Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Không thể bắt trẻ đọc sách vì nghĩa vụ!

(Dân trí) - "Giúi cuốn sách vào tay một đứa trẻ 14, 15 tuổi trước nay chưa từng được nghe kể chuyện, chưa từng rờ tới sách, suốt ngày chỉ quen cắm mặt vào game trên máy tính, ép em đọc vì những lý do cao cả "khám phá kho báu tri thức" hay "nâng cao văn hóa đọc" như người lớn vẫn nói là một việc quá muộn màng"

Chia sẻ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tại toạ đàm "Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ" do Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM, Hội Xuất bản Việt Nam và báo Tuổi trẻ diễn ra tại TPHCM sáng 19/4. 

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ tại tọa đàm 

Trước thực trạng văn hóa đọc của người Việt hiện nay quá thấp, mà nguyên nhân được chỉ ra là chưa có thói quen đọc sách từ bé, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bày tỏ quan điểm: Giúi cuốn sách vào tay một đứa trẻ 14, 15 tuổi trước nay chưa từng được nghe kể chuyện, chưa từng rờ tới sách, suốt ngày chỉ quen cắm mặt vào game trên máy tính, ép em đọc vì những lý do cao cả "khám phá kho báu tri thức" hay "nâng cao văn hóa đọc" như người lớn vẫn nói là một việc quá muộn màng.

"Nó quá nhọc nhằn với các em giống như ép một người chuyển máy bay ngay khi máy bay đang ở trên không", ông nói. 

Tác giả Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ kể, ông bị rung động khi trông thấy một đứa trẻ ngồi say sưa đọc sách, ngồi ở chiếc băng dài ở nhà chờ xe buýt, ngồi trên ghế đá trong công việc hay ở một quán cà phê... Ông đã gặp những đứa trẻ 7, 8 tuổi đi cùng người lớn, nhưng khi bố mẹ hay anh chị ngồi tán gẫu bên trách cà phê hay chơi thể thao thì em ngồi đó, một mình một thế giới, chăm chú vào trang sách với vẻ hạnh phúc rạng ngời. 

Ông cho rằng, sách bồi đắp tâm hồn, làm giàu có và làm trưởng thành tình cảm một đứa bé, mài sắc một cách tự nhiên các ý niệm đạo đức qua sự yêu ghét với người hiền kẻ ác và đặc biệt mở rộng đến vô biên bờ cõi của trí tưởng tượng.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Không thể bắt trẻ đọc sách vì nghĩa vụ! - 1
"Bắt một đứa trẻ chưa từng đọc sách phải đọc sách như ép một người chuyển máy bay ngay khi máy bay đang ở trên không"

Mọi đứa trẻ trên thế giới đều thích nghe kể chuyện. Thói quen đọc sách là sự nối dài thói quen nghe chuyện dưới hình thức chủ động. Đó là một hành vi, một nhu cầu như chạy nhảy, bơi lội, đùa nghịch, hát hò, vẽ vời.

Nhưng hạt giống của thói quen đó phải được và phải có ai gieo trồng trong đầu đứa trẻ từ thuở ấu thơ. Bằng những câu chuyện kể. Bằng những cuốn sách làm quà. Để nhu cầu đọc sách nảy mầm và trở thành một khát khao tự nhiên.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhấn mạnh, trẻ em đến với sách trước hết vì niềm vui. Các em đọc sách là do thích thú chứ không phải do nghĩa vụ, đọc sách còn được gọi là "thú đọc sách". Nó cũng như thú câu cá, thú đánh cờ, thú chơi tem – hoàn toàn tự nguyện từ sự thích thú. 

Bình quân 4 đầu sách/người nhưng toàn... sách giáo khoa 

Ông Lê Hoàng, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam thông tin, theo số liệu của Cục Xuất bản Việt Nam trong 3 năm gần đây, bình quân mỗi năm Việt Nam xuất bản chưa tới 400 triệu bản sách, chia trên 90 triệu dân, bình quân 4 đầu sách/người.  

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Không thể bắt trẻ đọc sách vì nghĩa vụ! - 2

Hình ảnh này cực kỳ hiếm ở trong đời sống, không gian của người Việt 

Nhưng nếu phân tích sâu hơn thì số lượng sách giáo khoa, giáo trình là sách công cụ để học tập là trên 300 triệu bản, chiếm 80% trong tổng số 400 triệu bản trên Số bản sách còn lại gần100 triệu bản bản dành cho trên 90 triệu dân sẽ phân bổ khoảng 1 đầu sách/người/năm. 

Việt Nam hoàn toàn không có tên trong danh sách 61 nước có số lượng người đọc sách cao trên thế giới, trong khi khối Đông Nam Á có 3 nước, Singapore đứng thứ 36, Malaysia đứng thứ 53 (Malaysia 12 đầu sách/người/năm) và Indonesia đứng thứ 60.

Ông Từ Lương, Phó GĐ Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM cho biết, theo Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á, có tới 44% người Việt thi thoảng đọc sách, 26% không bao giờ đọc sách là những con số rất đáng ngại.  

Hoài Nam