Nhạc sĩ nổi tiếng “Dư âm” khốn khó tuổi già
(Dân trí) - Mặc dù vẫn tỏ ra linh hoạt trong khi trò chuyện nhưng gần như nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý phải nằm liệt giường bởi căn bệnh tai biến. Đến thăm ông trong một buổi chiều, mới cảm nhận được tâm hồn đa sầu đa cảm của người nhạc sĩ tài hoa 89 tuổi này.
Đón tiếp tôi là một người phụ nữ trạc ngoài 50, đúng như những gì phán đoán trong suy nghĩ với những tư liệu đã tìm hiểu trước khi đến, đây chính xác là cô giúp việc và đỡ đần cho nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý trong suốt mấy chục năm qua. Với vẻ ngoài niềm nở và thân thiện, cô nhẹ nhàng mời tôi vào gặp nhạc sĩ.
Nguyễn Văn Tý - người nhạc sỹ đa sầu đa cảm
Khác với những điều mường tượng về ông trước đó, nếu không tận mắt nhìn thấy cảnh nằm giường với đầy những thứ thuốc men xung quanh, có lẽ nhiều người sẽ không nghĩ nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đang phải trải qua giai đoạn khốn khó của bệnh tật bởi da dẻ hồng hào và đôi mắt tinh anh ở cái tuổi gần 90 của ông.
Cách trò chuyện vô cùng gần gũi và thân mật của nhạc sĩ cũng khiến cho tôi có cảm giác mình như một đứa cháu từ xa trở về và được lắng nghe vô vàn những câu chuyện thú vị. Sau một hồi hỏi thăm tình hình sức khỏe của nhạc sĩ, ông cho biết hàng ngày vẫn phải nằm mải trên chiếc giường này nhưng cũng đành chịu vì đi đứng rất khó khăn.
Mỗi ngày hai bữa cơm chưa đầy bát, đó là khẩu phần tiêu chuẩn mà nhạc sĩ tự đặt ra cho mình để không phải rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau với số tiền tác quyền ít ỏi nhận được 3 tháng 1 lần. Sự trăn trở về cuộc sống chật vật kèm theo nỗi nhớ khôn nguôi về người bạn đời đã mất cách đây 10 năm, khiến giấc ngủ hàng đêm của ông cũng không được vẹn tròn.
Thoáng nhìn những giọt nước mắt rưng rưng của nhạc sĩ khi nhắc về người vợ quá cố, không khó để cảm nhận được sự cô đơn của ông trong căn phòng nhỏ hẹp và bề bộn. Dù xa cách người vợ thứ hai đã lâu nhưng có lẽ tình cảm và sự nhớ thương mà ông dành cho người phụ nữ này vẫn chưa bao giờ hết.
Ánh mắt tủi thân của nhạc sĩ lại càng hiện rõ lên khi nói về hai người bạn đời của mình. Bởi cả hai người phụ nữ mà ông yêu thương nhất đều bỏ ông mà ra đi trước. Người vợ đầu tiên ở Hà Nội mất sớm sau khi sinh đứa con gái cho ông được 3 tháng. Người vợ thứ hai kết duyên ở trong Nam cũng đã rời xa ông từ năm 2004.
“Cuộc đời bác ít khi nào mơ mộng lắm cháu à, vì mơ hoài mà cũng chẳng thấy gì đâu nên bác ít khi nào nghĩ về những thứ tươi đẹp. Có lẽ, cuộc đời bác cho đến hết tuổi già vẫn chỉ mãi là sự bi quan và nhớ nhung thôi…”, nhạc sĩ không kìm được xúc động khi nghe những lời an ủi mà tôi dành cho ông trước đó.
Có lẽ, cũng chính cái chất đa sầu đa cảm đó mà nhạc sĩ đã không thể rời xa căn nhà cũ kĩ của mình để về sống với cô con gái ruột. Nhiều lần chiều theo ý của con sang ở một thời gian, nhưng không vượt qua được nỗi nhớ nhà, ông lại nài nỉ con gái đưa về và sống nhờ vào sự chăm nom của cô cháu họ giúp việc đã mấy chục năm nay.
“Tý chơi Tỳ hay Tỳ chơi Tý”
Để nhẹ bớt không khí nặng nề của câu chuyện, tôi chuyển đề tài và nhìn lên bức tường cạnh bên chiếc giường sắt nhỏ bé của nhạc sĩ và thắc mắc về cây đàn tỳ bà treo trên đó. Trả lời cho ánh mắt tò mò và thích thú của tôi, nhạc sĩ không cần đợi nghe hết câu hỏi: “Đó là kỷ vật thân thiết và gắn bó nhất trong cuộc đời âm nhạc của bác đấy…”
Nụ cười bắt đầu hiện dần trên gương mặt hồng hào của nhạc sĩ khi nhớ lại những ký ức về chiếc đàn tỳ bà này. “Cũng vì cây đàn này mà nhiều người trong giới mới biết đến bác cùng với câu nói “Tỳ chơi Tý”. Vì có lần, bác đánh đàn thì giữa chừng đàn bị đứt dây khiến bác một phen ‘muối mặt’ nên bạn bè lúc đó mới trêu bác rằng “Cái này là Tý đang chơi Tỳ nhưng Tỳ nó chơi lại Tý đấy…” (Tỳ - cách gọi cây đàn tỳ bà của nhạc sĩ - PV).
Nhân tiện giải thích luôn cho cái sự tò mò về nguyên nhân dẫn lối nhạc sĩ trở thành người bạn thân thiết của cây đàn tỳ bà trên, nhạc sĩ giải thích: “Những năm đầu thành lập Hội nhạc sĩ Việt Nam, vì hầu hết các nhạc sĩ không ai biết chơi nhạc cụ nào cả nên lãnh đạo mới phân công cho mỗi người học một loại nhạc cụ. Cuối cùng, bác được chỉ định học đàn tỳ bà và gắn bó với nó cho đến bây giờ mặc dù trước đó, bác được tiếp xúc và học hành với âm nhạc hiện đại của phương Tây”.
Nhạc phẩm nổi tiếng nhờ mối tình đơn phương
Vốn được tiếp xúc với âm nhạc rất sớm và lại được thừa hưởng từ truyền thống nghệ thuật của gia đình nên dù được học hành bài bản về âm nhạc phương Tây nhưng chất Việt trong con người và tư duy âm nhạc của nhạc sĩ vẫn không hề mờ nhạt. Với nhạc sĩ, điều quan trọng nhất vẫn là cảm xúc mà người nhạc sĩ gửi gắm qua từng giai điệu, ca từ.
Nhắc đến điều này, nhạc sĩ lắc đầu tỏ vẻ không hài lòng với những ca khúc nhạc trẻ ngày nay. Theo ông, những ca khúc bây giờ quá dễ dãi về ca từ, thậm chí là thô tục và có lẽ chúng thật sự không phù hợp với tai nghe của một người nhạc sĩ quá giàu cảm xúc như ông.
Với nhạc sĩ, âm nhạc phải làm sao để người nghe cảm nhận nó như một dòng suối, nhẹ nhàng, hiền hòa và từ từ đi tâm hồn công chúng. Đó cũng là câu trả lời lý giải cho tình khúc Dư âm của ông đã trở thành nhạc phẩm bất hủ trong ngần mấy thập niên qua.
Tất nhiên, cảm xúc và nguồn cảm hứng dồi dào để viết nên một ca khúc cũng là yếu tố quan trọng không thể bỏ qua. Ca khúc Dư âm là một điển hình tiêu biểu trong rất nhiều bài hát lấy cảm hứng từ hình ảnh của những người phụ nữ trong cuộc sống mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được gặp.
Mối tình đơn phương với thiếu nữ tên Hằng tuổi trăng tròn ngày nào vẫn như còn in rõ trong tâm trí của ông. Dù sở hữu vẻ đào hoa thời trai trẻ không kém ai nhưng có lẽ, một trong những tiếc nuối về mối tình đơn phương của nhạc sĩ chính là cô gái xinh xắn này. Nỗi nhớ thương và những hình ảnh của cô gái ấy chỉ còn đọng lại trong những giấc mơ, khiến nhạc sĩ viết nên ca khúc Dư âm với nhiều kỷ niệm.
Kể rất nhiều về Dư âm là vậy nhưng nhạc sĩ vẫn khẳng định rằng, với ông thì ca khúc nào ông cũng dành tình cảm như nhau. Bởi chúng đều là những đứa con do mình tạo ra mà con cái thì ông đều thương yêu công bằng. Những Dáng đứng Bến Tre, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ hay Mẹ yêu con… đều là những ca khúc được viết nên từ những chất liệu cảm xúc thật nhất ở những nơi mà ông đã đi qua trên mọi miền đất nước.
Được nghe nhạc sĩ say sưa kể lại những ca khúc nổi tiếng của mình và may mắn hơn khi được nghe chính tác giả ngân lên những giai điệu quen thuộc, tôi thấy mình dường như được nhạc sĩ ưu ái như một khán giả đặc biệt. Dù biết nhạc sĩ vẫn chưa hết hào hứng khi nói về những “đứa con tinh thần” của mình nhưng buổi trò chuyện khá dài cũng đến lúc khép lại để đảm bảo sức khỏe của ông.
Cầm tay tôi và nhẹ nhàng trao lời cảm ơn vì món quà trung thu đầu tiên mà ông nhận được, ánh mắt nhạc sĩ như ánh lên vẻ quyến luyến bởi lâu ngày thiếu vắng đi những cuộc trò chuyện quan tâm của mọi người. Chào nhạc sĩ ra về nhưng trong đầu tôi vẫn mãi nghĩ suy về câu nói đầy xúc động của ông trên suốt con đường về “Đôi khi, điều mong ước duy nhất của bác chỉ là một bát phở nóng thôi cháu ạ…”
Thế đấy… Dù sống giữa chốn nhộn nhịp và sầm uất của một thành phố nhưng hình ảnh về cuộc sống hiu quạnh tuổi xế chiều của một trong những cây đại thụ âm nhạc Việt Nam vẫn hiện lên như bức tranh tương phản giữa sự náo nhiệt và nỗi cô đơn tận cùng còn đọng lại trong Dư âm...
Bài và Ảnh: Cao Trí Hòa