Những lần áo dài Việt bị "bức tử" vì người mặc... quên quần

Bích Ngọc

(Dân trí) - Đã có những lần phụ nữ ngoại quốc làm tổn thương tà áo dài Việt, bởi họ mặc áo mà quên... quần.

Dưới đây là những lần phụ nữ ngoại quốc gây phẫn nộ vì cách ứng xử với tà áo dài Việt:

Những lần áo dài Việt bị bức tử vì người mặc... quên quần - 1

Hiện tại, mạng xã hội Việt Nam đang xôn xao hình ảnh của một cô gái người nước ngoài khi tới Việt Nam du lịch đã chụp ảnh với áo dài. Điều đáng nói là cô gái này... không mặc quần và để lộ vòng 3 rất phản cảm. Những hình ảnh này ngay lập tức gây phẫn nộ trong cộng đồng mạng Việt Nam (Ảnh: Facebook nhân vật).

Những lần áo dài Việt bị bức tử vì người mặc... quên quần - 2

Năm 2019, cộng đồng người Việt tại Mỹ cũng như cộng đồng mạng Việt Nam đồng loạt lên tiếng chỉ trích việc nữ ca sĩ người Mỹ Kacey Musgraves mặc "áo dài... không quần" biểu diễn tại đêm nhạc ở Dallas (Mỹ). Khi ấy, làn sóng phản đối đã khiến các tờ tin tức quốc tế thực hiện những tin bài về sự việc này (Ảnh: USA Today).

Những lần áo dài Việt bị bức tử vì người mặc... quên quần - 3

Cũng trong năm 2019, rapper người Mỹ Saweetie từng mặc áo dài... không quần xuất hiện trên thảm đỏ lễ trao giải âm nhạc Billboard Music Awards (Ảnh: Hollywood Life).

Những lần áo dài Việt bị bức tử vì người mặc... quên quần - 4

Năm 2013, cư dân mạng Việt Nam bức xúc trước bức ảnh người mẫu Tây mặc áo dài phản cảm, sự phản ứng đã khiến nữ nhiếp ảnh gia người Mỹ Franey Miller phải xin lỗi. Franey Miller đã lên tiếng giải thích rằng cô không có mục đích xấu, không muốn làm tổn thương, xúc phạm ai. Thực tế, bộ trang phục mà người mẫu mặc là do một stylist có tên Ashley Barlow lên ý tưởng phối đồ (Ảnh: Franey Miller).

"Lạm dụng văn hóa" là căn bệnh dễ xuất hiện trong bối cảnh hội nhập

Quan niệm văn hóa đương đại đề cao việc tôn trọng những sự khác biệt văn hóa. Việc đem một nét khác biệt văn hóa ra để làm trò đùa, hoặc để tìm kiếm yếu tố gây sốc hòng thu hút sự chú ý, là điều bị lên án trong đời sống văn hóa ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay.

Trong nền công nghiệp giải trí quốc tế hiện nay, khi một ngôi sao quốc tế sử dụng những kiểu tóc, trang phục của người dân ở quốc gia khác, nhưng lại sử dụng sai vì không thực sự hiểu về phong cách mà mình đang sử dụng, điều này cũng bị chỉ trích rất mạnh mẽ.

Những lần áo dài Việt bị bức tử vì người mặc... quên quần - 5

Quan niệm văn hóa đương đại đề cao việc tôn trọng những sự khác biệt văn hóa (Ảnh: iStock).

Gần đây, truyền thông và công chúng phương Tây thường xuyên đề cập tới cụm từ "cultural appropriation", thậm chí có cả trang Wikipedia giải thích "ngọn ngành" về khái niệm này.

"Cultural appropriation" (tạm dịch: lạm dụng văn hóa) là khi một nét văn hóa của một cộng đồng bị đem ra sử dụng bởi người thuộc một cộng đồng khác, nhưng trong quá trình sử dụng, lại có những biến tấu sai lầm… Khi ấy, hành động đi "mượn" một nét văn hóa đã trở thành một hành động thiếu tôn trọng đối với nét văn hóa ấy, vì cách ứng xử thiếu hiểu biết.

Điều này bị lên án trong xã hội văn minh, bởi hành động ứng xử thiếu hiểu biết, thiếu tôn trọng đối với một nét văn hóa dễ khiến cộng đồng "chủ nhân" của nét văn hóa ấy cảm thấy bị xúc phạm.

Từ điển tiếng Anh Oxford - cuốn từ điển uy tín hàng đầu của ngôn ngữ Anh - đã bắt đầu đưa cụm từ này vào giải nghĩa từ năm 2017. Theo đó, cuốn từ điển này định nghĩa rằng: "Cultural appropriation" là việc "người của một cộng đồng sử dụng mà không hiểu thấu đáo hoặc sử dụng không phù hợp những thứ thuộc về tập tục, thói quen, ý tưởng... gắn liền với một cộng đồng khác".

Như vậy, về cơ bản, khi một cá nhân hay tổ chức đi "mượn" một nét văn hóa không thuộc về nền văn hóa bản địa của mình, thì hành động ấy cần có sự cân nhắc rất cẩn trọng, thấu đáo để không gây nên sự phản cảm, không khiến những "chủ nhân" đích thực của nét văn hóa ấy cảm thấy bị xúc phạm.

Theo The Guardian