Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được tặng thưởng "Thành tựu văn học trọn đời"

Hương Hồ

(Dân trí) - Hội Nhà văn Hà Nội vừa có quyết định tặng thưởng "Thành tựu văn học trọn đời" đối với cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Sáng 28/12, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổng kết hoạt động năm 2022, trao giải thưởng, tặng thưởng văn học và trao quyết định kết nạp hội viên năm 2022.

Trong buổi tổng kết, ông Trần Gia Thái, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội đã tổng kết các thành tích của Hội đã đạt được trong năm 2022 như: Nối lại liên lạc với toàn bộ hội viên sau 2 năm thực hiện giãn cách; tổ chức sinh hoạt chuyên đề giới thiệu sáng tác mới của các nhà văn; kết nạp 31 hội viên mới.

Hội nhận được hơn 50 sáng tác của hội viên về đề tài phòng, chống dịch thuộc nhiều thể loại; kiện toàn các hội đồng và các ban công tác; thành lập thêm 2 hội chuyên ngành ở các quận nội thành; tổ chức các chuyến đi thực tế sáng tác cho hội viên; tổ chức tọa đàm chuyên đề lý luận, phê bình và văn học dịch…

Về giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2022, Hội đã trao 1 giải cho tập truyện ngắn Người bay trong gió xanh của tác giả Phạm Duy Nghĩa. Tác phẩm gồm 12 truyện ngắn với phong cách văn chương khác biệt, có sự giao hòa giữa mới và cũ, Đông và Tây, hiện thực cùng siêu thực.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được tặng thưởng Thành tựu văn học trọn đời - 1

Nhà văn Phạm Duy Nghĩa (thứ hai bên trái) và đại diện gia đình nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nhận giải thưởng (Ảnh: An Nhi).

Đặc biệt, buổi tổng kết đã chính thức tặng thưởng Thành tựu văn học trọn đời đối với cố Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. 

Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, với những tập truyện và tiểu thuyết hiện thực nổi tiếng trong thời kỳ đổi mới, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được giới chuyên môn và bạn đọc trong, ngoài nước đánh giá cao, ghi nhận đóng góp lớn của ông với nền văn học đương đại nước nhà. 

Ông Nguyễn Phan Bách - con trai trưởng của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - đại diện gia đình đã đến nhận tặng thưởng dành cho bố mình. 

"Giải thưởng này là chính là sự ghi nhận tài năng, sức đóng góp lớn lao của ông đối với nền văn học nước nhà. Với tư cách là con trai nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, tôi vô cùng tự hào về bố. Tôi xin được gửi lời trân trọng đến Đảng, Nhà nước, các lãnh đạo ngành văn hóa, Hội Nhà văn Hà Nội, cảm ơn những độc giả đã luôn đồng hành, dành tình cảm yêu mến cho bố tôi và những tác phẩm của ông. Sự trân quý của bạn đọc đã mang lại cho ông vinh dự được nhận giải thưởng này. Tôi tin chắc rằng ở một nơi nào đấy, bố tôi đang mỉm cười hạnh phúc. Một lần nữa xin cảm ơn!", con trai nhà văn Nguyễn Huy Thiệp xúc động chia sẻ. 

Trước đó, quyết định của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về trao tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2022 cho hơn 100 văn nghệ sĩ, trong đó có nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Nhân dịp này, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn học, nghệ thuật cho các hội viên Hội Nhà văn Hà Nội. Hội cũng đã trao quyết định kết nạp hội viên cho 31 người viết của Hà Nội.

Nguyễn Huy Thiệp (29/4/1950 - 20/3/2021) là nhà văn đương đại Việt Nam trong địa hạt kịch, truyện ngắn và tiểu thuyết với những góc nhìn mới, táo bạo.

Một trong những mảng đề tài đặc sắc nhất của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là nông thôn, với Chảy đi sông ơi (1985), Những bài học nông thôn (1988), Thương nhớ đồng quê (1992, đã dựng thành phim năm 1995), Chăn trâu cắt cỏ (1996), Chú Hoạt tôi (2001)...

Mảng đề tài thứ hai là về miền rừng núi, mang dấu ấn 10 năm ông dạy học ở Tây Bắc. Đó là những truyện ngắn xuất sắc: Những ngọn gió Hua Tát (1971-1986), Muối của rừng (1986), Những người thợ xẻ (1988, đã dựng thành phim năm 1998)...

Và một mảng đề tài nữa là cuộc sống thị dân: Huyền thoại phố phường (1983), Tướng về hưu (1986, đã dựng thành phim năm 1988), Không có vua (1987)..., tuy được viết về khía cạnh ngột ngạt, bức bối nhưng vẫn đặt ra được những câu hỏi về lẽ sống, nhân cách và lòng yêu thương con người.

Ngoài ra ông còn viết kịch, thơ (chưa xuất bản tập thơ nào, nhưng xuất hiện khá nhiều trong các truyện ngắn của ông) và tiểu luận phê bình đăng trên nhiều báo, tạp chí trong nước. Tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp đã được dịch ra nhiều tiếng nước ngoài.

Năm 2004, bài viết Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn của ông, đăng trên Tạp chí Ngày nay, tạo ra những tranh luận sôi nổi trong giới văn chương một thời gian dài trên báo Văn nghệ và một số trang mạng tại Việt Nam.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm