Nhà cổ Bắc Bộ "thu nhỏ" trong tiểu cảnh đẹp như tranh của gia chủ Hải Phòng
(Dân trí) - Từ những vật liệu quen thuộc như xi măng, gạch ngói đỏ... anh Thành Dương đã sáng tạo nên tiểu cảnh nhà cổ Bắc Bộ đẹp như tranh, chân thực chẳng kém gì "phiên bản gốc" tới từng chi tiết.
Tranh thủ thời gian nghỉ dịch rảnh rỗi, anh Mạc Thành Dương (SN 1972, ở xã Hợp Thành, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) đã bắt tay vào nghiên cứu, làm mô hình tiểu cảnh về nhà cổ Bắc Bộ với mong muốn lưu giữ lại những hình ảnh thân thuộc của làng quê xưa.
Vốn có hơn 20 năm kinh nghiệm gắn bó với nghề làm công trình, vẽ tranh, đắp tranh phong cảnh nên anh Dương không gặp khó khăn khi thiết kế mô hình tiểu cảnh nhà cổ lần đầu tiên.
Tuy nhiên, khác với những công trình lớn thường làm như nhà thờ cổ, tranh tường…, quá trình sáng tạo tiểu cảnh đòi hỏi người đàn ông này cần tập trung cao độ và tỉ mỉ gấp nhiều lần. Bởi các chi tiết tiểu cảnh rất nhỏ, việc hoàn thiện cần nhiều thời gian, công sức và cả tâm huyết hơn.
Trước khi bắt đầu thiết kế tiểu cảnh nhà cổ Bắc Bộ, người đàn ông quê Hải Phòng phải lên ý tưởng, thiết kế bản vẽ bằng cách tham khảo các công trình nhà cổ truyền thống. Vì vật liệu không có sẵn nên anh phải chờ đặt mua. Sau đó là công đoạn dựng hình thô, tiến hành dán ngói, lát gạch, sơn màu chi tiết...
Được biết, mô hình tiểu cảnh này có kích thước 1,07m x 1m, gồm các không gian chính là một ngôi nhà 3 gian 2 dĩ, một nhà ngang, một nhà bếp và nhà vệ sinh. Ngoài ra còn có các hạng mục phụ như sân vườn, tường bao, ao cá, cầu ao, bể nước, cổng...
Để hoàn thiện công trình, anh Dương sử dụng các vật liệu địa phương quen thuộc như xi măng, gạch ngói đỏ mini. Ngoài ra còn có một số chi tiết cây cảnh trang trí xung quanh được những người hàng xóm tốt bụng mang cho.
Từ những chi tiết nhỏ nhất cho đến phức tạp nhất như mái ngói, viên gạch lát nền, họa tiết hoa văn hay bức tường nhuốm màu rêu phong... đều được thực hiện vô cùng tỉ mỉ, thể hiện sự tinh tế, khéo léo của người đàn ông U50.
Vết gạch nứt, bức tường nhuốm màu rêu phong... được tái hiện sinh động, chân thực đến nỗi nếu nhìn gần cũng khó ai nhận ra đây là mô hình tiểu cảnh.
Thậm chí, màu sắc của từng hạng mục, khu vực cũng được thể hiện rõ nét với độ đậm nhạt khác nhau, từ đó mô phỏng chân thực vẻ rêu phong, cổ kính của ngôi nhà cổ.
Anh Dương cho biết, công đoạn thiết kế dựng khung nhà đòi hỏi nhiều thời gian và công sức nhất. Tiếp đến là bước lợp ngói do có nhiều chi tiết nhỏ, phải hoàn thiện kỳ công.
Sau gần 1 tháng, tiểu cảnh nhà cổ Bắc Bộ đã được hoàn thiện. Từ bố cục, màu sắc tới các chi tiết đều được sắp xếp hài hòa, khéo léo, tạo nên công trình "thu nhỏ" có diện mạo đẹp, chân thực không kém "phiên bản gốc".
Không chỉ hoàn thiện một tác phẩm độc đáo, anh Dương còn coi việc thiết kế tiểu cảnh như một thú vui để thư giãn trong mùa dịch, giúp bản thân giải tỏa căng thẳng cũng như khôi phục, lưu giữ và phát huy vẻ đẹp truyền thống của nhà cổ, làng quê xưa.