Con trai nhạc sĩ " Nơi đảo xa" kể về cảm xúc cuối cùng của cha mình
(Dân trí) - Con trai của tác giả “Nơi đảo xa” cho biết, cha anh bị liệt phải nằm trên giường, không nói được, ăn bằng đường truyền từ nhiều năm nay. “Cha tôi như ngọn nến ngày càng cạn dần, trước khi ông đi không có cảm giác đau đớn…”, nhạc sĩ Thế Hiển nghẹn ngào chia sẻ.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhạc sĩ Thế Hiển, con trai của cố nhạc sĩ Thế Song cho biết, cha anh đã qua đời vào 18h5 phút ngày 20/5, hưởng thọ 85 tuổi. “Ông như ngọn nến ngày càng cạn dần, trước khi ông ra đi không có cảm giác đau đớn…”, nhạc sĩ Thế Hiển nói.
Theo nhạc sĩ Thế Hiển, ngày 19/5, tác giả ca khúc nổi tiếng “Nơi đảo xa” đã có biểu hiện khó thở, mắt giãn đồng tử. Khi các con quây quần hỏi han, có lẽ nhạc sĩ Thế Song cảm nhận được và ông đã khóc…
“Tôi và các anh chị ở bên cạnh, chị gái tôi nói: “Bố yên tâm đi, chúng con đã lo hết mọi việc”. Và ông đã có biểu hiện cảm xúc”. Đây là biểu hiện cảm xúc cuối cùng mà chúng tôi cảm nhận được sau thời gian dài bố chỉ nằm trên giường”, nhạc sĩ Thế Hiển nói.
Con trai út của nhạc sĩ Thế Song chia sẻ thêm, dù sức khỏe của cha anh đã phục hồi sau lần điều trị tai biến lần 2 bị liệt nửa người vào năm 2014 nhưng chỉ có thể ngồi xe lăn được 2 năm. Còn gần hai năm sau đó hầu như ông chỉ nằm trên giường, không nói được, không đi lại được. Ông cũng chỉ có thể ăn cháo, sữa bằng đường truyền…
Trước năm 2014, nhạc sĩ Thế Song từng phải nhập viện điều trị, bị liệt nửa người, phải ăn bằng ống xông vì tai biến. Nhiều năm nay, ông còn mang trên mình căn bệnh tiểu đường khiến việc hấp thụ thức ăn khó khăn.
Dù sức khỏe không tốt nhưng tình yêu dành cho âm nhạc của nhạc sĩ Thế Song vẫn rất nhiệt huyết. Nhạc sĩ Thế Hiển chia sẻ, trong những lúc ốm đau, ông vẫn yêu cầu các con mở nhạc để ông nghe. Khi biết Hội Nhạc sĩ Hà Nội tổ chức đêm nhạc cho 3 nhạc sĩ gồm nhạc sĩ Thế Song, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ và Ngô Quốc Tính vào năm 2016, ông rất xúc động, mắt rưng rưng.
Có thể nói là đêm nhạc cuối cùng trước khi mất của nhạc sĩ Thế Song. Anh Thế Hiển cho biết, sau đó anh và gia đình cũng dự định thực hiện đêm nhạc chuyên về biển đảo quê hương, kết hợp với các đơn vị như hải quân, cảnh sát biển… Tuy nhiên vì nhiều yếu tố khách quan, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thực hiện được.
Sau khi cha mất, nhạc sĩ Thế Hiển lại đau đáu việc thực hiện đêm nhạc này. “Tại lễ viếng vào ngày 24/5 tới, chúng tôi sẽ làm clip nhạc tổng hợp các ca khúc của bố tôi như “Nơi đảo xa”, “Bài ca trên đỉnh Pò Hèn”, “Tình yêu bên suối””, anh nói. Được biết, đây cũng là những ca khúc, nhạc sĩ Thế Song được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học Nghệ thuật năm 2017.
Nhạc sĩ Lân Cường, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, hiện tại nhạc sĩ Thế Song cũng thể hiện niềm đau xót trước sự ra đi của nhạc sĩ Thế Song. “Trước đây, chúng tôi đến nhà gặp anh, anh cứ “ô ô ô” hoặc chớp mắt, khóc mà không nói được, không đi lại được. Nhưng đợt Tết rồi, chúng tôi đến, anh đã không cảm nhận được gì. Anh ốm đã lâu lắm rồi”, nhạc sĩ Lân Cường nói.
Nhạc sĩ Lân Cường tâm sự: “Chúng tôi rất kính trọng anh Thế Song. Không chỉ anh là tài năng âm nhạc lớn với nhiều ca khúc về biển đảo, trong đó có thể nói “Nơi đảo xa” là ca khúc hay nhất viết về biển đảo, có sức lan tỏa rộng rãi trong công chúng; mà anh còn là một nhân cách lớn. Là người có trách nhiệm đạo đức trong công việc. Sự ra đi của anh khiến bạn bè, đồng nghiệp thương lắm!”
Nhạc sĩ Thế Song sinh năm 1933, ông có gần 600 ca khúc ở nhiều đề tài khác nhau. Nổi bật là đề tài về biển và những người lính đảo, trong đó có “Nơi đảo xa”, “Ngôi nhà lính đảo”, “Mênh mang Trường Sa”, “Tình em theo cánh sóng”…
Ngoài các ca khúc biển đảo, vị nhạc sĩ có một số ca khúc thiếu nhi như “Em yêu mến anh bộ đội”, “Trồng hoa trên mộ liệt sĩ”... Ngoài ra, ông còn là tác giả ca khúc được nhiều người biết tới “Bài ca trên đỉnh Pò Hèn” ca ngợi nữ mậu dịch viên Hoàng Thị Hồng Chiêm đã hi sinh tại Quảng Ninh trong Chiến tranh biên giới Việt-Trung…
Quan điểm nghệ thuật trong sáng tác của nhạc sĩ Thế Song là: "Phải tích luỹ vốn dân ca của ông cha để lại mà tìm tòi phát hiện cái hay, cái đẹp trong đó để sáng tạo trong tác phẩm của mình mang tính thời đại, không sao chép".
Nguyễn Hằng