Những cao trào trong vở diễn Mai Hắc Đế thực sự lay động người xem
(Dân trí) - Khán phòng nhà hát Âu Cơ tối qua 29/1 chật kín, đã lâu lắm rồi mới thấy khán giả Thủ đô háo hức đi xem một vở diễn cải lương có quy mô đến vậy. Khi cảnh diễn mở ra với hình ảnh người anh hùng áo vải Mai Thúc Loan thuở nhỏ, với những ngày bé thơ bên mẹ và nút thắt bắt đầu từ cảnh chạy giặc và mẹ đã bị mất trong rừng…
Đã có những giọt nước mắt khán giả rơi bắt đầu từ những cao trào trong phân cảnh ấy...
Hai tiếng rưỡi đầy xúc cảm ngược về lịch sử
Vở cải lương Mai Hắc Đế đặt trong bối cảnh không gian lịch sử thế kỷ 8, được chia thành tám cảnh, với thông điệp tái hiện cuộc đời Mai Hắc Đế, từ khi chào đời đến khi ông đập tan ách đô hộ của nhà Đường, giành độc lập cho đất nước. Theo đó, kịch bản tập trung khai thác giai đoạn từ tuổi 20 đến hơn 40 khi Mai Thúc Loan lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hoan Châu thành công. Khi đó Đại Đường rất hùng mạnh. Mai Hắc Đế chỉ là một hào trưởng bản địa, đã đứng lên liên kết cả 32 châu ở An Nam, đồng thời kết giao với các nước lân bang là Lâm Ấp, Chân Lạp, Kim Lân, với lực lượng liên quân thủy - bộ lên tới 40 vạn người. Sau khi khởi nghĩa thắng lợi vẻ vang, được sự ủng hộ của nhân dân, Mai Thúc Loan xưng Đế, lấy hiệu là Mai Hắc Đế.
Hai tiếng rưỡi trong khán phòng kín người, khán giả đã được trôi vào một giai đoạn lịch sự đáng nhớ, đặc biệt là những bước ngoặt trong cuộc đời của anh hùng áo vải Mai Thúc Loan. Sự đan xen của những tình tiết, những nhân vật gian manh và những người dân đầy nghĩa khí yêu nước lồng ghép vào nhau uyển chuyển. Có khi cả rạp ồ lên cười bởi sự trớ trêu của kẻ cướp bóc thì lại ầng ậc nước mắt vì bi kịch đến buốt lòng. Ấy là khi Mai Thúc Loan đau đớn vì cái chết của bố vợ ngay trước mắt mình. Nút thắt bi kịch ấy đã đẩy lên ngọn lửa căm hờn. Tình yêu nước không chỉ ở người già, người trẻ, không chỉ ở người quân tử mà ở cả những phận nữ nhi. Sức mạnh của tình nghĩa cha con, đất nước cũng đã kết tinh qua hình ảnh của Bạch Vân - một người con gái đã chấp nhận lấy người ở Đại Đường, mong có ngày phục hận rửa thù cho cha mẹ. Sự hi sinh của người con gái thông minh, xinh đẹp ấy đã khiến người xem rơi nước mắt.
Mai Thúc Loan - hình tượng nhân vật lịch sự đã thực sự cuốn hút người xem bằng sự chặt chẽ của kịch bản cũng khả năng thuyết phục người xem của đạo diễn Triệu Trung Kiên. Nói về nam diễn viên chính, đạo diễn vở Mai Hắc Đế cho rằng, anh hài lòng với khả năng biểu đạt của nghệ sĩ Quang Khải - một diễn viên đã giành được Huy chương vàng trong Hội diễn vừa qua.
Được sự đầu tư kỹ lưỡng, vở cải lương Mai Hắc Đế có sử dụng máy chiếu màn hình led, với rất nhiều hình ảnh minh họa phụ trợ cho phần biểu diễn của các nghệ sĩ trên sân khấu, khiến không gian sân khấu càng thêm sinh động, hấp dẫn. Không chỉ những cảnh chém giết, bắt bớ… trong hơn hai tiếng đồng hồ, những phân cảnh huyền bí, lãng mạn như cảnh Mai Thúc Loan gặp thi nhân Vương Bột hay cảnh vợ chồng Mai Thúc Loan trong đêm trăng ngập tràn trên sông trước đêm khởi nghĩa… đã thực sự cuốn hút người thưởng thức.
Kịch bản hay, đạo diễn tài hoa
Chia sẻ với PVDân trí về cảm nhận của mình về vở diễn Mai Hắc Đế, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết: “Đây là một vở diễn thành công, tác giả kịch bản đã xây dựng nhân vật Mai Hắc Đế là một anh hùng áo vải, biểu hiện cho lòng yêu nước, quyết tâm hi sinh tất cả hạnh phúc gia đình, riêng tư để tập hợp nhân dân, liên kết với các nước láng giềng để tập trung cho đất nước.
Mai Hắc Đế là một nhân vật kết tinh được sức mạnh của nhân dân, truyền thống yêu nước nồng nàn và hi sinh tất cả vì độc lập dân tộc. Bên cạnh nhân vật Mai Hắc đế là cả một đội ngũ hùng hậu của nhân dân, đấy là sức mạnh quyết định cho mọi thắng lợi. Chúng ta cũng thấy được tình hữu nghị với các nước láng giềng đã được xây dựng từ rất sớm, kết hợp được sức mạnh của nhân dân ta với sự ủng hộ giúp đỡ của các nước láng giềng. Tôi rất xúc động vì sự thành công của vở diễn”.
Vở diễn Mai Hắc Đế ngoài kịch bản tốt, thì chính vai trò của đạo diễn đã được nhắc đến rất mãnh mẽ, nhà thơ Hữu Thỉnh nói:“Đặc biệt ngoài sự thành công của tác giả kịch bản thì phải thấy bàn tay của đạo diễn rất tài hoa. Đạo diễn vở diễn Triệu Trung Kiên đã có khả năng bao quát các tuyến nhân vật, tập trung vào chủ đề chính, trang phục, ánh sáng, hóa trang, phân cảnh rất tốt. Mở đầu năm mới mà được xem vở kịch như thế này tôi cảm thấy rất vui mừng. Chúc mừng tác giả kịch bản Nguyễn Thế Kỷ và tập thể nhà hát Cải lương”.
Kết thúc vở diễn, chúng tôi bắt gặp nữ diễn viên truyền hình nổi tiếng Kim Oanh, không giấu cảm xúc, cô cho biết: “Hôm nay tôi đi xem vở Mai Hắc Đế với tư cách là một khán giả, tôi cảm nhận mình đã mê đắm dàn diễn viên, đặc biệt đạo diễn Trung Kiên đã đem đến một dàn diễn viên cả nói và hát đều rất hay. Kịch bản hay, diễn viên rất thú vị, đạo diễn đã thể hiện được sự tài hoa của anh. Tất cả đã cuốn hút người xem, bằng chứng ngần này người trong khán phòng đã ngồi xem không ai bỏ về. Có thể nói vở diễn này, nhà hát cải lương Việt Nam đã đầu tư hoành tráng, chăm chút, không chỉ diễn viên chính mà kể cả dàn quần chúng từng tý một, rất chỉn chu. Với tôi, đây là một vở cải lương thật sự hấp dẫn”.
Nữ diễn viên của Sóng ở đáy sông cũng chia sẻ mong muốn cần có thêm các kênh quảng bá để những môn nghệ thuật sân khấu như Cải lương thế này đến được với đông đảo khán giả hơn.
Với vai trò là biên đạo múa vở diễn Mai Hắc Đế, nghệ sĩ Tuyết Minh chia sẻ: “Khi Tuyết Minh nhận được lời mời tham gia vào ê-kíp sáng tạo vở diễnMai Hắc Đế trước hết đứng trên phương diện là một nghệ sĩ trẻ đam mê sáng tác và luôn muốn dấn thân vào những đề tài “khó nhằn” về mọi phương diện… Tuyết Minh thấy đây là một trong những kịch bản rất công phu của PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, phần vì cảm phục một tâm hồn văn chương am tường lịch sử, lại quá hiểu sân khấu Cải Lương vì kể sử đã khó rồi, lại viết văn, thơ theo thể nào? Gieo vần ra sao cho diễn viên thoại được, hát được, ngâm được…rất mến phục. Đây là một cách kể về lịch sử rất cần cho thế hệ trẻ ngày hôm nay, và kể bằng sự hấp dẫn của nghệ thuật thì tin chắc nó sẽ đến nhanh hơn và lưu lại lâu hơn trong ký ức của mọi người. Đó cũng là một phần lý do mà Tuyết Minh hào hứng tham gia”.
Mặc dù còn có ý kiến cho rằng, kết cấu vở diễn còn hơi dài, nhiều trường đoạn có thể bớt diễn giải bằng lời kể mà thay vào đó là hành động sân khấu nhiều hơn, hay cần tăng thêm những đoạn hát kỹ thuật, thì sẽ hấp dẫn người yêu nghệ thuật cải lương hơn nữa. Tuy nhiên trong toàn cục, vở diễn Mai Hắc Đế với sự đầu tư 3 tỷ là một vở diễn rất giá trị cả về mặt ý nghĩa cũng như sự quan tâm của khán giả đương đại.
Trò chuyện cùng đạo diễn Triệu Trung Kiên trước đêm diễn anh cũng chia sẻ sự lo lắng của mình trước vở diễn, đó cũng là tâm lý thông thường. Tuy nhiên, qua hai đêm diễn, anh rất vui bày tỏ: “Về mặt hiện tượng bên ngoài, khán phòng đầy kín người, chỉ còn vài chỗ phía trên gác, và cũng không ai đi ra khỏi khán phòng cho đến phút cuối. Cảm nhận được tình cảm từ khán giả đối với nghệ sĩ trên sân khấu, và chừng ấy thôi cũng nói lên tất cả”. Đạo diễn Trung Kiên đã nhận cái bắt tay rất chặt từ tác giả kịch bản Nguyễn Thế Kỷ, và với anh, đó là sự thành công lấp lánh sau đêm diễn đầy cống hiến của không chỉ anh mà cả một tập thể dàn diễn viên, âm thanh, ánh sáng, âm nhạc, múa…
Một số hình ảnh trong đêm diễn vở cải lương Mai Hắc Đế tại Hà Nội:
Vở cải lương Mai Hắc Đế, tác giả kịch bản: PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ; đạo diễn: Triệu Trung Kiên; tác giả chuyển thể Hoàng Song Việt; âm nhạc: Trọng Đài; họa sĩ thiết kế mỹ thuật sân khấu Doãn Bằng; biên đạo múa Tuyết Minh. Các nghệ sĩ tham gia vở diễn dến từ nhà hát Cải lương Việt Nam có: Quang Khải (vai Mai Thúc Loan), Dạ Hương (vai Mai Thị - mẹ Mai Thúc Loan), Minh Lý (vai Ngọc Tô - vợ Mai Thúc Loan), Hoàng Tùng (vai Đinh Thế - bố vợ Mai Thúc Loan)... Theo kế hoạch, vở cải lương Mai Hắc Ðế sẽ có chuyến lưu diễn tại Nghệ An nhân dịp kỷ niệm 1.302 năm khởi nghĩa Hoan Châu vào các ngày 3 và 4/3. |