuscrit pictographique Americain, precede d'une Notice sur l'ideographie des Peaux-Rouges", trong đó ông đã cố gắng giải thích một loạt biểu tượng và bức vẽ thô do một thủ thư ở Paris gửi tới cho ông.
Domenech đặt tên tài liệu này là "Livre des Sauvages" và coi đó là một trong những tài liệu quan trọng nhất về nền văn hóa của người da đỏ châu Mỹ. Nhưng ngay khi được công bố ra công chúng, người ta đã nhanh chóng nhận ra đó là các bức vẽ nguệch ngoạc và vô nghĩa của một đứa trẻ người Đức.
Phan Hạnh
Theo Howstuffworks