"Nhiều tác giả trẻ chưa đủ đam mê và cô đơn để đi đường dài văn chương"
(Dân trí) - Đó là chia sẻ của Nhà văn Trịnh Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM - tại Hội thảo "Nâng cao chất lượng sáng tác văn học trẻ năm 2023".
Ngày 28/11, tại Hà Nội, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) phối hợp với Ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam) tổ chức buổi Hội thảo Nâng cao chất lượng sáng tác văn học trẻ năm 2023.
Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Hướng Dương - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) - cho biết, hội thảo diễn ra với mục đích tạo diễn đàn để các nhà văn, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu làm rõ một số vấn đề về công tác nâng cao năng lực sáng tác trẻ. Qua hội thảo, nhiều ý kiến cũng đề xuất những giải pháp, nâng cao vai trò của các cơ quan nhà nước, các Hội chuyên ngành về văn học trong việc tạo sự phát triển văn học trẻ.
"Hiện nay, chất lượng sáng tác trẻ chịu tác động nhiều chiều, nhiều yếu tố và xu hướng ảnh hưởng khác nhau. Chúng ta rất cần có những đổi mới về nội dung, phương thức, định hướng sáng tác.
Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là chúng ta đã đổi mới đến đâu, làm như thế nào để nâng cao chất lượng sáng tác trẻ thực sự thẩm thấu đến với người trẻ, được công chúng, bạn đọc đón nhận, thực sự tạo ra cơ sở hình thành những giá trị trong nền văn chương nước nhà", ông Dương chia sẻ.
Nhà thơ Trần Hữu Việt - Trưởng Ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam) - cho biết, ở Hội Nhà văn Việt Nam, tỉ lệ hội viên trẻ trong Hội (nếu tính đến tuổi 40) chỉ xấp xỉ 4%, còn nếu tính tuổi từ 35 trở xuống thì chỉ được khoảng 1,7%, đây là một con số thấp và đã duy trì nhiều năm nay.
Trong đó, lực lượng viết lý luận phê bình văn học và dịch văn học thấp, chủ yếu vẫn là người sáng tác mảng thơ và văn xuôi.
"Đa số cây bút trẻ được trang bị kiến thức tốt, say mê sáng tác, một số nổi lên như những tiềm năng nhưng có nhiều trường hợp họ bỗng ngừng sáng tác, rời khỏi văn đàn nhẹ nhàng như lúc họ đến.
Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy mong muốn của những người viết trẻ là được giao lưu, trao đổi, trải nghiệm với các bạn viết; được học hỏi từ các thế hệ đi trước, được đào tạo; được thường xuyên tạo điều kiện đi thực tế để thâm nhập vào đời sống, được đến các trại sáng tác; được hỗ trợ in ấn, xuất bản; được giới thiệu, quảng bá tác phẩm.
Họ cũng mong muốn có thêm các giải thưởng văn học phù hợp để được đánh giá, ghi nhận và tiếp thêm năng lượng, niềm tin để gắn bó lâu dài với nghề viết", nhà thơ Trần Hữu Việt cho hay.
Nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM - cũng cho rằng, việc nâng cao chất lượng sáng tác văn học trẻ tại TPHCM thông qua các giải thưởng nhằm khuyến khích khởi nghiệp văn chương cho sinh viên các trường đại học, khơi dậy đam mê văn chương với thế hệ trẻ
"Các tác giả trẻ cần được sáng tạo trong không gian văn minh cởi mở, trong môi trường văn hóa tôn trọng cá tính sáng tạo và khao khát đổi mới, trước hết là đổi mới chính mình, vượt qua chính mình bằng tác phẩm. Nhiều người trẻ bỏ nghề viết giữa chừng có nhiều lý do, có thể tác giả trẻ chưa đủ đam mê và cô đơn, chưa đủ động lực để đi đường dài cùng văn chương", bà Ngân chia sẻ.
Bà Ngân nói thêm, tác phẩm văn học phải được xem như một kênh văn hóa quan trọng nuôi dưỡng tâm hồn và phẩm chất con người Việt Nam hiện tại cũng như tương lai, mà bệ phóng chính là những nhà văn trẻ bây giờ.
Theo Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, cần có ngân sách hợp lý dành cho văn học trẻ, nhà nước nên mạnh dạn đặt hàng cho các tác giả trẻ, nhất là thể loại tiểu thuyết. Khi tác giả trẻ yên tâm với sứ mệnh ngồi trước trang viết thì họ mới phát huy hết trách nhiệm người cầm bút đích thực.
PGS,TS Phạm Xuân Thạch - Khoa Văn học, Trường ĐHKHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) - cho biết, cần nhìn nhận các lớp nhà văn trẻ hiện nay như những start up (người bắt đầu sự nghiệp), và điều cần thiết hơn cả đối với họ là một hệ sinh thái khởi nghiệp.
"Một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc hỗ trợ sáng tác của nhà văn là phải giúp họ có một nền tảng triết lý, tư tưởng, nhận thức xã hội vững vàng. Đó là một quá trình tích lũy liên tục và cách thức tốt nhất tạo nên nền tảng đó là thúc đẩy đối thoại và để người học tự rút ra chiêm nghiệm cho riêng mình.
Ngoài ra, bên cạnh mô hình đào tạo viết văn ở những trường chuyên nghiệp thì còn cần khuyến khích và đào tạo viết văn ở những trường đa ngành, thậm chí cần phải là một mô hình tồn tại song song với mô hình truyền thống", ông Phạm Xuân Thạch chia sẻ thêm.
Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh vai trò của các cuộc thi và giải thưởng văn học trong việc phát hiện những ý tưởng nghệ thuật và những cá nhân có năng lực sáng tác; đồng thời cần có chính sách hỗ trợ dự án của các nhà văn trẻ đang bắt đầu sự nghiệp sáng tác nghệ thuật.
Nhà văn trẻ Hiền Trang từng tham dự Chương trình viết văn quốc tế (IWP), chị cho rằng, sự kiện đã cho chị những trải nghiệm tuyệt vời và nguồn cảm hứng bất tận để viết lách.
Sau khóa học, Hiền Trang đã được truyền nhiều động lực để viết, có thêm dũng khí để chấp nhận con người thật của bản thân và thêm yêu nghề viết mà mình đã lựa chọn.
Chị cũng mong rằng tại Việt Nam, bên cạnh những chương trình đào tạo chuyên nghiệp, các nhà văn trẻ sẽ được tạo điều kiện để có được không khí lành mạnh, thoải mái, giúp họ phát huy được hết khả năng để tận lực cầm bút sáng tác.
Lạc Thành - Thanh Tú