Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 từ bỏ mối tình đầu vì… mê nhạc
(Dân trí) - Nhìn vị nhạc sĩ bé nhỏ, gầy gò thăng hoa bên đàn piano ít ai biết vì niềm đam mê âm nhạc Nguyễn Ánh 9 từng bị bố… đuổi ra khỏi nhà từ năm 18 tuổi, không chu cấp và cũng “đứt gánh” luôn mối tình đầu mơ mộng…
“Tôi bị cây đàn “hành hạ” từ những năm trung học”
Trước liveshow “Kỷ niệm” diễn ra vào tháng 5/2015, liveshow mà Nguyễn Ánh 9 coi là liveshow lần cuối trong đời, ông kể rằng mình bị cây đàn “hành hạ” từ những năm trung học, khi bắt đầu tập piano. Nguyễn Ánh 9 không bao giờ quên cái ngày ông rời khỏi mái nhà, để ngoài tai lời khuyên nhủ lẫn quát mắng của bố mẹ để theo đuổi niềm đam mê âm nhạc. Vị nhạc sĩ nói, mình say mê âm nhạc đến mức có thể từ bỏ tất cả gia đình, tương lai và cả… mối tình đầu dang dở.
"Bố tôi nghiêm khắc nói rằng, nếu lựa chọn cây đàn, làm ơn hãy bước ra khỏi nhà. Ý nghĩ của thằng con trai 18 tuổi học trường Tây khi ấy là: mình có thể tự lập, tại sao mình lại phải sống nhờ vào gia đình, nghe theo ý kiến và sự sắp xếp của họ? Đàn piano là một môn nghệ thuật, mình theo đuổi nó có gì là xấu?”, vị nhạc sĩ nói.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 kể, khi đó gia đình ông bàn với gia đình bạn gái nếu ông theo đuổi con đường cầm ca, từ bỏ con đường học vấn thì họ sẽ không để đôi bạn trẻ đến với nhau. Vì quá thích cây đàn, vì lòng tự ái, ông đã chấp nhận rời xa mối tình đầu để theo đuổi con đường nghệ thuật. Ông sẵn sàng chấp nhận cuộc sống bươn chải, thiếu thốn của chàng đánh đàn…
“Chỉ cần được ngồi trước đàn piano, mọi mệt mỏi trong tâm hồn cũng như thể chất đều tan biến hết. Lúc nào tôi cũng sẵn sàng bước lên sân khấu. Khi bước lên sân khấu với “linh hồn” của mình là tôi quên hết sự đau ốm do chứng nghẹt phổi và hen suyễn”, ông tâm sự. Và, những ai nhìn thấy ông bên cây đàn trong liveshow riêng “Kỷ niệm” cũng như liveshow Khánh Ly, Ánh Tuyết… cũng sẽ cảm nhận được sự nhập tâm “như lên đồng” của Nguyễn Ánh 9.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long từng chia sẻ, kể cả khi đau yếu, được đứng trên sân khấu, Nguyễn Ánh 9 biểu diễn như chưa hề mỏi mệt. Dù, sau khi trình diễn, ông có thể sẽ… đổ bệnh nặng hơn.
Nếu như trước đây, Nguyễn Ánh 9 đàn vì say, đàn vì mưu sinh thì sau này khi cuộc sống sung túc, con cái đủ đầy, ông vẫn không nề hà danh phận của một nhạc sĩ lớn đệm đàn trong chương trình các ca sĩ đàn em cũng như miệt mài đi diễn phòng trà hàng đêm tại TPHCM.
Với Nguyễn Ánh 9 ở những năm cuối đời, vị nhạc sĩ đánh đàn không phải để kiếm tiền mà để tận hưởng niềm đam mê âm nhạc của chính mình. Ông nói vui: “Đi đàn để thỏa mãn cái “thú tính” trong mình, sống không được đàn là vô nghĩa!”
Giai thoại về bút danh “Nguyễn Ánh 9”
Nguyễn Ánh 9 từ một chàng nhạc công trở thành vị nhạc sĩ với nhiều ca khúc nổi tiếng như “Không”, “Buồn ơi, chào mi”, “Cô đơn”, “Ai đưa em về”, “Chia phôi”, “Lời cuối cho em”… như thế nào? Vì sao ông lại lấy tên Nguyễn Ánh 9?
Vị nhạc sĩ kể, tháng 9/1970 ông đi đệm đàn cho nữ danh ca Khánh Ly hát bài Diễm xưa bên Nhật: “Hát xong rồi, tôi và Khánh Ly về khách sạn. Đang đi thang máy lên phòng, Khánh Ly hỏi tôi: “Mày còn thương cô đó không?” Tôi sẵn cây đàn guitar gảy hợp âm: “Không! Không! Tôi không còn yêu em nữa”. Hát giỡn chơi vậy thôi! Về tới Sài Gòn, Khánh Ly được mời hát 2 ca khúc trong một nhạc hội. Một là ca khúc Diễm xưa của Trịnh Công Sơn, còn ca khúc thứ 2 Khánh Ly không biết chọn bài nào. Khánh Ly gợi ý tôi : “Ánh viết thêm cái gì đi, lúc trước hát không, không đó, nghe được đấy”. Từ câu hát vô thức hát với Khánh Ly, tôi viết thành ca khúc “Không” và đâu ngờ ca khúc được đón nhận nhiệt liệt thế.”
Nguyễn Ánh 9 cho biết, sau khi Khánh Ly hát ca khúc “Không”, bà in đĩa ca khúc đó và bán rất chạy. “In đĩa thì ca khúc phải có tên tác giả. Khánh Ly hỏi tôi muốn đề tên như thế nào. Nếu để Nguyễn Ánh thì trùng tên với người khác. Tôi đếm tên mình thấy 9 chữ mà số 9 là số hên. Tôi cũng lấy vợ đúng ngày mùng 9 Tây, ngày đó từ người con trai tôi bước sang người đàn ông- làm chủ gia đình, cũng như từ một nhạc công- tôi bước qua làm nhạc sĩ sáng tác. Vậy là tôi lấy tên Nguyễn Ánh 9”, ông cười kể lại.
Vì nặng lòng với cây đàn, khi ước mơ hát nói lời cảm ơn khán giả Hà Nội trên sân khấu Nhà hát Lớn, vị nhạc sĩ bé nhỏ đã không kìm được sự xúc động. Trước tình cảm yêu thương nồng nhiệt của khán giả, ông lặng khóc rất lâu, mãi không ngừng.
Sau khi hòa tấu “Tình khúc chiều mưa” cùng con trai, nhạc sĩ Nguyễn Quang- Nguyễn Ánh 9 bất ngờ dặn dò: “Sau này nếu cha ra đi, con hãy tiếp tục con đường mà cha đã đi. Quý vị thương Nguyễn Ánh 9 bao nhiêu, thì hãy hãy thương Nguyễn Quang bấy nhiêu”.
Nguyễn Hằng