1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Nhạc bolero đang bị “biến dạng” bởi truyền hình thực tế?

(Dân trí) - Trước câu chuyện ồn ào về bolero mấy ngày qua, nhiều nghệ sĩ và nhà nghiên cứu cho rằng, bolero đang bị “biến dạng” bởi truyền hình thực tế khai thác quá đà. Chính sự “biến dạng” này dẫn đến cách hiểu sai lệch về bolero, gây nên những hệ luỵ đáng tiếc.

Truyền hình thực tế đang khai thác bolero quá đà

Trong lần chia sẻ với báo giới năm 2010, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 có phân tích rằng, bolero của Việt Nam khác bolero của Tây Ban Nha hay Nam Mỹ. Bolero Việt Nam có nhịp rất chậm, trong khi bolero của Nam Mỹ, Tây Ban Nha nhanh hơn, gần như rhumba. Vì thế, người ta vẫn quen gọi bolero của Việt Nam là nhạc vàng, tức âm nhạc trữ tình hay lãng mạn. Nhạc vàng xưa chỉ có hai thể điệu bolero và slow rock mà slow rock của Việt Nam cũng rất chậm.

Nhạc sĩ “Buồn ơi, chào mi” cũng cho rằng, dân ca miền Nam rất hợp bolero. Và thời xưa, các loại băng nhạc bolero bán chạy nhất trong tất cả các loại băng đĩa. Giới bình dân là những người chuộng nhạc vàng hơn cả bởi thể loại nhạc này hợp với trình độ của họ.

Cá nhân nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 khẳng định, nhạc nào cũng đều có những giá trị của nó. Vì thế, dù là dân học trường Tây ra nhưng ông chưa bao giờ có sự phân biệt cao thấp giữa các dòng nhạc.

Các tiết mục trong chương trình Thần tượng Bolero. Ảnh: TL.
Các tiết mục trong chương trình "Thần tượng Bolero". Ảnh: TL.

Bản thân nhạc sĩ Vinh Sử cũng chia sẻ, nhạc bolero du nhập từ phương Tây vào Việt Nam cách nay đã trên dưới 50 năm. Thời kỳ đó, từ tiệc vui cho đến tiệc sang, từ người bình dân đến người thành thị… đều thích nghe nhạc bolero. Tuy nhiên, đến nay bolero đã bị biến thành một “nồi lẩu thập cẩm” và bolero đã không còn đúng nghĩa là bolero của thời kỳ đầu nữa.

Theo nam nhạc sĩ này, sở dĩ bolero “thảm hại” đến mức đó vì sự bùng nổ và dễ dãi của các chương trình truyền hình thực tế. Trong đó, nhiều nhà sản xuất không hiểu biết nhiều về bolero đã góp phần khiến thể loại nhạc này “biến dạng”. Bên cạnh đó, nhiều vị giám khảo không hiểu gì về bolero cũng ngồi ghế giám khảo để nhận xét, thậm chí định hướng khiến cho người hát cũng bị lệch theo.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cũng cho rằng, bolero đang bị lạm dụng, bị khai thác quá đà trên truyền hình. Một số đơn vị sản xuất quá chú trọng đến việc “hút” người xem cao và đạt hiệu quả về doanh thu dẫn đến hiện tượng bolero không còn là bolero. Thực tế này đã làm nảy sinh những vấn đề vầ thẩm mỹ và xã hội, khiến cho số lượng người hiểu chưa đúng về bolero ngày càng tăng.

Bolero đang bị hiểu sai lệch trầm trọng

Ca sĩ Ánh Tuyết cho rằng, bây giờ, cứ hễ mở truyền hình ra là gặp các chương trình truyền hình thực tế về bolero. Trong khi đó, bolero trên truyền hình thực tế bị khai thác quá đà, có những bài hát bị lai tạp với các thể loại nhạc khác. Thậm chí, có chương trình truyền hình về bolero nhưng lại có cả nhạc Trịnh, nhạc Phạm Duy và nhạc Ngô Thuỵ Miên.

“Bolero là tiết điệu bolero. Bolero cũng tương tự như Cha cha cha, rhumbar... chứ không phải cái gì sướt mướt, sến sẩm, uỷ mị là quy cho bolero. Ai đời cứ lên truyền hình hát bolero là phải quằn quại, phải khổ đau, phải bi sầu… Ở Việt Nam mình, cứ nhắc đến bolero là bám vào nội dung của bài hát để xây dựng hoạt cảnh minh hoạ, lấy nước mắt người xem... cuối cùng nhạc bolero bị đánh đồng với nhạc sến. Làm chương trình truyền hình cho khán giả cả nước xem mà tư duy theo lối đó thì nguy hiểm quá.

Nhiều người hiểu biết, có kiến thức về thể loại này lại cứ “nhắm mắt làm ngơ” dẫn đến chương trình này đến chương trình khác biến bolero trở nên sai lệch. Nhiều nhà sản xuất thậm chí vì chạy theo lợi nhuận mà bỏ quên việc truyền đạt cho công chúng những giá trị cốt lõi và đúng đắn của dòng nhạc này, dẫn đến cái nhìn sai lệch về bolero đầy tai hại như hiện nay.

Rồi nhiều ca sĩ hiện nay lên sân khấu hát bolero nhưng cũng chẳng có tí kiến thức nào về dòng nhạc này. Toàn bắt chước học đòi theo mà hát, cứ nghĩ càng quằn quại, càng khổ đau… là ra chất bolero. Tôi thật sự đau lòng khi bolero đang bị “biến dạng” thảm hại và bị khai thác quá đà như thế trên truyền hình thực tế”, ca sĩ Ánh Tuyết nói.

Ca sĩ Ánh Tuyết cũng nhấn mạnh rằng, đã đến lúc những người có kiến thức âm nhạc, những nhà chuyên môn, những người quản lý văn hoá phải có những động thái cụ thể để trả bolero về đúng nghĩa. Trong các trường âm nhạc, văn hoá nghệ thuật cũng phải có những chương trình giảng dạy để thế hệ trẻ không bị sai lệch theo kiểu mà truyền hình thực tế đang lạm dụng hiện nay.

Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, vấn đề quan trọng nhất ở thời điểm này là làm thế nào hạn chế bớt các chương trình truyền hình thực tế về bolero để tạo sự cân bằng, góp phần xây dựng định hướng thẩm mỹ đặc biệt cho giới trẻ.

“Theo tôi, vẫn đề này hiện có vẻ đã vượt qua trách nhiệm và phạm vi quản lý của ngành văn hoá nên tất cả phải do sự điều chỉnh của ngành quản lý phát thanh truyền hình. Thậm chí, rất cần sự chỉ đạo khách quan từ các cấp cao hơn”, ông Long nói.

Bản thân nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cũng khuyên rằng, trong thời buổi mọi thứ “vàng thau lẫn lộn” thì việc nghe có chọn lọc, có ý thức rất quan trọng. Bởi việc sai lệch trong cảm thụ thẩm mỹ sẽ dẫn đến những sai lệch trong tư duy và hành động. Sự sai lệch đó khi đã trở thành một thói quen cố hữu thì sẽ rất khó để thay đổi và cải tạo.

Hà Tùng Long