“Không nên chuẩn bị khăn quấn cho người mặc hở hang vào chùa…”
(Dân trí) - “Bởi nếu ý thức các bạn trẻ kém như thế thì đền chùa chuẩn bị khăn quấn làm sao cho xuể?”, Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng thẳng thắn nêu quan điểm trước hiện tượng “chướng tai gai mắt” nơi linh thiêng, thanh tịnh như đền chùa.
Hiện đang có thực trạng, không ít các bạn trẻ thiếu ý thức, đi vào chùa, đền với trang phục hở hang, phản cảm. Dưới góc độ mỹ học, ông có thể nói điều gì về hiện tượng này?
Đền chùa là nơi đất Phật, linh thiêng, thanh tịnh vì thế người vào chùa phải có thái độ nghiêm túc. Sách đã nói, vào đền chùa phải ăn mặc nghiêm túc, kín đáo. Người vào chùa phải giữ thân mình sạch sẽ, thơm tho, không sát sinh, hủ hóa…
Chính vì thế, thực trạng nhiều bạn trẻ ăn mặc lòe loẹt, hở hang vào chùa là không phù hợp, nhìn rất phản cảm. Dù trang phục có được họ coi là năng động, trẻ trung nhưng chỉ phù hợp nơi bãi biển, du ngoạn, không phù hợp với nơi thanh tịnh, linh thiêng. Ăn mặc phản cảm thể hiện sự kém ý thức, lỗ hổng về phông văn hóa.
Xoay quanh chuyện ăn mặc hở hang khi vào đền chùa, được biết ở một số nước, như Indonesia chẳng hạn- nhiều đền chùa chuẩn bị sẵn khăn quấn để “hỗ trợ” khách tham quan, du lịch nếu họ có ăn mặc hơi… “mát mẻ”. Như vậy, vừa hợp không gian nơi chay tịnh vừa khiến du khách không cảm thấy bất tiện. Theo ông, các đền chùa ở nước mình có nên chuẩn bị những khăn quấn như thế này?
Theo tôi, nếu đối với khách du lịch quốc tế thì dùng phương pháp này được, vừa giúp họ “nhập gia tùy tục”, vừa kích thích phát triển du lịch nước nhà. Tuy nhiên, đối với người dân Việt Nam thì vẫn phải “đánh” vào ý thức, môi trường giáo dục. Bởi nếu ý thức các bạn trẻ kém như thế thì đền chùa chuẩn bị khăn quấn làm sao cho xuể? Cũng giống như việc tham gia giao thông, phải giáo dục, nâng cao ý thức người dân chứ không thể dựa cả vào sự “uốn nắn” của công an giao thông được. Nếu người dân ý thức kém thì bao nhiêu công an đứng ở đường cho xuể?
Ngoài ý kiến các đền chùa nên chuẩn bị hỗ trợ cho du khách ăn mặc chưa phù hợp, theo ông có giải pháp nào khác không?
Vẫn là môi trường giáo dục, môi trường văn hóa nước nhà phải được cải thiện. Đối với các bạn trẻ, sự giáo dục là quan trọng. Sự giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội. Môi trường tạo ra cá thể. Tôi ví dụ như thế này, một người sang Mỹ sống, một năm sau trở về họ có lối sống, ứng xử kiểu người Mỹ ngay. Một người đi Nhật ba năm, sau ba năm họ sống như người Nhật. Nói như thế để thấy rằng, ở ta vẫn còn sự dễ dãi, kém ý thức, sự hiểu biết trong lối sống, ứng xử.
Nếu như vào nhà hát, tất cả ăn vận lịch sự, nghiêm túc thì người ăn mặc lố lăng sẽ cảm thấy xấu hổ. Nếu người dân thực hiện ăn mặc nghiêm túc khi đi vào nơi chùa, đền thì tôi tin chắc sẽ không còn cảnh ăn mặc phản cảm, nhức mắt như hiện nay. Tôi nghĩ rằng, trang phục, phong thái của người đi chùa thể hiện rõ nhất phông văn hóa, nhân cách và nguồn gốc xuất thân của từng người.
Theo ông, việc báo chí phản ánh những hình ảnh phản cảm tại lễ chùa có đủ sức để làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người trẻ không?
Giáo dục là cả quá trình lâu dài nhưng báo chí truyền thông lại là phương tiện tác động vào tâm lý người dân một cách hiệu quả và tức thời nhất. Nếu báo chí truyền thông, đưa tin, phản ánh mạnh mẽ, tôi tin rằng mọi người dân quan tâm, tình trạng ăn mặc hở hang của bạn trẻ sẽ giảm thiểu đáng kể.
Xin cám ơn Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng!
Tiến sĩ Vũ Việt Anh, chuyên ngành khoa học giáo dục cũng đưa ra một góc nhìn riễng xoay quanh chuyện ăn mặc hở hang của các bạn trẻ khi vào nơi đền chùa:
Tôi nghĩ rằng việc ăn mặc thế nào không thể “mình thích thế nào thì mặc thế ấy” mà phải phù hợp với vóc dáng cũng như phù hợp với khung cảnh. Ví dụ, đàn ông mặc vest là sang trọng, lịch sự nhưng vẫn với trang phục đó anh đi ra bãi biển thì lại trở thành… lố bịch. Tương tự, các cô gái mặc bikini, váy hai dây ngoài bãi biển thì đẹp nhưng không thể mặc trang phục đó đến nơi công sở. Và việc một số bạn trẻ ăn mặc quá lòe loẹt, hở hang đi vào đền chùa là không phù hợp, rất phản cảm.
Từ hiện trạng ăn mặc, nói năng, cử chỉ không phù hợp của không ít các bạn trẻ thể hiện sự thiếu hiểu biết, kém về kỹ năng sống và ứng xử. Gần đây, tôi còn được biết, ngôi chùa Linh Quy Pháp Ẩn- nơi ca sĩ Sơn Tùng MTP chọn làm điểm quay MV “Lạc trôi” đã bị “tàn phá” bởi sự vô ý thức của các bạn trẻ đi vãn cảnh đầu xuân. Cách ăn mặc, hành động thiếu ý thức là do các bạn trẻ chưa được giáo dục đúng đắn, kịp thời về “phần mềm” như kỹ năng sống, giao tiếp, ứng xử trong xã hội.
Hiện nay, nhà trường vẫn là nơi chú trọng truyền đạt kiến thức, còn gia đình thì các ông bố bà mẹ quá bận với công việc, ít có thời gian chuyện trò, dạy dỗ con cái. Theo tôi, bố mẹ, gia đình là môi trường đầu tiên của mỗi cá thể. Tôi đã thực hiện chuyên đề “Tương lai con nằm trong tay bạn”, và đã đến lúc các bậc phụ huynh nên hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc định hướng, uốn nắn nhân cách con cái, không thể đổ lỗi tất cả cho hệ thống giáo dục.
Nguyễn Hằng