Người Việt đầu tiên nghiên cứu thành công vải gai

Ngọc Linh

(Dân trí) - 10 năm ròng rã nghiên cứu và thử nghiệm, không đếm nổi bao nhiêu lần thất bại, đến nay bà Đỗ Thị Thúy (SN 1967) đã thành công với những tấm vải chất lượng cao dệt từ vỏ cây gai.

Biết là khó nhưng vẫn làm

Người Việt đầu tiên nghiên cứu thành công vải gai - 1
Bà Đỗ Thị Thúy (bên trái) và NTK Minh Hạnh (bên phải) chia sẻ về hành trình đi tìm chỗ đứng cho vải gai.

Xuất phát điểm từ một người thợ may nên bà Thúy cũng có sự am hiểu và đam mê với các loại vải vóc. Nói về cơ duyên đến với vải gai, bà Thúy tâm sự: " Trước đây tôi có quen một nhà khoa học nghiên cứu rất tâm huyết với cây gai, tôi thường xuyên được lắng nghe bác chia sẻ về đam mê và mong ước sẽ nghiên cứu ra chất liệu vải truyền thống từ cây gai. Nhưng rất buồn, khi bác bắt tay vào làm thì lại không thành công. 

Chính tôi là người chứng kiến bác thất bại và hiểu được nỗi đau lòng của bác. Tự nhiên điều ấy khiến tôi có tình cảm với sợi gai và quyết tâm sẽ nghiên cứu cho bằng được".

Ngay từ bắt tay vào làm, bà đã xác định đây sẽ là một con đường đầy khó khăn. Mỗi lần thất bại bà lại tự nhủ bản thân phải cố gắng thêm và sau những cố gắng không ngừng nghỉ ấy là sự ra đời của sản phẩm vải gai "made in Việt Nam" ngày nay. " Tôi cứ cố gắng mãi, cố gắng mãi cuối cùng cũng thành công", bà Thúy cười nói. 

Người Việt đầu tiên nghiên cứu thành công vải gai - 2
15.000 cây gai được bày tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Nghĩ lại chặng đường nghiên cứu vải gai, bà Thúy kể: "Trong suốt 10 năm không biết bao nhiêu lần tôi thất bại. Khi nấu tách keo thì không đạt chất lượng, cường lực sợi sẽ không đảm bảo, màu sắc cũng không được theo ý,... Tôi phải thử đi thử lại nhiều lần rất tốn công sức và nguyên liệu. Khó khăn hơn nữa là tay nghề của người công nhân còn quá mới, mình là người tự mày mò nên không có chỗ nào để học hỏi kinh nghiệm được nên cứ hỏng là làm lại, sai ở đâu sửa ở đó". 

Trái ngọt cho hành trình một thập kỷ

Dành cả một thập kỷ để tìm ra con đường mới cho chất liệu truyền thống Việt Nam, nhưng khi được NTK Minh Hạnh gọi là "bà tổ" của vải gai Việt Nam bà Thúy vẫn xua tay từ chối. Bà chia sẻ: "Đến bây giờ tôi cảm thấy mình chưa làm được gì nhiều quá. Những việc tôi làm đều xuất phát từ niềm đam mê với cây gai. Khi thử nghiệm thành công, cho ra sản phẩm vải từ vỏ cây gai tôi đã rất mừng khi các nhà thiết kế rất đón nhận và đánh giá cao". 

Trên thế giới vải gai là sản phẩm rất được ưa dùng vì chất liệu, độ ứng dụng cao, tiềm năng rất lớn. Vì thế nên bản thân bà đã cố gắng ròng rã 10 năm theo đuổi làm sao để Việt Nam có chất liệu truyền thống. 

Người Việt đầu tiên nghiên cứu thành công vải gai - 3
Áo dài được làm từ chất liệu vải gai của NTK Huệ Thi.

Việc bà Đỗ Thị Thúy nghiên cứu thành công sản xuất vải từ vỏ cây gai không chỉ là thành tựu lớn cho ngành công nghiệp thời trang mà còn tạo ra những cơ hội thu nhập, giúp cho người nông dân thoát ra khỏi khó khăn trong việc suy nghĩ "trồng cây gì, nuôi con gì" cho ra lợi nhuận. 

Để cho ra vải gai đạt chất lượng tốt nhất phụ thuộc vào thổ nhưỡng, khí hậu, quy trình chăm sóc. "Thời gian để cây gai đạt độ "chín" và có thể thu hoạch làm vải khoảng 50-70 ngày, tùy thuộc vào thời tiết mưa nhiều cây gai sẽ lâu "chín" hơn, nắng nhiều sẽ "chín" nhanh hơn. Khi vỏ cây gai đã chuyển sang màu vàng cốm thì sẽ cho ra chất lượng vỏ gai tốt nhất. Khi đầu vào đạt chất lượng cao thì mình sẽ dệt được sản phẩm cực kỳ cao cấp", bà Thúy cho biết. 

Người Việt đầu tiên nghiên cứu thành công vải gai - 4
Họa tiết tiểu thư và cô hầu gái trên chiếc áo dài làm từ vải gai của NTK Minh Hạnh.

Theo bà Thúy, khu vực Tây Nguyên cũng là nơi có thể trồng gai làm vải nhưng chỉ số sợi thấp hơn do khí hậu khá khắc nghiệt, mùa mưa thì quá ẩm và mùa khô thì cằn cỗi quá cho nên chỉ số sợi ở cây gai sẽ thấp hơn ở những vùng có khí hậu nóng, nắng nhưng vẫn duy trì được độ ẩm như ở Sơn La, Lạng Sơn, Phú Thọ, Thanh Hóa, đây cũng là những vùng trồng gai cho ra chất lượng tốt nhất. 

Chia sẻ về hành trình đơn độc của "bà tổ" vải gai Việt Nam, NTK Minh Hạnh cho biết: "Trong mười năm qua, cô Thúy đã một mình lầm lũi, mò mẫm cho ra vải gai. Chất liệu này cho tôi một niềm tin mãnh liệt, chắc chắn thời trang Việt Nam sẽ thật phát triển. Lụa được ví như một cô tiểu thư nhà giàu xinh đẹp sang trọng, đắt tiền, nhưng gai lại là một cô gái chân quê, dễ chịu và thân thiện.

Xưa kia, hình ảnh nàng tiểu thư mặc áo vải lụa và cô hầu gái mặc áo vải gai đã in sâu trong tiềm thức. Bao nhiêu đời nay chúng ta vẫn chưa có được một tấm vải gai đúng nghĩa. Nhưng nay đã khác, vị trí của vải gai đã ở tầm cao mới. Chúng ta có niềm tự hào về một chất liệu truyền thống mới vô cùng chất lượng để có thể may được những tà áo dài. Trong tương lai, vải gai sẽ còn phát triển hơn nữa và có vị trí nhất định trên thế giới".