Nhóm 9X về quê khởi nghiệp: Làm việc từ tinh mơ, chọn rủi ro cao để dẫn đầu
(Dân trí) - Mỗi người một địa phương, học ngành khác nhau, nhưng ở Đông, Nam, Tiến và Thông đều có chung niềm đam mê làm nông nghiệp sạch. Ba năm trước, họ quyết định lên núi thuê đất hiện thực đam mê của mình.
Nông trại rộng gần 60ha do Nguyễn Tá Đông (sinh năm 1990, quê Đắk Lắk) làm chủ, cùng 3 bạn trẻ khác đều thuộc thế hệ 9X là Trương Hoàng Nam (sinh năm 1995, quê Đồng Tháp), Phạm Minh Thông (sinh năm 1996, quê Bến Tre) và Nguyễn Mạnh Tiến (sinh năm 1995, quê Nghệ An).
Tháng 10/2018, Đông và cộng sự bắt đầu hiện thức hóa ước mơ của mình. Thay vì tìm đến những nơi đồng bằng, đất đai màu mỡ, nhóm bạn trẻ lại chọn khu đất dưới chân núi, khô cằn nằm ở thôn 3 Suối Mơ, Xã Ninh Thượng, Thị xã Ninh Hòa, Tỉnh Khánh Hòa để làm "đô thị nông nghiệp".
Hợp tác xã "kiểu mới"
Đông cho biết, nông trại của anh được đặt tên là "Moshav", đây là từ gốc tiếng Do Thái, nghĩa là một làng nông nghiệp, được coi là một mô hình nông nghiệp theo dạng hợp tác xã kiểu mới, nơi đó tập trung nhiều trang trại, các gia đình của những chủ trang trại này cũng ở tại đó để tham gia điều hành, làm việc, quản lý nhân công.
Tại đó có đầy đủ các dịch vụ hỗ trợ về nông nghiệp như cửa hàng vật tư, cửa hàng giới thiệu và bán các sản phẩm nông sản của các trang trại, có khu vui chơi giải trí, khu hoạt động văn hóa, thể thao, trường học cho con em các trang trại sinh hoạt và học tập…
Hỏi ra mới biết, đây chính là mô hình mà trong thời gian 11 tháng học tập và làm việc tại Israel, Đông nhận thấy rất hiệu quả và mong muốn triển khai một mô hình tương tự tại Việt Nam.
Ngoài diện tích 56ha của nông trại còn có các trang trại xung quanh cũng là những bạn trẻ bỏ phố về đây lập nghiệp, ngoài thời gian làm, nhóm của Đông cũng thường xuyên giao lưu, chia sẻ với nhau về cách làm, về thị trường và hỗ trợ cho nhau rất nhiều trong quá trình thực hiện.
"Nhiều người lầm tưởng sẽ có sự cạnh tranh giữa các trang trại với nhau nhưng điều đó hoàn toàn không có, bởi lẽ trước giờ cách làm nông của Việt Nam rất manh mún, mạnh ai nấy làm, không có tư duy dài hạn, tới một lúc cung nhiều hơn cầu thì giá bắt đầu giảm, và mọi người lại thấy không hiệu quả nên bỏ và chuyển qua làm cái khác.
Vì vậy, không có những cánh đồng mẫu lớn để triển khai đồng loạt, áp dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật vào để tăng năng suất, chất lượng…", chàng trai 9X nói.
Để giải quyết "bài toán" này, Đông và cộng sự chọn cách cùng nhau làm, tập trung thành một khu vực rộng lớn hàng trăm hecta, mỗi người một thế mạnh để cùng nhau xây dựng khu này thành trung tâm nông nghiệp của cả nước, để người dân có việc làm, có thu nhập tốt, không phải tha hương cầu thực, thanh niên không phải đi tới các thành phố lớn lập nghiệp.
Ban đầu, nguồn vốn góp của các anh em trong nhóm, làm quy mô nhỏ thấy hiệu quả sau đó mở rộng dần, mua thêm đất, và dùng chính quỹ đất đó để thế chấp ngân hàng, có thêm vốn đầu tư sản xuất.
"Mình cần chứng minh cho mọi người thấy được tâm huyết, sự quyết tâm và tính khả thi của dự án thì lúc đó sẽ có nhiều nhà đầu tư tìm đến mình, và bài toán về nguồn vốn được giải quyết", Đông nói.
Chấp nhận rủi ro cao để là người "tiên phong"
Mô hình nông trại do Đông làm chủ tập trung thử nghiệm các loại cây trồng, vật nuôi để tính hiệu quả kinh tế, từ đó chuyển giao cho bà con nông dân thực hiện, để người dân cũng được hưởng lợi từ việc tạo ra sản phẩm, được thu mua tại chỗ mà không phải đối diện với cảnh "được mùa mất giá".
"Là người thử nghiệm để đánh giá mức độ hiệu quả và chuyển giao cho người dân, do đó chúng tôi xác định là người đi tiên phong, chấp nhận rủi ro cao hơn và chấp nhận trả giá cho những thất bại để rồi có những bài học, có những kinh nghiệm để hướng dẫn lại cho bà con nông dân", Đông cho biết thêm.
Có 11 tháng "tu nghiệp" ở Israel - quốc gia được biết đến là một đất nước sa mạc, đất đai khô cằn, nhưng nông nghiệp của họ phát triển rất mạnh. Thời gian ở bên đó đã giúp Đông có cái nhìn khác về cách làm nông nghiệp. Điều quan trọng là cần chủ động được nguồn nước. Israel xử lý nước biển và có đường dẫn hàng nghìn km để nơi nào cũng có nước, và họ ý thức được việc tiết kiệm nước ngay từ nhỏ.
Moshav Farm của Đông và các cộng sự cũng làm tương tự, những khu vực trồng cây đều được bố trí hệ thống nước tưới tự động để giúp giảm thiểu áp lực nhân công, cây không bị thiếu nước vào mùa khô, bên cạnh đó chúng tôi cũng cơ giới hóa phần lớn để việc chăm sóc cây trồng được tối ưu.
Làm việc từ khi… gà gáy
Khu vực Ninh Hòa nắng nóng quanh năm, chỉ có chưa tới 3 tháng mùa mưa, và lượng mưa cũng chỉ ở mức thấp, đặc biệt hiện nay bị ảnh hưởng của việc biến đổi khí hậu, nhiệt độ trái đất tăng lên hàng năm, do đó việc làm nông cũng đối diện với nắng mưa liên tục.
Do đó, để không bị ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe cho những công nhân làm việc trực tiếp ngoài đồng, Đông phải điều chỉnh thời gian làm việc linh động theo tính chất mùa vụ. Mùa nắng thì làm sớm hơn và nghỉ trễ hơn để tránh bớt cái nắng vào buổi trưa.
Tuy ở nông thôn, làm nông nhưng không có cảm giác buồn, vắng vẻ như nhiều người nghĩ, mà ngược lại mọi người rất vui khi được làm việc trong môi trường trẻ trung, năng động, toàn những người tích cực.
Ngoài việc phát triển kinh tế, nông trại định hướng phát triển theo mô hình doanh nghiệp xã hội, do đó hàng năm đều tổ chức các chương trình thiện nguyện như việc trao học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ tu bổ lại nhà vệ sinh cho trường học trên địa bàn, tổ chức các chương trình trung thu cho em, hiến máu, dạy tiếng anh cho trẻ…
Không chờ cây có trái mới tìm thương lái đến mua
Các sản phẩm chủ lực của nông trại là nhóm sản phẩm hỗ trợ giải cảm, giảm cân sản phẩm tẩy rửa tự nhiên và chăm sóc da, như: Bột gừng sấy lạnh, dầu gió bạc hà và lá xông giải cảm, nước rửa chén, rửa tay bồ hòn, mặt nạ bùn khoáng sữa dê nghệ đỏ, mặt nạ bùn khoáng rau má chùm ngây, các sản phẩm nông sản sấy lạnh…
Các nguyên liệu sau khi thu mua về đều được sơ chế, xử lý như sấy nóng, sấy lạnh, đun,… để ra được sản phẩm có tính sáng tạo, có hạn sử dụng cao hơn nhờ đó mà có sự khác biệt.
Đông cho biết, khác với cách làm của người dân địa phương, farm không chờ đợi đến khi có cây có trái mới tìm thương lái đến mua, farm chủ động truyền thông về những dự án của mình trong toàn bộ quá trình. Từ khi đặt cây giống, chăm sóc cây, quá trình sản xuất đều từng bước chia sẻ lên để mọi người theo dõi, từ đó tạo được niềm tin và khi ra thành phẩm thì đều được đón nhận nhiệt tình.
Cùng nhau "lên núi lập nghiệp" được tròn 3 năm, tuy chưa phải là khoảng thời gian dài nhưng điều mà nhóm bạn 9X cảm nhận được rõ nhất đó là sự yên bình, không khí trong lành. Người dân nơi đây thân thiện cởi mở và sẵn sàng giúp đỡ người khác, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện để nhiều nhà đầu tư tới làm ăn. Đây cũng được xem là những thuận lợi bước đầu, góp phần vào sự thành công của nông trại.