Nhìn lại Vũ Trọng Phụng

(Dân Trí) - Lần đầu tiên bản thảo viết tay và những cuốn sách ấn bản lần đầu chưa qua biên tập nhiều, đã được triển lãm trong "Lễ tưởng niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Vũ Trọng Phụng".

Nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh của "vua phóng sự" đất Bắc, Vũ Trọng Phụng (20/10/1912 – 20/10/2012), Hội nhà văn Việt Nam tổ chức “Lễ tưởng niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Vũ Trọng Phụng”. Tham dự có con rể của nhà văn, ông Nghiêm Xuân Sơn, nhà phê bình Hà Minh Đức, nhà thơ Hữu Thỉnh,… cùng nhiều tên tuổi khác trong làng văn, làng báo.
 
Tại buổi lễ, nhà phê bình Lại Nguyên Ân trong bài phát biểu: “Hậu thế đối xử thế nào với di sản của Vũ Trọng Phụng” có chú trọng đến việc sưu tầm và in ấn các tác phẩm của nhà văn, nhà báo thuộc thế hệ vàng của văn chương Việt Nam. Ông Lại Nguyên Ân cho biết: “Trong số các nhà văn giai đoạn 1930 – 1945 cho đến nay, tác phẩm của Vũ Trọng Phụng được làm lại, in ấn tư liệu nhiều nhất, thống kê có ít nhất từ ba đến bốn tuyển tập. Tuy nhiên nếu đặt ra câu hỏi: Đã sưu tập được hết tác phẩm của ông chưa? Thì câu trả lời là: Chưa . Đây là tình trạng chung với di sản của nhiều tác giả khác, cho thấy việc nghiên cứu, sưu tầm văn học ở ta, người nghiên cứu đông đảo nhưng công việc chưa làm được còn nhiều”. Việc sưu tầm được những tác phẩm, bản thảo của nhà văn từ gần một thế kỉ trước với nhiều biến cố thời cuộc thực đòi hỏi công sức và hiểu biết về nguồn gốc, lịch sử văn bản. Hơn thế, Vũ Trọng Phụng là một nhà báo, nhiều tác phẩm của ông được in rải rác trên các báo như “Hà Nội báo”, "Đông Dương tạp chí"với những chương ngắn trong “Cơm thầy cơm cô”, “Giông tố”, cùng truyện ngắn và một số tác phẩm kịch nên việc sưu tầm, tìm lại đầy đủ vô cùng khó khăn.

Bản thảo viết tay của nhà văn Vũ Trọng Phụng
Bản thảo viết tay của nhà văn Vũ Trọng Phụng

Trong khuôn khổ lễ tưởng niệm, người xem được tận mắt chứng kiến nhiều di sản quý giá được một người không chuyên sưu tầm là anh Hòang Minh (Tân Bình – TP.HCM). Sau hơn mười năm cất công tìm kiếm, anh mang tới những bài báo của Vũ Trọng Phụng đăng trên “Hà Nội báo” (1936), “Đông Dương tạp chí” (1937), “Tiểu thuyết thứ bẩy” (1939) cùng những ấn bản đầu tiên như “Giông tố” (1937), “Kỹ nghệ lấy tây” (1936), “Số đỏ” (1951)… Đây là những cuốn sách quý hiếm đã sống hàng chục năm qua nhiều tủ sách gia đình, những hàng sách cũ mà anh Hoàng Minh mất nhiều thời gian và công sức để mua lại. Khi được hỏi lí do sưu tầm tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, anh tâm sự: “Đó là sở thích của những người có chung niềm hoài cổ. Với tôi Vũ Trọng Phụng là nhà văn vĩ đại nhất, ví như tiểu thuyết “Số đỏ” có lẽ vài trăm năm sau cũng không lạc hậu với thời cuộc”.

Bản in đầu tiên cuốn sách Giông tố của Vũ Trọng Phụng năm 1951
Bản in đầu tiên cuốn sách "Giông tố" của Vũ Trọng Phụng năm 1937

Đặc biệt nhất, đến với không gian trưng bày người xem được tận mắt chứng kiến bút tích của nhà văn Vũ Trọng Phụng trên bản thảo “Vỡ đê”. Hiện nay, anh Hoàng Minh có trong tay gần 20 trang bản thảo. Ở đó ghi dấu những nét chữ phóng khoáng, từng câu văn giá trị, người xem được nhìn ngắm những đoạn gạch chân, những dòng chú thích hay sửa chữa được nhà văn đóng khung cẩn thận. Trao đổi với Dân Trí, anh Hoàng Minh cho biết: “Nguồn gốc của bản thảo này rất đặc biệt, sinh thời nhà văn Vũ Trọng Phụng gửi bản thảo này cho NXB Mai Lĩnh. Sau đó, giám đốc NXB là ông Đỗ Xuân Mai mang theo bản thảo quý giá này vào Nam. Một nhà sưu tầm (xin giấu tên) đã mua lại năm 1960. Để có được được bản thảo này, tôi phải theo thuyết phục nhà sưu tầm suốt 8 năm ròng. Đến khi, nhà sưu tầm đã quá già và quyết định truyền lại cho tôi. Có người trả giá một tờ vài trăm USD nhưng tôi nghĩ đây là tài sản vô giá”.

Những di sản này, không chỉ có giá trị như một “cổ vật” để nhìn ngắm. Với những nhà nghiên cứu, đây là kho báu để tìm hiểu về “bậc thầy trào phúng” Vũ Trọng Phụng. Theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân: “Những trang văn của Vũ Trọng Phụng thời đó đứng trước nhiều cuộc tranh cãi về khiêu dâm và suy đồi. Không ít tác phẩm trước khi xuất bản bị biên tập quá nhiều. Ví dụ nhiều chi tiết, câu chữ trong “Giông tố” không được in hết và thay bằng dấu ba chấm. Bản thảo ngày càng bị xâm hại đáng tiếc trong những lần xuất bản sau”. Như vậy, những bản thảo viết tay, những truyện ngắn, tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng và sách phê bình, lý luận về Vũ Trọng Phụng từ thế kỉ trước là tư liệu quý giá đối với nhà nghiên cứu, phê bình văn học. Cuốn sách “Giông Tố” (bản in đầu tiên 1937) mà anh Hoàng Minh may mắn mua lại được từ một người chơi sách “có hạng” giúp ích rất nhiều cho công trình nghiên cứu của nhà phê bình Lại Nguyên Ân. Ông đã có những đánh giá chuẩn xác về vấn đề ứng xử với di sản Vũ Trọng Phụng để lại trong công trình văn bản học “Nghiên cứu văn bản Giông Tố” do NXB Tri Thức ấn hành năm 2007.

Một số hình ảnh về sách, báo, văn bản được trưng bày:

Bài và ảnh: Đinh Nha Trang
Bài và ảnh: Đinh Nha Trang
Bài và ảnh: Đinh Nha Trang
Bài và ảnh: Đinh Nha Trang
Bài và ảnh: Đinh Nha Trang
Bài và ảnh: Đinh Nha Trang
Bài và ảnh: Đinh Nha Trang
Bài và ảnh: Đinh Nha Trang
Bài và ảnh: Đinh Nha Trang
Bài và ảnh: Đinh Nha Trang

Bài và ảnh: Đinh Nha Trang