Những hình ảnh khác lạ trong ngày đầu năm mới tại đền chùa
(Dân trí) - Khẩu trang, khử khuẩn, không tập trung đông và khẩn trương dâng hương là những việc mà người dân và du khách phải thực hiện khi đi lễ, dâng hương đầu năm mới tại các đền chùa.
Với quan niệm lên rừng, xuống biển, ngày đầu năm mới Xuân Tân Sửu 2021, người dân và du khách thập phương đã hành hương về Khu di tích lịch sử văn hóa Cửa Đạt, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa để cầu may mắn, bình an.
Trong khi đó, thời tiết ngày mùng 1 Tết Nguyên đán Tân Sửu tại Thanh Hóa không mưa và không giá rét, rất thuận lợi cho hoạt động du Xuân của người dân.
Khác với những năm trước, theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, ngay cổng vào Đền thờ danh nhân Cầm Bá Thước và Bà Chúa thượng ngàn, nằm trong Khu di tích lịch sử văn hóa Cửa Đạt, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, ban quản lý đã dựng biển thông báo về việc tạm dừng các hoạt động dâng hương.
Tuy nhiên, nhiều người dân và du khách đã đến đây để dâng hương cầu tài lộc, may mắn và bình an trong năm mới. Trước nhu cầu dâng hương của người dân và du khách, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngay từ khu vực phía ngoài vào, Ban quản lý Khu di tích lịch sử văn hóa Cửa Đạt đã bố trí lực lượng chốt chặn, hướng dẫn người dân và du khách sát khuẩn tay, đeo khẩu trang trước khi vào bên trong.
Đồng thời, trên hệ thống loa truyền thanh của Khu di tích lịch sử văn hóa Cửa Đạt liên tục nhắc nhở người dân và du khách thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như đảm bảo khoảng cách, đeo khẩu trang, sát khuẩn. Ban quản lý cũng nhắc nhở người dân và du khách dâng hương khẩn trương, không tụ tập lâu trong khu vực di tích.
Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết người dân và du khách đều có ý thức đeo khẩu trang và thực hiện việc sát khuẩn tay trước khi vào khu vực dâng hương. Trong khuôn viên đền thờ danh nhân Cầm Bá Thước và Bà Chúa thượng ngàn, dường như không khí cũng khẩn trương hơn khi nhiều người dâng hương xong đều nhanh chóng rời đi, ít tụ tập đông người.
Cách Đền thờ danh nhân Cầm Bá Thước và Bà Chúa thượng ngàn khoảng 5km về phía hạ lưu là Đền Cô Thác Mạ, tọa lạc bên bờ sông Chu thơ mộng. Đây cũng là điểm dâng hương không thể bỏ qua của người dân, du khách trong chuyến du Xuân đầu năm đến với vùng đất này.
Tại đây, lực lượng chức năng cũng bố trí để nhắc nhở những người dân và du khách không đeo khẩu trang, thực hiện khoảng cách khi dâng hương, không để các đoàn du khách tập trung quá đông tại điểm dâng hương.
"Năm nay do dịch bệnh diễn biến phức tạp, người dân đến dâng hương vẫn được tạo điều kiện nhưng phải đảm bảo khoảng cách và các quy định về phòng, chống dịch như bắt buộc đeo khẩu trang, sát khuẩn. Qua ghi nhận thì năm nay, lượng người đến dâng hương rải rác, không tập trung đông người, đồng thời ban quản lý điều tiết số lượng người giữa các điểm trong khu di tích", một thành viên Ban quản lý Khu di tích lịch sử văn hóa Cửa Đạt cho biết.
"Năm nào cũng vậy, cứ ngày mùng 1 Tết tôi thường chọn Khu di tích lịch sử văn hóa Cửa Đạt là điểm du xuân và dâng hương cầu lộc, cầu tài đầu năm mới. Năm nay, trước tình hình dịch bệnh Covid-19, theo khuyến cáo của ngành chức năng, tôi đã thực hiện đeo khẩu trang, sát khuẩn, giữ khoảng cách trước khi vào dâng hương, vừa để giữ cho mình cũng như cho người khác", chị Nguyễn Thị Hồng, du khách đến từ thành phố Thanh Hóa chia sẻ.
Sau khi dâng hương và tham quan cảnh trí tại Khu di tích lịch sử văn hóa Cửa Đạt, trên đường xuôi về, người dân và du khách có thể ghé Chùa Linh Cảnh, nằm trên địa bàn xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân. Tại đây, người dân và du khách khi đến đi lễ cũng được nhắc nhở đeo khẩu trang, khử khuẩn cũng như giữ khoảng cách.
Khu di tích lịch sử văn hóa Cửa Đạt, nằm trên địa bàn xã Xuân Mỹ, huyện Thường từ lâu đã nổi tiếng với những công trình kiến trúc đồ sộ tọa lạc ở vị trí có phong cảnh sơn thủy hữu tình. Phía trước Đền có dòng sông Đặt nước trong xanh uốn lượn, hòa mình vào sông Chu ngay trước Đền thờ.
Theo sử sách ghi lại, danh nhân Cầm Bá Thước sinh ra ở huyện Thường Xuân, Thanh Hóa là một trong những người lãnh đạo phong trào Cần Vương, ông hi sinh khi mới tròn 37 tuổi. Còn theo truyền thuyết, Bà Chúa thượng ngàn được sinh ra vào thời nhà Trần có công cứu nạn dân chúng nên được phong thánh cai quản một vùng.
Để tưởng nhớ công ơn của danh nhân Cầm Bá Thước và Bà chúa thượng ngàn nên người dân trong vùng đã lập nên hai ngôi đền bên cạnh nhau để dân chúng trong vùng có thể thường xuyên hương khói.
Năm nào cũng vậy, bắt đầu từ thời khắc giao thừa cho đến khoảng tháng 3 Âm lịch, Khu di tích lịch sử văn hóa Cửa Đạt luôn là điểm đến hấp dẫn của người dân và du khách.