Những cách làm đẹp nguy hiểm

(Dân trí) - Lịch sử của ngành công nghệ làm đẹp đã từng chứng minh, một chiếc váy phồng, một chiếc áo nịt ngực cũng có thể gây... tử vong!

Váy phồng

Những cách làm đẹp nguy hiểm


Váy phồng là một loại váy có khung đỡ bên trong giúp váy xòe rộng. Phụ nữ ở thế kỷ 19 đặc biệt ưa thích loại váy này, họ thường đeo một bộ khung kềnh càng bên dưới chiếc váy. Váy phồng giúp vòng eo như nhỏ lại và vòng 3 như… to hơn.

Khung váy được kết bện bằng các loại sợi hoặc đơn giản là một lồng thép. Điều bất tiện của khung váy phồng là dễ khiến người mặc bị vấp ngã vì không nhìn thấy đường.

Váy phồng đã từng là chất liệu của những câu chuyện “kinh dị” một thời. Có những phụ nữ khi ra hải cảng, đứng trên đồi hoặc đứng ở lan can một tòa nhà cao tầng đã bất ngờ bị gió cuốn bởi với khung váy xòe như thế, họ chẳng khác nào một cánh diều.

Những cách làm đẹp nguy hiểm


Chiếc váy lòe xòe này cũng thường dễ mắc vào nan hoa của những cỗ xe ngựa, có những phụ nữ vì váy bị mắc vào cửa xe hoặc bánh xe mà bị kéo lê trên mặt đường.

Ngoài ra, thời này, người ta hãy còn sử dụng những giá nến để thắp sáng. Nếu đi lại không cẩn thận và để những giá nến này đổ, lửa sẽ nhanh chóng bắt cháy. Người vợ thứ hai của nhà thơ người Mỹ Henry Wadsworth Longfellow đã gặp nạn như vậy.

Năm 1863, tại thành phố Santiago, Chile, theo sách sử ghi lại, có khoảng 2000-3000 người đã chết trong một vụ hỏa hoạn xảy ra tại nhà thờ. Một ngọn đèn bắt cháy vào rèm cửa. Những người bên trong cố chạy ra ngoài nhưng những chiếc váy phồng của các bà các cô đã khiến lối ra bị kẹt cứng.

Áo nịt ngực

Những cách làm đẹp nguy hiểm


Công dụng của chiếc áo nịt ngực là giúp phụ nữ có được một thân hình đồng hồ cát. Phụ nữ thường “cạnh tranh” nhau ở các số đo. Thời đó, người nào càng có eo nhỏ càng đáng ngưỡng mộ. Hoàng hậu Maud (1869-1938) của Nauy vốn nổi tiếng là người có vòng eo siêu nhỏ và cho tới nay nhiều bộ váy áo của bà vẫn được đem trưng bày để mọi người có thể chiêm ngưỡng.

Một chiếc áo nịt ngực sẽ không có gì là nguy hiểm nếu phụ nữ không quá lạm dụng nó, cố gắng thắt chặt vòng eo hết mức có thể để có được chiếc lưng ong khiến những nội tạng bên trong bị chèn ép quá đáng. Khi thắt chặt vòng eo, đương nhiên họ sẽ không thể thở bình thường được.

Hoàng hậu Maud (1869-1938) của Nauy

Hoàng hậu Maud (1869-1938) của Nauy

Năm 1912, một diễn viên có tên Joseph Hennella phải đảm nhiệm một vai nữ, thời đó, nữ giới không được phép diễn kịch và các vai nữ sẽ do nam diễn viên đảm nhận. Khi đang diễn trên sân khấu, bỗng nhiên Joseph ngã quỵ và đột ngột qua đời. Nguyên nhân là bởi việc thắt chặt quá đáng vòng eo đã làm gẫy một chiếc xương sườn và đâm vào nội tạng. Năm 1903, một phụ nữ cũng đột tử vì bị hai chiếc dây thép gắn trên áo đâm xuyên vào tim.

Trang điểm bằng chì

Một phụ nữ quý tộc Anh có tên Marie Gunning

Một phụ nữ quý tộc Anh có tên Marie Gunning

Trước khi có những mỹ phẩm trang điểm tiện dụng như ngày nay, phụ nữ thường phải mày mò, tự chế đồ trang điểm. Đã có thời, phụ nữ bôi chất chì lên mặt để giúp phấn “ăn da”, bám thật lâu trên da, giúp họ có được làn da trắng xanh xao, yếu ớt – một vẻ đẹp được phụ nữ quý tộc rất ưa chuộng thời bấy giờ.

Biện pháp làm đẹp này đã có từ thời Hy Lạp cổ đại và nó còn tồn tại cho tới tận thập niên 1920 với nhiều biển thể độc hại như phấn bột hay mỹ phẩm có chứa hàm lượng chì cao.

Phụ nữ thời đó đã không biết rằng nhiễm độc chì là một cái chết từ từ và sau nhiều năm mới bắt đầu phát tác. Các triệu chứng của nhiễm độc chì rất đa dạng, nó có thể hủy hoại thần kinh, gây ra chứng đau đầu kinh niên, chán ăn, mất ngủ, thiếu máu…

Nữ diễn viên Kitty Fisher

Nữ diễn viên Kitty Fisher

Ngoài ra, chì còn làm hỏng da, càng dùng lâu, da dẻ phụ nữ càng “xuống cấp”, làm nổi mẩn và họ lại buộc phải dùng nhiều chì, nhiều mỹ phẩm hơn nữa để che đậy. Đó là một vòng tròn luẩn quẩn chết người.

Năm 1760, một phụ nữ quý tộc Anh có tên Marie Gunning, bà nổi tiếng vì sở hữu làn da “trắng như sứ” đã chết vì ngộ độc chì. Năm 1767, nữ diễn viên Kitty Fisher cũng trở thành nạn nhân tiếp theo của việc lạm dụng mỹ phẩm. Năm 1878, một phụ nữ có tên Rachel Russell làm nghề chăm sóc sắc đẹp, chuyên bán những sản phẩm có chứa hàm lượng chì cao cũng chết vì thường xuyên tiếp xúc với chì.

Bó chân

Nữ diễn viên Kitty Fisher


Tục bó chân để có được “gót sen ba thốn” là một truyền thống của phụ nữ Trung Quốc xưa kia. Tục lệ này bắt đầu tồn tại từ thế kỷ thứ 8 cho tới đầu thế kỷ 20. Người phụ nữ khi đã bó chân đi lại rất hạn chế, họ chỉ đi được những bước ngắn, không thể đi bộ đường xa và không làm được việc nặng.

Bó chân bắt đầu từ khi bé gái được 2-5 tuổi, khi đó xương chân còn mềm và chưa phát triển hết. Đầu tiên, chân sẽ được ngâm trong nước lá dược thảo. Sau đó, từng bàn chân sẽ bị bẻ gẫy và cuốn gọn vào trong dải băng, nén thật chặt, kéo giật mạnh về phía gót chân. Đôi khi người ta còn tạo ra những vết cắt sâu ở lòng bàn chân để công việc được dễ dàng.

Nữ diễn viên Kitty Fisher


Trình tự này lặp đi lặp lại, mỗi lần bó mới, dải băng lại thắt chặt hơn nữa làm cho việc bó chân càng ngày càng đau đớn. Bệnh phổ biến nhất sau khi bó chân là nhiễm trùng. Móng chân sẽ mọc dài ra, đâm vào thịt làm rữa thịt, đôi khi làm rụng cả ngón chân, có thể dẫn đến tử vong.

Thời đó, những phụ nữ thượng lưu không bó chân bị coi là quê mùa, xấu xí và hầu như không được ai hỏi cưới bởi quan niệm chỉ có con nhà nông mới không bó chân vì họ phải lao động nặng nhọc.

Cổ áo hồ cứng tháo rời

Nữ diễn viên Kitty Fisher


Những chiếc cổ áo dựng cao, hồ cứng và có thể tháo rời này là một sản phẩm thời trang rất được ưa chuộng trong nam giới hồi thế kỷ 19. Cổ áo thường được may vừa khít với vòng cổ và được đóng cúc bằng một chiếc khuy cài măng séc.

Tuy vậy, để có được một dáng cổ áo đẹp, nó phải được hồ cứng và ôm sát để không bị xô lệch. Vì phải ôm chặt lấy cổ nên chiếc cổ áo kiểu này thường làm ảnh hưởng tới quá trình tuần hoàn và hô hấp.

Nữ diễn viên Kitty Fisher


Đã có nhiều câu chuyện kể lại rằng những người đàn ông say mèm, lăn ra ngủ và quên không tháo cổ áo ra đã bị chết ngạt từ từ trong giấc ngủ vì thiếu oxy lên não.

 
Pi Uy
Theo Cracked