Nhiều cảm xúc trong đêm thơ Nguyên Tiêu tại Hoàng Thành Thăng Long
(Dân trí) - Đêm thơ Nguyên Tiêu - sự kiện chính của Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21, diễn ra tối 5/2, tại Hoàng Thành Thăng Long với nhiều đổi mới đã để lại dấu ấn đặc biệt, mang thơ đến gần hơn với công chúng.
Phát biểu tại đêm thơ, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, từ lúc khởi nguồn, thơ ca Việt Nam chưa bao giờ đứng ngoài vận mệnh của đất nước. "Ở mỗi thời kỳ từ dựng nước đến giữ nước, thơ ca luôn đồng hành, là những vũ khí sắc bén của dân tộc để chống ngoại xâm, chống đồng hóa, để xây đắp văn hiến, duy trì sự phát triển dòng giống Lạc Hồng... Thơ ca như thể hòa quyện với dân tộc ta, trở thành một phần không thiếu của mỗi người Việt Nam".
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, thực tiễn đòi hỏi nhà thơ cần tham gia tích cực vào đời sống xã hội, nhập cuộc sâu hơn, sát hơn để nghe kỹ hơn, nhìn tinh tường hơn, cảm nhận và phản ánh chính xác hơn những vấn đề đang diễn ra trong đời sống xã hội cũng như trong tâm tư của mỗi cá nhân. Khi động cơ sáng tác là tinh thần yêu thương, xây dựng, thì người đọc sẵn sàng đón nhận, sẵn sàng đặt lòng tin vào tác phẩm ấy, vì họ cảm nhận được sự phản ánh, thiện cảm tỏa ra từ trái tim của tác giả.
Đọc diễn văn khai mạc đêm thơ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, năm 2022, chúng ta vô cùng tự hào khi UNESCO trao Nghị quyết vinh danh nhà thơ Hồ Xuân Hương và nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ, nhà văn hóa lớn của nhân loại. Và năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, UNESCO đã vinh danh Người là "Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam".
Trước đây, UNESCO đã vinh danh và cùng kỷ niệm năm sinh/năm mất của các nhà thơ, nhà văn hóa lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du. Sự vinh danh đó cho thấy sứ mệnh của những nhà thơ Việt Nam và sự đóng góp của họ trong việc tạo ra những giá trị tinh thần cho dân tộc và cho nhân loại.
"Trong lịch sử lớn của dân tộc có lịch sử của thơ ca. Các nhà thơ Việt Nam hết thế hệ này đến thế hệ khác đã đi cùng dân tộc trên mọi chặng đường. Với quyền lực của ngôn từ, với vẻ đẹp của tư tưởng nhân văn và bản lĩnh của mình, thơ ca đã đi qua mọi thách thức, mọi đe dọa và đi qua cả cái chết để mang vẻ đẹp và niềm kiêu hãnh bước vào từng ngôi nhà trên xứ sở chúng ta và nhóm lên ngọn lửa của tình yêu thương con người và những giấc mơ đẹp đẽ cho mảnh đất này", ông Nguyễn Quang Thiều phát biểu.
Nhân dịp này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng đã kêu gọi các nhà thơ, những người yêu thơ "cùng nhau viết chung một bài thơ - Bài thơ của tình yêu thương con người, của lương tri, của giấc mơ tự do và hy vọng bằng những cách riêng của trái tim mình" và "thơ ca hãy đứng về phía con người, vinh danh con người và bảo vệ con người".
Đêm thơ được chia làm 4 chương, giới thiệu nhiều tác phẩm tiêu biểu qua các giai đoạn: Thơ mới; Thơ trong kháng chiến chống Pháp; Thơ trong kháng chiến chống Mỹ; Thơ thời kỳ đổi mới và Thơ trẻ. Khán giả đã được nghe các tác phẩm thơ qua giọng đọc của các nghệ sĩ, nhà thơ, nhà báo như NSND Trịnh Thúy Mùi, NSƯT Tạ Tuấn Minh, NSƯT Thu Hà, nhà báo Hạnh An An, các nhà thơ Hữu Thỉnh, Thi Hoàng, Bằng Việt, Phan Thị Thanh Nhàn, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Bình Phương… và các nhà thơ trẻ như Nguyễn Bảo Chân, Nguyễn Vĩnh Tiến, Lữ Mai, Đoàn Văn Mật…
Trong phần giao lưu, nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ về hoàn cảnh ra đời bài thơ Năm anh em trên một chiếc xe tăng, khi đó ông hành quân theo một trung đoàn xe tăng trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. Nói về Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 sau 3 năm không tổ chức được vì đại dịch Covid-19, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết, sau 21 năm, Ngày thơ Việt Nam đã trở thành một lễ hội đối với người yêu thơ trong cả nước. Ngày thơ đã được đổi mới, làm sáng tạo hơn, đa dạng hơn, hấp dẫn hơn đối với người yêu thơ cả nước.
Nhà thơ Bằng Việt, năm nay đã ngoài 80 tuổi cũng đến với đêm thơ Nguyên Tiêu, ông chia sẻ xúc động về hai bài thơ cùng có tên Về Hương Sơn năm sơ tán ấy. "Một bài tôi viết về những vấn đề của đời sống sơ tán chung. Bài thứ hai viết riêng cho mẹ tôi. Khi tôi lên thăm mẹ, mẹ chỉ nói một câu là bao nhiêu năm rồi học thiền nhưng không có được một lúc yên tĩnh để thiền. Tôi nói với mẹ là, nếu chiến tranh chưa kết thúc thì không bao giờ thiền được cả. Nếu chiến tranh kết thúc, chúng ta sẽ trở về với vô ngã và vô vi. Hôm nay tôi đọc bài thơ đó để tưởng nhớ những lúc được gặp mẹ", nhà thơ Bằng Việt nói.
Chương trình cũng giới thiệu đến khán giả phần trình diễn nhiều bài hát nổi tiếng được phổ nhạc từ những bài thơ nổi tiếng như: Đường chúng ta đi (thơ Xuân Sách, nhạc Huy Du); Thơ tình cuối mùa thu (thơ Xuân Quỳnh, nhạc Phan Huỳnh Điểu); Mơ về nơi xa lắm (nhạc Phú Quang, thơ Thái Thăng Long), Người Hà Nội (thơ - nhạc Nguyễn Đình Thi)...
Âm nhạc và thơ hòa quyện với nhau đã để lại nhiều dấu ấn và mang lại cho khán giả một đêm thơ Nguyên Tiêu của Ngày thơ Việt Nam 2023 nhiều cảm xúc.