Nguyễn Đăng An trở lại với “ Người đàn bà nghịch cát”

(Dân trí) - Khi đọc tập truyện ngắn “Người đàn bà nghịch cát” người ta cảm thấy thương cho những thân phận trắc trở, éo le, những mảnh đời bất hạnh. Mỗi truyện ngắn là một câu chuyện cảm động, chân thực, tinh tế mà sâu sắc.

Cuối tháng 8 tại Hà Nội, nhà văn Nguyễn Đăng An thực hiện buổi ra mắt giới thiệu tập truyện ngắn Người đàn bà nghịch cát.

Buổi họp báo có sự tham dự của: Nhà lý luận phê bình Bùi Việt Thắng, nhà văn Sương Nguyệt Minh, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhà thơ Quang Hoài, nhà thơ Hà Văn Thể, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn…cùng các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, các đài truyền hình và bạn đọc gần xa trong cả nước.
 
Nguyễn Đăng An trở lại với “ Người đàn bà nghịch cát”

Nhà văn Nguyễn Đăng An phát biểu tại buổi ra mắt tác phẩm "Người đàn bà nghịch cát" ngày 30/8 tại Hà Nội

Nhà văn Nguyễn Đăng An sinh ngày 15/02/1951 tại Yên Thành, Nghệ An. Anh tốt nghiệp khoa Văn đại học Tổng hợp năm 1973. Một thời gian anh làm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. Anh đã cho ra mắt bạn đọc một số tác phẩm: Biển hát lời của biển (Thơ- NXB Hà Nội- 1991); Thiên Nga lạc bầy (Tập truyện ngắn- NXB CAND- 1990); Có một mối tình hữu nghị như thế (NXB Phụ nữ- in chung- 1999); Một thời rong ruổi (Tập phóng sự, NXB Thông tấn- 2004)…

Bên cạnh đó nhà văn còn nhận được các giải thưởng văn học: Giải khuyến khích của Báo Văn hoá- Thể thao năm 2012 cho phóng sự P.V. Nguyễn Đăng An đứng bếp phục vụ đội tuyển Pháp. Giải Ba của Báo Văn nghệ, cuộc thi Truyện ngắn 2011- 2013 cho truyện Người đàn bà ở bến đợi xe thành Rome.

Buổi họp báo giới thiệu tập truyện ngắn Người đàn bà nghịch cát nhận được sự quan tâm của rất nhiều nhà văn, nhà thơ, phóng viên các báo, đài và bạn đọc gần xa trên cả nước.

Tập truyện ngắn Người đàn bà nghịch cát gồm có 12 truyện, trong đó truyện ngắn Người đàn bà nghịch cátNgười đàn bà ở bến đợi xe thành Rome là hai truyện ngắn tiêu biểu nhất, đời thường nhất và “thật” nhất, mang đậm phong cách của nhà văn Nguyễn Đăng An.

Khi đọc tập truyện ngắn Người đàn bà nghịch cát người ta cảm thấy thương cho những thân phận trắc trở, éo le, những mảnh đời bất hạnh. Người đọc cảm thấy chính mình cũng đang sống, đang trải nghiệm, đang “lên bổng xuống trầm” cũng những nhân vật trong truyện. Mỗi truyện ngắn là một câu chuyện cảm động, chân thực, tinh tế mà sâu sắc.

Chẳng vậy mà sau khi đọc xong tập truyện ngắn Người đàn bà nghịch cát của nhà văn Nguyễn Đăng An, nhà văn Sương Nguyệt Minh đã đặt bút viết: “Tập truyện ngắn Người đàn bà nghịch cát là một cuộc trở lại kỳ thú của Nguyễn Đăng An sau một thời gian tạm gác chuyện văn chương để lo chuyện đời. Vẫn mạch nguồn văn chương định hình định tạng, nếu có bứt phá thì chính là cuộc từ giã lối kể chuyện thô giản thật thà trước đây để Nguyễn Đăng An tiến tới cách viết nội dung truyện, mà thấy rất rõ ở thong điệp tư tưởng, ở biệt tài dựng truyện, ở chi tiết đặc sắc, ở ngôn từ giàu hình ảnh được tắm mình trong dòng sông cảm xúc chân thành, nồng nàn, trữ tình mà xót đau. Có thể nói văn của Nguyễn Đăng An là tiếng gọi của những thân phận trắc trở, éo le, đau đớn của những khát vọng không thành, của những cảm xúc nội tâm trữ tình, của những bi kịch cá nhân lẩn khuất trong bi kịch lớn xã hội.”

Tập truyện ngắn Người đàn bà nghịch cát có nội dung hấp dẫn, mỗi nhân vật sống động như có thực, mỗi vấn đề nảy sinh trong truyện đều gắn với thực tế cuộc sống, mỗi câu chuyện nhỏ ấy đều cuốn hút đặc biệt với giọng văn chân mộc trữ tình đau đớn của nhà văn Nguyễn Đăng An.

Trúc Diệp