Hà Tĩnh:
Nguyễn Công Trứ và những giá trị bất hủ
(Dân trí) - Nguyễn Công Trứ là nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XVIII, nửa đầu thế kỷ XIX. Ông nổi tiếng là vị quan thanh liêm, tài trí hơn người, là nhà văn hóa lớn… với sức sống ngang tàng, mãnh liệt và những khía cạnh phóng khoáng đa chiều…
Đó là những giá trị của con người ông đã được rất nhiều các giáo sư, tiến sỹ, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý khẳng định trong Hội thảo “Nguyễn Công Trứ với lịch sử, văn hóa Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX”, do tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Đại học Quốc Gia Hà Nội tổ chức vào ngày 24/11.
Tham gia hội thảo lần này có 52 tham luận của các giáo sư, tiến sỹ, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý đến từ các Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,Đại học sư phạm Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hội Văn học dân gian Việt Nam, tỉnh Hà Tĩnh…
Nguyễn Công Trứ nổi lên với chân dung độc đáo, giàu cá tính. Là người đỗ đạt, làm quan to hết quan văn lại quan võ. Đang trên đỉnh công danh ông lại bị cách chức làm lính thú, rồi lại được phục chức…
Trong bản tham luận “Tư tưởng tự do mang tầm thời đại” Tiến sỹ Đặng Duy Báu, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho rằng tất cả cuộc đời của Nguyễn Công Trứ quy tụ ở triết lý tự do “quân tử bất khí” với sức sống ngang tàng, mãnh liệt và những khía cạnh phóng khoáng đa chiều.
“Vào nửa đầu thế kỷ XIX, nhân loại xuất hiện 2 nhà tư tưởng lớn C. Mác và F.Ăngghen… Thì kỳ lạ thay ở một nước nhỏ bên này địa cầu, bị bế quan tỏa cảng, với chế độ quân chủ bảo thủ, lạc hậu đến nỗi nhà vua không tin nổi ở trời Âu, bỗng xuất hiện một ông quan làm đến chức Thượng thư, dòng dõi nho giáo đã nêu lên triết lý sống tự do, không những thế mà còn hành xử tự do…” Tiến sỹ Đặng Duy Báu đã nhấn mạnh như vậy để về sự “khai sáng” tư tưởng tự do của Nguyễn Công Trứ.
Còn trong tham luận “Phác thảo về hình ảnh của một cán bộ tư duy ở cấp chiến lược” GS.TS Trần Ngọc Vượng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã giành 7 trang để khắc họa về con người này.
Theo GS.TS Trần Ngọc Vượng thì trong lịch sử các vị quan được lưu danh thiên cổ theo những đóng góp, cống hiến khác nhau. Có người được kỳ vọng ở tấm lòng ưu thời mẫn thế, có người uy danh rạng ngời nhờ công nghiệp lẫy lừng. Nguyễn Công Trứ rơi vào trường hợp thứ 2. Ông là điển hình mẫu mực cho một cán bộ tư duy ở cấp chiến lược.
“Nguyễn Công Trứ là người chú trọng thực tiễn: Khi có loạn thì đánh đông dẹp bắc, trừ loạn đảng, dẹp nhiễu nhương; lúc bình trị thì đặt phương sách phát triển kinh tế, mở mang đất đai, thực hiện giáo hóa, phát triển văn trị. Quản việc dân thì mẫn cán, cần kiệm, biết dùng đúng người đúng việc…”, tham luận của GS.TS Trần Ngọc Vượng nêu rõ.
Ở một góc độ khác, tham luận “Trường hợp Nguyễn Công Trứ với lý luận đọc văn học” của GS.TS Trần Nho Thìn, Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội lại đem đến những lý giải về con người văn chương của Nguyễn Công Trứ. Khẳng định, giữa sáng tác và cuộc đời Nguyễn Công Trứ hàm chứa khối mâu thuẫn lớn và đưa ra nhận định: Sáng tác của một nhà nho trung đại như Nguyễn Công Trứ cho thấy sự vận dụng lý luận liên văn bản và lý thuyết tiếp nhận cho văn học trung đại Việt Nam một cách linh hoạt, sáng tạo. Điều quan trọng là, cần phân biệt con người tác giả bên ngoài đời và con người tác giả trong thế giới nghệ thuật của Nguyễn Công Trứ".
Còn TS. Võ Hồng Hải, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh thì chỉ dẫn khẳng định con người sinh vật - xã hội không chỉ có sự di truyền sinh vật qua Gen mà còn có sự di truyền văn hóa giáo dục.
Theo nghiên cứu của TS. Võ Hồng Hải thì hiện nay có rất ít nguồn tư liệu, các công trình nghiên cứu về dòng tộc, gia đình này.
Tuy nhiên, dòng tộc của Nguyễn Công Trứ là một nhánh họ liên tục chuyển cư và có quan hệ thông gia, bằng hữu với nhiều cự tộc, danh sỹ xứ Nghệ. Một gia đình với nhiều người cương trực, được nhân dân kính trọng, tôn thờ.
“Mặc dù dòng tộc và Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ không để lại cho quê hương, con cháu một công trình cụ thể nào như nhiều dòng tộc, danh nhân khác trong vùng nhưng gia đình ông đã đóng góp cho đất nước,hậu thế những vùng đất khẩn hoang trù phú ở Bắc Bộ, Nam Bộ, tạo ra những “Kỳ nhân” được người đời ngưỡng mộ, đặc biệt là một kho tàng di sản văn hóa rất phong phú, đa dạng”, tham luận của TS. Võ Hồng Hải nhấn mạnh…
Hội thảo Nguyễn Công Trứ với lịch sử, văn hóa Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX với những khám phá mới mẻ về cuộc đời, sự nghiệp của ông đã tô đậm thêm công lao và đóng góp của danh nhân đối với đất nước. Khơi dậy lòng tự hào dân tộc, truyền thống văn hóa cách mạng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay.
Nguyễn Công Trứ (1778 -1858) sinh ra tại Thái Bình. Năm 10 tuổi,ông theo gia đình về sống tại quê cha – huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.
Năm 41 tuổi (1819), ông mới thi đậu Giải nguyên và được bổ đi làm quan vào năm Minh Mệnh thứ nhất (1820) với chức Hành tẩu ở Quốc sử quán và thăng đến chức cao nhất là Tham tán đại thần, Thượng thư Bộ Binh kiêm Tổng đốc Hải An.
Xuân Sinh