Ánh Tuyết: “Tôi với Nguyễn Ánh 9 như mắc nợ nhau từ muôn kiếp nào”

(Dân trí) - Trong làng nhạc, tiếng hát Ánh Tuyết với tiếng đàn nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cứ như sinh ra là để dành cho nhau. Giữa họ đã có 25 năm đồng hành cùng nhau trong âm nhạc và cuộc sống. Vì lẽ đó, dù từng giận hờn nhau không biết bao nhiêu lần nhưng rồi họ vẫn bước cùng nhau. Ánh Tuyết cho rằng, họ như nợ nhau từ muôn kiếp nào.

Trong làng nghệ, nhiều người bảo giọng hát Ánh Tuyết và tiếng đàn nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cứ như sinh ra là để dành cho nhau. Ngoài đời, chị và nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cũng tựa như anh em vậy. Vậy chị và nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 quen biết trong cơ duyên nào?

Thực ra, từ hồi bé tôi đã được nghe và thích nghe những bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, nhưng vì hồi đó còn bé nên tôi chẳng biết ông ấy là ai hết. Năm 1991, lúc đó tôi mới chân ướt chân ráo vào Sài Gòn đi hát, một lần tôi biểu diễn ở phòng trà Văn nghệ, lúc vừa bước lên sân khấu chuẩn bị hát bài “Dòng sông xanh” thì tự nhiên có “thằng cha” nhỏ con nhảy lên sân khấu đuổi hết ban nhạc xuống rồi ngồi vào đàn Piano đánh.

Ca sĩ Ánh Tuyết và nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã đồng hành cùng nhau 25 năm có lẻ. Ảnh: TL.
Ca sĩ Ánh Tuyết và nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã đồng hành cùng nhau 25 năm có lẻ. Ảnh: TL.

Tôi nghĩ thầm trong bụng: “Ủa, thằng cha này ở đâu ra vậy, bị khùng hay sao mà đuổi hết ban nhạc đi vậy. Chắc thằng cha này không bình thường”. Tôi bị ngớ người mất một lúc không hiểu chuyện gì đang xảy ra thì thấy ông ấy nhẹ nhàng ngồi vào đàn và đánh đoạn dạo đầu bài “Dòng sông xanh”. Tôi sững sờ vì tiếng đàn của ông ấy hay quá. Trong chốc lát tôi nhận ra rằng: “Ông này muốn đệm đàn cho mình hát” nên tôi cứ thế hát ngon lành.

Xong bài đó ông ấy còn đệm đàn cho tôi hát bài “Ô Mê ly”. Hát xong tôi xuống hỏi chủ quán: “Ủa, thằng cha nào mà đệm đàn cho tôi hát hay vậy?”, ông chủ quán kêu: “Trời ơi, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đó”, tôi nghe mà bật ngửa người ra vì không tin đó là sự thật.

Trong mắt chị, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là một người như thế nào?

Trong mắt tôi, ông Nguyễn Ánh 9 là một người đồng nghiệp mà tôi có thời gian gắn bó rất lâu, tận 25 năm có lẻ. Tình cảm anh em chúng tôi rất thân thiết, gắn bó, khăng khít. Giữa tôi với anh 9 vui có, buồn có, giận hờn có… thậm chí giận hàng nghìn lần rồi bỏ qua cho nhau cũng có.

80% các đêm nhạc tôi biểu diễn đều có sự đồng hành của anh ấy. Và đúng như bạn nói, tiếng hát Ánh Tuyết với tiếng đàn Piano của Nguyễn Ánh 9 từ lâu là hai phần không thể tách rời, kể cả trong nước lẫn ngoài nước.

Trong mắt Ánh Tuyết, nhạc sĩ Buồn ơi chào mi là một người thích hài hước, thông minh nhưng dễ rơi nước mắt. Ảnh: TL.
Trong mắt Ánh Tuyết, nhạc sĩ "Buồn ơi chào mi" là một người thích hài hước, thông minh nhưng dễ rơi nước mắt. Ảnh: TL.

Tôi cũng dám tự hào mà nói rằng, nếu không có tôi thì ông đã “gác kiếm” lâu rồi. Năm 1997, ông ấy đã muốn bỏ nghề rồi. Thời điểm đó, người ta chuộng Organ điện tử hơn, người ta không thích dùng Piano nữa vì nó bất tiện. Người ta không tôn trọng cây đàn Piano lắm. Ông ấy rất buồn vì điều này nên tới nhà tôi tâm sự rằng muốn bỏ nghề. Tôi bảo: “Không được, anh không được bỏ nghề”. Vì thật sự tôi tiếc tiếng đàn của ông ấy. Tiếng đàn của ông rất đặc biệt. Có nhiều người đánh đàn giỏi nhưng giỏi khác với hay.

Ông Nguyễn Ánh 9 đệm đàn cho ai là hiểu ý người ta muốn như thế nào, người ta muốn nhanh, ông ấy sẽ tự động đánh nhanh lên, người ta muốn chậm là cũng ông tự điều chỉnh tiếng đàn mình chậm lại, người ta muốn lên cao trào là ông cũng đánh cao trào liền. Nói chung tôi và ông ấy rất ăn ý, kẻ tung người hứng, kẻ hứng người tung.

Chị có chia sẻ chị và nhạc sĩ họ Nguyễn giận nhau hàng nghìn lần nhưng vẫn không thể bỏ rơi nhau được. Lý do gì khiến hai người giận nhau nhiều đến thế?

Ôi, chuyện chúng tôi giận nhau dài lắm, muôn vàn lý do, tôi không muốn nói ra. Vì nhiều “ân oán” nên tôi mới viết trong sổ tang là “Có quá nhiều điều để nói. Có quá nhiều điều để nhớ. Có quá nhiều điều để trách, giận, hờn. Rồi cũng có quá nhiều điều chưa giãi bày nhưng rồi để làm gì?...”. Tôi với ông ấy như mắc nợ nhau từ muôn kiếp nào ấy, ai cũng bảo vậy. Bao nhiêu lần mọi người kêu “Thôi, không quan hệ gì với nhau nữa” vì cứ trắc trở hoài nhưng rồi tôi đều bỏ qua. Tôi nhận định rất rõ ràng, cái nào ra cái đấy, tài năng nghệ thuật của ông ấy thì mình không thể phủ nhận được.

Chị đến thăm lúc nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 lúc ông vừa tỉnh lại sau hôn mê và ông có nói gì với chị không?

Lúc tôi đến thăm ông ấy đã tỉnh táo nhưng chưa nói được vì miệng đang phải luồn rất nhiều ống chuyền. Tuy nhiên, tôi hỏi gì ông cũng biết và trả lời bằng lắc hoặc gật đầu. Ông ấy không ngờ tôi tới thăm vì sau chuyến đi Úc về tôi giận ông giữ lắm. Tôi là người đầu tiên đến thăm ông trong đêm đầu tiên ông ở bệnh viện Đại học Y. Lúc nhìn thấy tôi, ông ngẩng đầu lên định khóc thì tôi doạ: “Ấy, đừng khóc, đừng khóc. Anh mà khóc là em đi về”. Tôi sợ ông ấy khóc rồi ngẹt đường thở thì tôi chết. Thấy tôi nói vậy, ông cũng kiềm chế cảm xúc, không khóc nữa.

Chính Ánh Tuyết là người đã động viên nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 không được bỏ nghề. Ảnh: TL.
Chính Ánh Tuyết là người đã động viên nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 không được bỏ nghề. Ảnh: TL.

Tôi bảo: “Thôi anh ráng khoẻ để đi đệm đàn cho em hát”, ông gật đầu lia lịa. Ông ấy nằm vậy đó nhưng tính cách tinh nghịch lắm. Tôi nói chuyện tếu là cũng muốn cười mà cười không được. Dân Quảng Nam mà, thích hài hước và thông minh lắm. Thường những người như thế dễ dạy cảm, mà dễ cảm là hay mủi lòng lắm.

Trong suốt 25 năm hoạt động âm nhạc cùng nhau, giữa chị và nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 có những kỷ niệm nào khác ngoài kỷ niệm khó quên ngày đầu gặp nhau?

Chính vì tôi rất quý tiếng đàn của ông ấy nên tôi đã từng cãi nhau với không biết bao nhiêu bầu show để đưa ông đi hát cùng. Năm 2002, anh Ngọc Tân mời tôi ra Hà Nội biểu diễn, tôi bảo anh Tân mời ông Nguyễn Ánh 9 ra đệm đàn cho tôi hát. Anh Ngọc Tân bảo: “Em ơi, ngoài này đệm đàn piano bọn trẻ nó giỏi lắm, nhanh nhạy lắm, đem ông già ấy ra làm gì”. Tôi bảo: “Không anh. Người trẻ chỉ biết đánh chứ không biết đệm. Người đệm là người biết đồng hành cùng ca sĩ trong tiếng hát, còn người trẻ chỉ biết khoe hợp âm hay của mình chứ không biết nương theo tiếng hát của ca sĩ”.

Nói thế nhưng anh Ngọc Tân vẫn không chịu vì anh ấy sợ mời Nguyễn Ánh 9 ra sẽ tốn thêm tiền. Hai bên cãi qua cãi lại, cuối cùng, anh Ngọc Tân gửi hợp đồng vào cũng không có Nguyễn Ánh 9. Tôi sửa lại hợp đồng thêm khoản mời nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, lệ phí máy bay, lệ phí khách sạn và cát-sê biểu diễn rồi gửi ra lại bắt anh Ngọc Tân phải ký. Tôi ra điều kiện, không có Nguyễn Ánh 9 tôi không đi, tôi không hát. Tôi ra điều kiện thế mà cuối cùng anh Ngọc Tân phải chịu tôi đó (cười).

Kết quả là, 3 đêm diễn của tôi với sự đệm đàn của ông Nguyễn Ánh 9 làm dậy sóng cả Hà Nội lúc đó. Đợt đó, trong cả 3 đêm tôi đều hát hai bài “Cô đơn” và “Mùa thu cánh nâu” của ông ấy. Tôi còn nhớ, lúc anh Quyền Văn Minh đang thổi bài “Đâu phải bởi mùa thu” của Phú Quang, tôi ra sân khấu “cướp diễn đàn” hát luôn câu cuối để không cho MC ra. Mục đích của tôi là để giới thiệu với khán giả sự xuất hiện của ông Nguyễn Ánh 9.

Tôi bảo: “Ánh Tuyết muốn tiết lộ với quý vị một bí mật. Quý vị từng nghe những khúc hát này nè (hát một số câu trong bài “Không”, “Buồn ơi, ta xin chào mi”…) nhưng chắc là quý vị không để ý người nhạc sĩ sáng tác là ai”. Nghe tôi hát xong dưới khán giả đồng thanh “biết”, “biết”. Xong tôi bảo: “Có thể nhiều người biết đó là những sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nhưng chắc không biết hiện ông ra sao, sống ở đâu và trông ông như thế nào. Bây giờ tôi sẽ bật mí cho quý vị biết ông đang ở đâu”. Nói xong tôi mời ông ra sân khấu chào khán giả. Ôi, ta nói, dậy sóng cả Cung Hữu nghị Việt Xô Hà Nội luôn. Sau đó ông đệm đàn cho tôi hát hai bài của ông và toàn bộ khán giả trong Cung đứng dậy vỗ tay không ngớt.

Tiếng đàn ấy giờ đây chỉ còn trong tâm tưởng bởi người hôm qua đã đi xa.
Tiếng đàn ấy giờ đây chỉ còn trong tâm tưởng bởi người hôm qua đã đi xa.

Khổ nỗi hôm đó cây đàn Piano cũ, dởm, phím cứng nên ông ấy đánh xong chỉ thiếu nước chảy máu tay luôn. Nhưng vì sự cổ vũ của khán giả nhiệt tình quá nên ông ấy vẫn cố đánh.

Tiếp xong hai bài đó khán giả cứ yêu cầu chúng tôi tiếp tục mà tôi thì không thuộc thêm bài nào của ông ấy nữa nên giới thiệu khán giả nghe ông độc tấu bài “Hà Nội niềm tin và hy vọng”. Ông ấy dứt tiếng đàn thì khán giả lại đứng dậy vỗ tay rần rần. Tình yêu của khán giả khiến ông xúc động tới mức cả ba đêm liền ông đều khóc.

Rồi về Đà Nẵng biểu diễn tôi cũng là người đưa ông về. Ông ấy bảo: “Em ơi, 45 năm rồi anh mới được về quê đó”, rồi ông ấy cũng khóc. Ông ấy là dễ khóc, dễ mủi lòng, dễ tổn thương lắm.

Từ đó, đi đâu tôi cũng đưa ông đi. Năm 2005, người ta mời tôi qua Mỹ biểu diễn tôi cũng đấu tranh bằng được với bên bầu show để đưa ông đi. Tôi nhớ, thời điểm đó họ mời tôi qua biểu diễn cùng Khánh Hà nhưng tôi đấu tranh tới mức người ta gạt Khánh Hà ra luôn. Lúc đầu họ không chịu vì đưa thêm người qua sẽ rất tốn kém, nội tiền máy bay đi lại cũng đã mất một khoản lớn. Cuối cùng họ cũng chịu mời ông ấy đi cùng.

Dòng chia sẻ của ca sĩ Ánh Tuyết trong đám tang nhạc sĩ Ánh 9.
Dòng chia sẻ của ca sĩ Ánh Tuyết trong đám tang nhạc sĩ Ánh 9.

Ông ấy lại bảo với tôi thuyết phục họ mời nhóm 5 Dòng kẻ đi, tôi lại đấu tranh với họ, họ cũng lại nhân nhượng tôi mời 5 Dòng kẻ. Đợt đó, tôi với ông ấy và nhóm 5 Dòng kẻ qua “quậy” nguyên một show 4 tiếng đồng hồ bên đó. 4 tiếng đồng hồ, 5 Dòng kẻ hát 6 bài, ông ấy độc tấu 2 bài còn lại bao nhiêu tôi “ôm” hết. Đấy, kể ra để thấy tôi và ông ấy có nhiều kỷ niệm lắm. Chuyến vừa rồi đi Úc là chuyến cuối cùng đó.

Năm 2015 mới đây, chúng tôi mang chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn ra biểu diễn ở rạp Công Nhân, ông ấy bay ra biểu diễn cùng mà thiếu điều ông ấy muốn “tắt thở” luôn. Ông ấy yếu sẵn rồi vì có tiền sử bị bệnh suyễn. Rồi Festival cách đây 2 năm, ông ấy cũng ra đệm đàn cho tôi 5 đêm. Ông ấy đuối quá nên cứ chạy lên đồi ngồi thở. Tôi thì không bao giờ cho ông ấy đánh nguyên một đêm vì sợ ông ấy tắt thở mất nên toàn thuê thêm một người nữa đánh cùng.

Hôm ông ấy mất, người nhà ông ấy không ai báo tôi mà có tờ báo gọi điện đến phỏng vấn. Tôi nghe tin xong hoảng loạn gọi điện cho ông nhưng không ai bắt máy vì lúc đó Nguyễn Quang đang ở bên Mỹ. Ông mất trong phòng hồi sức mà không gặp ai hết, nhưng nhìn gương mặt ông ra đi thanh thản lắm.

Cám ơn chị đã chia sẻ thông tin!

Hà Tùng Long