Tang lễ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được tổ chức sáng 24/3

Nguyễn Hằng

(Dân trí) - Lễ viếng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sẽ diễn ra từ 9h15 đến 10h30 ngày 24/3 (tức 12/2 âm lịch) tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Gia đình nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa chính thức thông báo tang lễ của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Theo đó, tang lễ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp do gia đình và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.

Tang lễ sẽ tổ chức vào ngày 24/ 3 (tức 12/2 âm lịch). Nhập quan lúc 8 giờ, lễ viếng từ 9 giờ 15 đến 10 giờ 30 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Sau đó thi hài của nhà văn sẽ được đưa xuống nhà hóa thân Hoàn vũ, Văn Điển, Hà Nội. Tro cốt và di hài ông sẽ được đưa về nghĩa trang gia đình thôn Tằng My, xã Nam Hồng , Đông Anh, Hà Nội dự kiến từ 15 giờ 30 đến 17 giờ cùng ngày.

Tang lễ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được tổ chức sáng 24/3 - 1

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp năm 2018 (Ảnh: Nhã Nam).

Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950 tại huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Ông là nhà văn đương đại Việt Nam nổi tiếng trong các thể loại kịch, truyện ngắn và tiểu thuyết với những góc nhìn mới, táo bạo.

Thuở nhỏ ông cùng gia đình lưu lạc khắp nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, từ Thái Nguyên qua Phú Thọ, Vĩnh Yên… Nông thôn và những người lao động vì thế để lại nhiều dấu ấn khá đậm nét trong nhiều sáng tác của ông.

Năm 1970, Nguyễn Huy Thiệp tốt nghiệp khoa sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sự nghiệp văn chương của ông bắt đầu khá muộn với các truyện ngắn đăng trên báo Văn Nghệ. Tuy nhiên chỉ một vài năm sau đó, cả làng văn học trong lẫn ngoài nước xôn xao những cuộc tranh luận về các tác phẩm của ông.

Ông viết cả truyện ngắn, kịch, tiểu luận, trong đó thành công nhất là truyện ngắn.

Với hơn 50 truyện ngắn, 10 vở kịch, 4 tiểu thuyết cùng nhiều tiểu luận, phê bình văn học gây chú ý, Nguyễn Huy Thiệp được xem là một "hiện tượng hiếm" của văn đàn Việt Nam.

Ông từng nhận huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (2007), giải thưởng Premio Nonino (Italy, 2008). Một số tác phẩm nổi bật của ông gồm truyện ngắn "Tướng về hưu", chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên năm 1988, "Những ngọn gió Hua Tát" (tập truyện ngắn và kịch, 1989), "Tiểu Long Nữ" (tiểu thuyết, 1996), "Tuổi 20 yêu dấu" (tiểu thuyết, xuất bản ở Pháp năm 2002)...

Tang lễ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được tổ chức sáng 24/3 - 2
Bộ phim "Tướng về hưu" được làm từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (Ảnh: TL).

Mới đây, cố nhà văn có tên trong danh sách được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với 2 truyện ngắn "Tướng về hưu" và "Những ngọn gió Hua Tát".