Nhạc sĩ Dương Thụ: "Chỉ nên lãng mạn với một người thôi!"

(Dân trí) - Trong gần nửa thế kỷ sáng tác, nhạc sĩ Dương Thụ có khoảng hơn 100 ca khúc được công bố. Giữa những bài hát rất nổi tiếng, được hàng triệu người nghe yêu thích và là hit một thời của các diva Việt, có một bài hát nằm lặng lẽ khiêm tốn trong gia tài âm nhạc của ông nhưng lại là ca khúc để lại nhiều day dứt nhất.

Đó là "Bài hát ru mùa đông". Một bài hát mà Dương Thụ cho rằng nó nói được “cái tạng” của ông, “cái tạng” mùa đông nên dành nhiều “thương cảm” cho mùa đông cũng là lẽ thường.

Nhạc sĩ Dương Thụ
Nhạc sĩ Dương Thụ

Mấy chục năm nay Dương Thụ sống chủ yếu ở TP HCM, một nơi không có mùa đông. Nhưng trong nhiều sáng tác nổi tiếng của ông, cảm hứng mùa đông vẫn là một cảm hứng chủ đạo. Có lẽ vì thế mà bài hát ông viết lúc nào cũng man mác buồn, kể cả khi ông viết về niềm vui. Và cũng bởi lẽ vì cuộc đời ông trải qua quá nhiều những thăng trầm, mất mát, có cả những khoảnh khắc đối diện với cái chết của người thân mà ông yêu quí nhất.

Tôi hay thương cảm mùa đông

"Bài hát ru mùa đông", có phải là ca khúc buồn nhất trong số những sáng tác của ông không? Hoàn cảnh ra đời của nó hẳn cũng rất đặc biệt?

Khi vui quá, sung sướng quá, tức là khi mình được mãn nguyện tôi thường rất hào hứng. Lúc ấy muốn huýt sáo một điệu nhạc quen thuộc nào đó, chạy xe thì cứ như bay, vui vẻ niềm nở với tất cả những gì mình bắt gặp trên đường. Còn ở nhà thì chọn những việc nặng nhọc nhất mà mình do lười vẫn ngại làm, làm không biết mệt, nhưng...viết bài hát thì không. Bài hát chỉ được viết ra trong những lúc ngồi một mình, trong đêm hôm khuya khoắt, lẵng lặng bên đàn, nhất là những ngày mưa gió. Nao nao buồn, rồi cũng mơ mơ một chút thì bài hát chắc cũng vậy thôi. Phần lớn bài nào cũng buồn, nên chẳng biết bài nào buồn hơn bài nào.

Tôi không biết làm nhạc tuyên truyền, tôi không biết viết theo đơn đặt hàng của những nơi họ muốn mình viết “tụng ca”. Tôi lấy làm tiếc về điều này. Nếu làm được thì có tiền kha khá, có nhiều quan hệ “oách” để sống được dễ dàng hơn và cũng nổi danh hơn. Nhưng giời sinh mình ra như thế, chẳng thể tham được.

Nhạc sĩ Dương Thụ
Nhạc sĩ Dương Thụ

Trong một chia sẻ với báo chí, ông có tâm sự, năm 1978,1979 khi quyết định vào Sài Gòn sinh sống, trong khoảnh khắc nhớ về mùa đông Hà Nội ông đã viết bài này, trong cái nỗi niềm riêng của người nghệ sĩ, bài hát còn có nỗi niềm nào khác không?

Tôi là người viết nhạc, chẳng phải là nghệ sĩ gì đâu mà nói nỗi niềm, nghe ghê quá. Những năm ấy là thời hậu chiến, tôi sống rất vất vả (mọi người cũng thế). Nghèo, thiếu thốn đủ điều mà tương lai thì mù mịt, cho tôi và cho tất cả. Cái thân phận của người Việt mình là như thế. Bạn có biết cái giá phải trả cho cuộc chiến là gì không? Tôi không phải là người vô cảm. Đây không phải là nỗi nhớ nhung mùa đông Hà Nội. Miền Bắc nơi tôi sinh ra và lớn lên nó không phải là mùa xuân trong con mắt tôi. Nó là mùa đông, cái mùa nghèo nhất. Năm 1972 tôi đã viết bài “Ở lại mùa đông” (Album Bây giờ... biển mùa đông, 10 tình khúc Dương Thụ- Đức Tuấn hát). Năm 1977 tôi vào TPHCM, thân xác ra đi, còn tâm hồn thì ở lại. Tôi là “người mùa đông” nên sự “thương cảm mùa đông” cũng là điểu dễ hiểu .

Trong bài hát, ông viết "thương em ", "thương con", cụ thể niềm thương này là gì?

Đây không phải là một bài tình ca theo nghĩa đen nên không có cô em nào trong này cả. “”Em” là em như trong tất cả các bài ru em, còn “con” là “con cò” trong câu ca dao, một hình ảnh thương cảm về người Việt mình (Con cò lặn lội bờ sông). Nó cố gắng bay, nhưng lạc lối chẳng biết về đâu.

Còn tin yêu thì còn đau buồn, nhưng còn sống là còn hy vọng

Hình như trong cuộc đời của mình, ông chứng kiến và trải qua nhiều đau thương, mất mát. Có phải vì thế mà âm nhạc của Dương Thụ hay buồn, kể cả khi ông nói về niềm vui thì nó vẫn phảng phất một nỗi buồn nào đó?

Không phải là chứng kiến mà là bản thân tôi đã trải qua. Tôi không “thương vay khóc mướn”. Là người sống tích cực. Buồn mấy cũng không bi lụy, mềm yếu. Đó là nỗi buồn trong sáng, không có nguồn gốc từ sự thù hận, từ sự khốn khó, hay từ “những nỗi đau tình ái”.

Tôi vẫn còn có lòng tin vào con người, vẫn còn hy vọng vào những điều tốt đẹp. Còn tin yêu thì còn đau buồn, nhưng còn sống là còn hy vọng.

Nỗi buồn trong âm nhạc tôi rất ít điểm chung với nhạc tiền chiến và nhạc lãng mạn trước năm 1975. Sức mạnh để tôi sống và trở thành mình hôm nay chính nhờ vào năng lượng sinh ra từ nỗi buồn đó.

Ca sĩ Phương Linh thể hiện ca khúc Bài hát ru Mùa đông trong chương trình Giai điệu tự hào Tháng 11 sắp tới.
Ca sĩ Phương Linh thể hiện ca khúc "Bài hát ru Mùa đông" trong chương trình Giai điệu tự hào Tháng 11 sắp tới.

Trong cuộc đời thăng trầm và những chuyện tình của ông, nếu ai đó nhận xét Dương Thụ là một người đa tình, ông thấy đúng không?

Đa tình hiểu theo nghĩa đen thì không đúng, nhưng hiểu theo nghĩa rộng hơn thì có thể.

Nhiều năm nay người ta thấy nhạc sĩ Dương Thụ mở quán cà phê, làm ông chủ hay giám đốc những dự án kinh doanh? Hình ảnh này của ông rất mới, thậm chí gợi sự tò mò với nhiều người. Những công việc mới đồng nghĩa với việc nhiều bài hát của ông dần trở nên cũ đi, ông có buồn lòng không khi ai đó nói rằng thời của nhạc Dương Thụ đã hết?

Tôi không chỉ là người viết nhạc, tôi còn hoạt động trong các lĩnh vực khác như sản xuất âm nhạc (Album và các chương trình trên sân khấu), và làm các công việc liên quan tới văn hóa: viết báo, nói chuyện về nghệ thuật và viết phê bình nghệ thuật, hợp tác với Trung Nguyên để thành lập hệ thống quán cà phê văn hóa tên là Cà Phê Thứ Bảy (Cà Phê Thứ Bảy là Dự án về văn hóa chứ không phải là dự án về kinh doanh). Đại loại những việc như thế này tôi làm cả 20 năm nay (trừ Cà Phê Thứ Bảy mới có 7 năm) mà bạn không biết đó thôi. Chẳng có công việc nào tôi đang làm được gọi là mới theo nghĩa của bạn đâu. Người làm nhạc, cũng là thành viên của cộng đồng, anh không thể thoái thác những trách nhiệm xã hội của một người bình thường để chỉ chúi mũi vào làm nhạc không. Phải làm cả những việc khác mà mình có thể.

Còn bài hát thì không bao giờ cũ đi nếu nó thực sự là một sản phẩm nghệ thuật có giá trị, và một người làm nghệ thuật nếu tác phẩm của họ tồn tại được ngoài 50 năm thì nên được coi là phi thời. Chuyện là như thế, nhưng tôi đâu có quan tâm đến việc có “cũ đi” hoặc có “phi thời” hay không. Sự tồn tại của tác phẩm và của sự nghiệp, thời gian sẽ nói lên tất cả. Có muốn cũng không được và có không muốn cũng không được. Nếu vậy thì làm gì phải buồn.

Ở tuổi này điều gì dễ làm ông xúc động nhất? Ông còn yêu không và viết nhạc cho cuộc tình ấy? Một người viết tình ca lãng mạn bậc nhất hẳn ngoài đời cũng rất lãngmạn, sự lãng mạn có phải là bí quyết cho một cuộc hôn nhân bền vững?

Tôi không phải “người viết tình ca lãng mạn bậc nhất” như bạn nghĩ. Từ xưa đến nay tôi không viết cho một cuộc tình nào cả. Những bản tình ca của tôi không nên hiểu theo nghĩa đen. Và bạn ạ, nếu một ông nào đó mà “ngoài đời rất lãng mạn” như bạn nói, thì đấy không phải là bí quyết cho một cuộc hôn nhân bền vững đâu. Muốn bền vững chỉ nên lãng mạn với một người thôi, không có thì gay đấy.

Bài hát ru mùa đông - Vũ Cát Tường

Đào Bích

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm