Nhà sản xuất lên tiếng vụ phát ngôn "ly hôn nếu vợ không sinh con trai"

Phương Nhung

(Dân trí) - "Chúng tôi sẽ kỹ lưỡng hơn nữa trong khâu nội dung và biên tập chương trình để tránh gây hiểu lầm đáng tiếc", nhà sản xuất "Hành lý tình yêu" lên tiếng sau phát ngôn dậy sóng của Công Hoàng.

Vài ngày trở lại đây, chàng trai tên Công Hoàng (30 tuổi) bị dư luận phản ứng dữ dội vì phát ngôn trên sóng truyền hình. Cụ thể, trong tập 4 chương trình Hành lý tình yêu, Công Hoàng nói mình là người Huế và đưa ra những quan điểm "khắt khe" trong việc chọn vợ tương lai.

Công Hoàng sẽ "ly hôn nếu vợ không sinh được con trai". Rất nhiều bình luận bày tỏ sự đồng tình với cố vấn Lê Hoàng khi ông phản đối quan điểm này, và không đồng tình với quan điểm tạo áp lực cho người phụ nữ về việc phải sinh con trai để nối dõi của Công Hoàng.

Nhà sản xuất lên tiếng vụ phát ngôn ly hôn nếu vợ không sinh con trai - 1

Phát ngôn của Công Hoàng dậy sóng những ngày qua.

Trước sự việc gây tranh cãi này, PV Dân trí đã liên hệ phía TVHub - nhà sản xuất chương trình. Đến nay, đại diện ê-kip sản xuất đã chính thức lên tiếng về câu chuyện nói trên.

"Trong tập 4, quan điểm cần có con trai để nối dõi tông đường của bạn Công Hoàng đã bị cố vấn Lê Hoàng phản đối rằng: "Quan điểm của bạn không phù hợp với cuộc sống hiện đại ở thế kỷ 21".

Khi bạn Công Hoàng chia sẻ trong gia đình bạn những dịp về quê cúng kiếng thì đàn ông ăn mâm trên, phụ nữ ăn mâm dưới thì cố vấn khách mời Lâm Vĩ Dạ đã chia sẻ ngay về việc mình gốc Huế nhưng không có chuyện trọng nam khinh nữ, ăn mâm trên, mâm dưới như thế.

Cố vấn Xuân Lan thì bày tỏ sự lo ngại khi nói thẳng thắn quan điểm của mình bạn Công Hoàng sẽ bị ném đá trên mạng xã hội.

Chương trình xin khẳng định rằng, quan điểm sống cũng như câu chuyện của bạn Công Hoàng chia sẻ trong chương trình không đại diện cho phong tục tập quán hay văn hóa vùng miền nào".

Nhà sản xuất lên tiếng vụ phát ngôn ly hôn nếu vợ không sinh con trai - 2

Nhà sản xuất nói, quan điểm sống cũng như câu chuyện của Công Hoàng chia sẻ trong chương trình không đại diện cho phong tục tập quán hay văn hóa vùng miền nào.

Nhà sản xuất thông tin thêm: "Hành lý tình yêu là sân chơi tạo cho các bạn trẻ có cơ hội được nói ra những bí mật, những điểm yếu của mình, những quan điểm của mình nhằm mục đích để tìm hạnh phúc, đặc biệt là ở giai đoạn trước khi bước vào hôn nhân và cuộc sống gia đình.

Trong chương trình, để cân bằng lại sự cởi mở, đôi khi còn non nớt của các bạn trẻ thì Ban cố vấn với sự từng trải sẽ có những lời khuyên đúng đắn, hoặc đưa ra cái nhìn đa chiều về một vấn đề.

Thông điệp của chương trình là mỗi người dù không hoàn hảo nhưng vẫn mong muốn được yêu thương".

Theo nhà sản xuất: "Thông qua chương trình, chúng ta phần nào hiểu được các bạn trẻ tham gia chương trình nghĩ gì và có thể đưa ra những tranh luận, phản biện phù hợp.

Việc lắng nghe quan điểm của các cá nhân thiết nghĩ cũng là điều cần làm. Đặc biệt việc dám bộc bạch những điểm yếu của bản thân, thay vì chỉ khoe ra những điểm mạnh là việc không dễ, qua đó cũng gián tiếp giúp cho các bạn trẻ xem chương trình tránh những hành xử không đúng mực".

Qua sự việc này, nhà sản xuất cho biết: "Chúng tôi cũng sẽ kỹ lưỡng hơn nữa trong khâu nội dung và biên tập chương trình để tránh gây hiểu lầm đáng tiếc cũng như gây áp lực cho các bạn tham gia chương trình khi họ phải bộc lộ những quan điểm chưa thật hay và dễ bị phán xét. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn".

Như Dân trí thông tin trước đó, nhiều người Huế cũng đã bức xúc lên tiếng trước quan điểm được cho là "trọng nam khinh nữ" của Công Hoàng.

Ông Phan Thiên Định - Bí thư Thành ủy Huế chia sẻ trên trang facebook cá nhân: "Đây là một trò câu view lộ liễu. Đây không phải là một chương trình truyền hình trực tiếp, nếu giả sử có một chàng trai Huế tư duy ấu trĩ như trong chương trình thì ông đạo diễn và ê-kíp kia, thay vì giãy đành đạch phản đối chàng trai, cần phải giãy để chương trình này đừng lên sóng.

Hội nghị văn hóa toàn quốc vừa diễn ra với thông điệp được nhấn mạnh: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Để "dọn đường" cho quốc dân gìn giữ và xây dựng một nền văn hóa tốt đẹp, văn minh, cần phải loại bỏ khỏi xã hội những chương trình nhân danh văn hóa để làm những điều vô văn hóa, cần lên án những kẻ nhân danh là người làm văn hóa để "làm tiền" văn hóa".

TS. Trần Đức Anh Sơn, nhà nghiên cứu về văn hóa Huế cũng bày tỏ quan điểm, những tư tưởng cổ hủ như thế này đã biến mất từ lâu, không còn lưu dấu trong cộng đồng người Huế hiện nay.