Người Việt đang có những ngộ nhận nào về tục xin chữ đầu năm?
(Dân trí) - Truyền thống xin chữ đầu xuân về treo trong nhà để cầu may mắn, hạnh phúc… là một nét văn hoá đã tồn tại khá lâu. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn rất nhiều ngộ nhận về nét văn hoá này.
TS Phạm Văn Ánh- Viện Văn học Việt Nam, Trưởng ban Khảo tuyển hội chữ Xuân - Văn Miếu Quốc Tử Giám đã trao đổi với phóng viên xung quanh câu chuyện này.
Là người nghiên cứu về văn học trung đại lại có nhiều năm tham gia giảng dạy thư pháp cũng như làm Trưởng ban khảo tuyển hội chữ Xuân ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ông có thể chia sẻ gì về văn hoá xin chữ đầu xuân của ngày xưa?
Bây giờ, chúng ta thấy ông đồ ngồi ở vỉa hè liền gọi đó là văn hoá truyền thống là một quan niệm lầm lẫn rất lớn. Ngày xưa các cụ có hai kiểu xin chữ, một là xin chữ, hai là xin nghĩa.
Người ta sẽ đến gặp những người có sự tu dưỡng về văn từ, nhất là những nhà khoa bảng để xin nghĩa sau đó mới đem cái nghĩa đó đến nhờ người hay chữ viết hộ.
Ví dụ, khi làng xây xong một cái đình, các ông sắc mục trong làng sẽ sắm một cái lễ đến nhờ người đức cao vọng trọng hiểu về chữ nghĩa văn chương để cho nghĩa. Nếu người đó viết tốt thì có thể họ cho chữ luôn còn nếu không thì mang cái nghĩa đó đến một ông chữ tốt để nhờ họ viết chữ cho.
Nhà khoa bảng họ không ra vỉa hè để cho chữ. Hình ảnh của ông đồ trong thơ của cụ Vũ Đình Liên là ông đồ của thời mạt vận. Ông đồ đó không phải là người khoa bảng mà chỉ là người biết chữ thôi.
Và hình tượng này tồn tại rất phổ biến hồi đầu thế kỷ ở chợ Hà Đông. Cứ nghĩ rằng ra vỉa hè xin chữ là một nét văn hoá truyền thống là một cách hiểu rất sai lầm.
Vậy theo ông, ngày nay người dân thường vướng phải những ngộ nhận nào trong việc xin chữ?
Người Việt ta hiện nay trăm hoa đua nở, không ai giống ai. Có những người muốn hiện thực hoá ước mơ của mình bằng con chữ và họ nghĩ rằng chữ nho có gì đó rất linh dị.
Cho nên họ phải hiện thực hoá ước mơ - khát vọng đó ra bằng chữ nho, chữ Hán để có tính thiêng. Họ nghĩ thể hiện ra như vậy thì ước mơ sẽ thành hiện thực. Chúng tôi cho rằng, quan niệm đó không hoàn toàn đúng đắn.
"Muốn ước vọng chính đáng thành hiện thực thì chúng ta phải dụng công, nỗ lực, đầu tư công sức, tài chính, thời gian… mới gặt hái được kết quả", TS Phạm Văn Anh nói.
Chúng ta có thể viết lên một ước vọng nào đó của mình nhưng chúng ta treo lên để tâm niệm đó là ước vọng chính đáng. Và muốn ước vọng chính đáng đó thành hiện thực thì chúng ta phải dụng công, nỗ lực, đầu tư công sức, tài chính, thời gian… mới gặt hái được kết quả. Còn nếu chúng ta nghĩ chỉ cần viết ra những ước vọng đó treo lên tưởng rồi chờ nó thành hiện thực thì đương nhiên là rất sai lầm.
Có phải những ông đồ già cho chữ thì sẽ tốt hơn những ông đồ trẻ?
Một bộ phận lớn công chúng hiện nay không có khả năng thẩm định được chất lượng viết vì thế họ nghĩ rằng, ông đồ phải có tuổi tác, râu tóc phải bạc phơ, gương mặt phải cổ xưa… cho chữ mới là tốt.
Mọi người cứ nghĩ những người có tuổi tác như vậy là những người có một thời gian tích luỹ lâu dài về vốn chữ nghĩa cũng như khả năng thực hành thư pháp. Trên thực tế thì hoàn toàn không phải như vậy.
Chúng ta biết rằng, lịch sử của chúng ta có một quãng thời gian đứt gãy về mặt văn tự để biến từ loại hình Hán - Nôm qua loại hình văn tự Quốc ngữ.
Ví dụ, chúng ta thấy một người khoảng 70 - 80 tuổi hiện nay thì họ sinh vào khoảng những năm 40 và trưởng thành khoảng những năm 60. Mà thập niên 60 lại không gắn với giai đoạn tồn tại của văn tự Hán – Nôm nữa.
Cho nên có rất nhiều người lớn tuổi công tác ở nhiều ngành nghề khác nhau khi nghỉ hưu mới có quỹ thời gian nhất định để đi tìm hiểu và học hỏi về văn tự Hán - Nôm.
Thực ra, trong đội ngữ biết về thư pháp Hán – Nôm hiện nay, có nhiều người có thời gian tu dưỡng khá dài nhưng cũng có một lượng không phải ít mới có điều kiện tiếp xúc, học tập và tu dưỡng trong quãng thời gian ngắn.
Trên thực tế chúng tôi tham gia vào khâu đào tạo thư pháp Hán – Nôm cũng có nhiều người trẻ nhưng đã vào học những lớp đó từ lâu. Nhưng cũng có những người tuy tuổi cao nhưng mới tham gia thôi.
Một số cây thư pháp hiện nay tuy họ trẻ về tuổi đời nhưng thời gian họ tiếp xúc với thư pháp Hán – Nôm đã trên 20 năm, có người còn 30 năm… trong khi tuổi đời của họ mới 50 tuổi thôi, thậm chí dưới.
Tuổi tác chỉ là một điều kiện thôi chứ tuổi không đồng nhất với tu dưỡng. Như chúng ta thấy việc học ngoại ngữ, mới có khoảng vài chục tuổi thôi nhưng họ nói rất tốt, có những người 60 – 70 tuổi nhưng họ không nói được tiếng nào cả. Chúng ta không nên đánh đồng tuổi tác với sự tu dưỡng và tích luỹ cá nhân.
Năm nay trong khảo tuyển, những gương mặt được chọn lại cơ bản là người trẻ. Một số người trẻ không tham gia vào khảo tuyển để xin viết chữ ở Hồ Văn – Văn Miếu – Quốc Tử Giám nhưng họ lại rất nhiệt tình gửi tác phẩm đến dự triển lãm.
Chúng tôi đánh giá những tác phẩm dự triển lãm mới khó bởi nó đòi hỏi tính nghệ thuật cao hơn. Năm nay, chúng tôi không lấy giải Nhất mà chỉ lấy giải Nhì, Ba và Khuyến khích. Mà những giải đó đa phần thuộc về người trẻ.
Người dân đi xin chữ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám dịp xuân Kỷ Hợi.
Theo ông, một ông đồ đủ điều kiện cho chữ phải hội tụ những yếu tố nào?
Nhu cầu của người xin chữ trong bối cảnh xã hội như hiện nay rất khó để đòi hỏi người ta phải am tường về chữ nghĩa, am tường về khả năng thưởng thức vì thư pháp không phải là thứ dễ thưởng thức chút nào.
Phải có điều kiện tiếp xúc, thậm chí phải học tập trong quãng thời gian nhất định. Tuy nhiên, cho dù họ nhất thời chưa có điều kiện thì khi xác định phục vụ công chúng thì bản thân người cho chữ nhất định phải có trình độ ở mức độ nào đó để tham mưu, giảng giải, tư vấn, hướng dẫn cho công chúng họ hiểu hơn.
Năm nay, tham gia viết chữ ở Hồ Văn – Văm Miếu – Quốc Tử Giám có 3 lớp đối tượng. Thứ nhất là những người đã tham gia khảo tuyển từ năm ngoái, đã đỗ và vẫn đang còn thời hạn. Thứ hai là những người có kinh nghiệm và tay viết tốt thì được mời đến dự hội.
Chỉ còn một số cây viết hoặc là trước đây chưa đạt yêu cầu, hoặc là chưa có điều kiện tham dự nên được lấy bổ sung. Và do yêu cầu ngày một nâng cao nên họ cũng phải nên cao trình độ để đáp ứng với mặt bằng nhất định.
Quá trình khảo tuyển, BTC sẽ tiến hành kiểm tra về văn phạm, tiếp đến kiểm tra về thư pháp. Trên cơ sở đó, thành viên hội đồng khảo tuyển sẽ chọn những người có đủ khả năng đáp ứng những nhu cầu của công chúng trong việc xin chữ - cho chữ.
Đầu xuân người ta nên xin những chữ gì thưa ông?
Đầu xuân người ta vẫn thường xin những điều đơn giản gắn với những ước vọng tốt đẹp. Ví dụ như: về hạnh phúc, sự thành đạt, trí tuệ… Còn nếu hướng đến nội dung để chơi thì nội dung chữ Hán rất phong phú.
Cảm ơn ông đã chia sẻ thông tin.
Hà Tùng Long