Những giai thoại kỳ bí quanh ngôi đền cổ thờ Thái úy Lý Thường Kiệt

(Dân trí) - Ngôi đền được dân làng góp sức xây dựng để tưởng nhớ công lao của Thái úy Lý Thường Kiệt. Nhờ sự linh thiêng và những lời nguyền được truyền lại mà hơn 300 năm nay, ngôi đền không bị hư hại, vẫn giữ được nhưng nét nguyên sơ vốn có…


Ngôi đền cổ hàng trăm năm

Anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt (1019 - 1105) là một danh tướng đời nhà Lý. Ông là người đã có công lớn trong việc đánh đuổi quân xâm lược nhà Tống vào năm 1075 - 1077. Ông được biết đến là một trong 14 vị tướng tài, anh hùng dân tộc tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam.

Công lao của ông còn gắn liền với 19 năm (1082 - 1101) được vua biệt phái vào cai quản trấn Thanh Hóa (nay là tỉnh Thanh Hóa). Vùng đất này đã được ông xây dựng thành một pháo đài đài bất khả xâm phạm vùng đất phía nam của Tổ quốc vào thời bấy giờ.

 Ngôi đền cổ thờ Thái úy Lý Thường Kiệt ở xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung, Thanh Hóa.
 Ngôi đền cổ thờ Thái úy Lý Thường Kiệt ở xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung, Thanh Hóa.

Trong thời gian làm Tổng chấn Thanh Hóa, Thái úy Lý Thường Kiệt nổi tiếng là một vị quan anh minh. Vì là em kết nghĩa của vua nên ông có quyền quyết định mọi việc ở trấn Thanh Hóa. Nhờ vào lòng đức độ, sự khoan dung và sáng suốt của ông mà người dân trong trấn Thanh Hóa đã được hưởng nhiều lợi ích trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Sau khi ông qua đời, để tỏ lòng biết ơn, người dân xứ Thanh đã chọn đất, góp công sức và của cải xây dựng một ngôi chùa tên mang là Báo Ân để tưởng nhớ công lao to lớn của ông. Bên cạnh đó, trên mảnh đất khi còn sống Lý Thường Kiệt đã chọn làm “Thọ thân” cũng đã được người dân xây dựng một ngôi đền để thờ phụng ông.

Ngôi đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt trên mảnh đất thiêng xưa kia nay thuộc xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung (Thanh Hóa). Đây là một trong những ngôi đền cổ ở Thanh Hóa, dù trải qua hàng trăm năm nhưng đến nay vẫn còn giữ được vẻ nguyên sơ với nhiều chứng tích lịch sử, văn hóa lớn.

Một trong hai tấm bia cổ còn giữ lại được trong ngôi đền cổ.
Một trong hai tấm bia cổ còn giữ lại được trong ngôi đền cổ.

Dù chỉ là những viên đá nhỏ nhưng không ai dám lấy từ ngôi đền mang về nhà sử dụng.
Dù chỉ là những viên đá nhỏ nhưng không ai dám lấy từ ngôi đền mang về nhà sử dụng.

Theo các tài liệu còn ghi lại, xưa kia nơi đây chỉ là một miếu thờ nhỏ được dựng lên để thờ, tưởng nhớ công lao mà Thái úy Lý Thường Kiệt làm cho nhân dân xứ Thanh. Trước sự linh thiêng của ngôi đến, trải qua bao năm hư hại, xuống cấp. Cách đây hơn 300 năm, người dân sống xung quanh miếu thờ này đã cùng nhau góp công của để xây dựng một ngôi đền mới rộng rãi, khang trang hơn.

Ngôi đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt tọa lạc trên một diện tích đất rộng lớn, xưa kia nằm giáp bên ngôi chùa lớn nhất trong vùng có tên là Linh Xứng. Cổng của ngôi đền hướng ra dòng sông Lèn hiền hòa đang đổ về biển lớn.

Đền được xây dựng theo kiến trúc nhà 5 gian, 2 chái. Mái đền được lợp ngói âm dương, cột kèo và các “vì” trong đền được chạm khắc tinh xảo với các họa tiết hoa văn về các linh vật như: Long, Ly, Quy, Phụng; thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá… Xung quanh là các công trình phụ trợ, cây cổ thụ, vườn hoa, cây cảnh… Gian chính giữa của ngôi đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt lúc nào cũng nghi ngút khói hương.

Các vì, cột, kèo được chạm khắc tinh xảo có từ hàng trăm năm nay.
Các vì, cột, kèo được chạm khắc tinh xảo có từ hàng trăm năm nay.

Cụ Phạm Ngọc Quỳ, đang trông coi ngôi đền kể về quá trình xây dựng ngôi đền đặc biệt này: “Xưa kia, dân làng xưa kia ở đây nghèo đói lắm, nhưng giờ đây đã bớt đi được phần nào nghèo khó. Để báo ơn ông, nhân dân ba làng gồm: làng Bùi, làng Đồ và làng Chợ đã cùng nhau góp công của xây dựng lại ngôi đền. Mỗi làng xung phong làm một “vì” bằng gỗ (cột tính theo hàng ngang ngăn các gian trong đền) để dâng cho đền. Chỉ trong thời gian ngắn công việc làm đền được thực hiện xong”.

“Có một điều rất kỳ lạ trong lúc xây dựng ngôi đền, khi cả 3 làng đem vật liệu đến để dựng ngôi đền lên. Lúc lắp các bộ phận của ngôi đền vào, các khớp chuẩn nhau đến mức thợ không phải dùng một tiếng búa, tiếng vồ nào để đóng. Mọi công việc diễn ra suôn sẻ, nhanh chóng mà không ai ngờ tới. Chỉ trong thời gian ngắn là ngôi đền được dựng xong”, cụ Quỳ kể tiếp.

Lời nguyền thiêng

Tại ngôi đền cổ này, do có sự linh thiêng và những lời nguyền được truyền lại nhiều đời nay nên đến nay, ngôi đền vẫn còn giữ được nét nguyên sơ. Ngoài kiến trúc tổng quan của ngôi đền, nhiều đồ vật cổ trong đền vẫn còn giữ được đầy đủ, chưa từng bị mất cắp.

Ngôi đền hàng trăm năm tuổi.
Ngôi đền hàng trăm năm tuổi.

Trong thời kỳ kháng chiến, bị bom Mỹ đã nhiều lần bắn phá cầu Lèn và các ngôi làng lân cận để ngăn cản sự tiếp tế của miền Bắc cho miền Nam. Tuy nhiên, ngôi đền không hề bị trúng bom. Trong khi đó, nhà dân sống gần bên liên tục hứng chịu bao trận bom Mỹ. Điều kỳ lạ nữa, đã có nhiều quả bom rơi sát bên ngôi đền nhưng không hề nổ, sau đó được người dân đưa đi nơi khác.

Cụ Quỳ nhớ lại: “Những năm tháng chiến tranh, ngôi đền còn là nơi trú ngụ, đóng quân của cả một đại đội. Họ sống ở đây nhiều năm, cũng chứng kiến không ít những câu chuyện linh thiêng liên quan đến ngôi đền này. Đại đội này sau đó tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và dành được toàn thắng cùng với cả dân tộc mà không ai bị thương vong”.

Cụ Phạm Hồng Nê (84 tuổi) cho hay: “Những gì liên quan đến ngôi đền dù là nhỏ nhất như hòn đá, viên gạch vương vãi trong đền dân làng chúng tôi không ái dám lấy về nhà để sử dụng. Nhiều người không biết, lấy đá gạch ở đền về nhà sử dụng sau đó đã phải đem trả lại vì từ khi lấy tài sản của đền về thì thường xuyên bị đau ốm. Có người đang khỏe mạnh bỗng nhiên đổ bệnh đến ngưỡng liệt giường, “thập tử nhất sinh”. Sau khi đem trả những gì lấy của đền thì lại hết được bệnh trong người, sức khỏe trở lại bình thường”.

Cổng chính vào đền Lý Thường Kiệt.
Cổng chính vào đền Lý Thường Kiệt.

Chính vì điều này, mà những nét cổ kính, đồ vật cổ trong đền dù đã hơn 300 năm nay vẫn còn nguyên vẹn mà không bị kẻ xấu đột nhập lấy cắp. Hiện trong đền vẫn còn giữ được những đồ thờ của Thái úy Lý Thường Kiệt có hàng trăm năm nay như: mũ, đôi hài, kiếm lệnh…

Hàng năm, tại ngôi đền cổ thờ Thái úy Lý Thường Kiệt này có hai ngày lễ lớn là ngày giỗ của ông (21/6 âm lịch) và ngày lễ Khai đầu năm vào ngày 25 tháng Giêng âm lịch. Cụ từ Phạm Ngọc Quỳ cho hay: “Xưa kia, thời Thái úy Lý Thường Kiệt còn trị vì ở trấn Thanh Hóa, Tết âm lịch xong đến ngày 25 tháng Giêng mới bắt đầu làm việc. Chính vì thế ngày này mới khai ấn để đi làm. Cứ đến ngày này, người dân trong vùng lại tổ chức lễ khai ấn và cùng nhau góp lễ để dâng lên đền. Cầu mong một năm mới làm ăn thuận lợi. Mùa màng tốt tơi…”.

Thái Bá