Tái hiện cảnh sĩ tử lều chõng đi thi trong Hội chữ Xuân 2018
(Dân trí) - Hội chữ Xuân Mậu Tuất 2018 vừa tổ chức họp báo để giới thiệu về chuỗi hoạt động năm nay. Năm nay, bên cạnh các hoạt động cho chữ và triển lãm thi pháp sẽ tái hiện lại cảnh sĩ tử lều chõng đi thi trong khu vực Hồ Văn - Văn Miếu.
Theo đó, Hội chữ sẽ khai mạc vào ngày 9/2 và kéo dài đến 25/2/2018 (tức 24 tháng Chạp năm Đinh Dậu đến mùng 10 tháng Giêng năm Mậu Tuất) tại không gian ngoài trời khu Hồ Văn. Hội chữ sẽ hoạt động ngày từ 8h đến 20h, riêng đêm 30 Tết sẽ kéo dài đến 02h sáng mùng 1; buổi tối các ngày mùng 1,2, 3 Tết sẽ làm việc đến 22h00.
Với chủ đề “Hiền tài”, không gian của hoạt động cho chữ, xin chữ tại Hội chữ Xuân 2018 sẽ được trưng bày 35 bức thư pháp chữ Hán và chữ Quốc ngữ có kích thước lớn, truyền tải tinh thần "Tôn sư trọng đạo, tôn trọng hiền tài".
BTC dự kiến có 63 gian lều dành cho thành viên các cậu lạc bộ thư pháp tại Hà Nội hoặc người viết tự do đã qua kỳ khảo tuyển của Trung tâm VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ông Lê Xuân Kiêu, Trưởng BTC, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, năm 2018 là năm khép lại một quá trình thử nghiệm kéo dài 5 năm của Hội chữ Xuân.
Năm 2018, BTC đã tổ chức kỳ khảo tuyển hệ thống, chặt chẽ và hết sức công khai – minh bạch. BTC đã phối hợp với ban liên lạc các CLB. Tổng số dự khảo tuyển là 97 người, chữ quốc ngữ 23, chữ Hán là 74 người.
Tất cả các ông đồ đều phải trải qua 2 vòng sát hạch, vòng 1 thi văn phạm - chữ nghĩa lấy một đoạn từ văn bia Tiến sĩ trong Văn Miếu và vòng 2 viết trực tiếp chữ thư pháp do BTC đưa ra trong vòng 30 phút. Kết quả cuối cùng đã lựa chọn được 55 người và 35 tác phẩm thư pháp đẹp. Ngoài ra, BTC mời 8 người viết thư pháp lâu năm, có uy tín tham gia hội chữ năm nay.
Bên cạnh hoạt động cho chữ và triển lãm thi pháp, Hội chữ Xuân 2018 còn có nhiều hoạt động đặc sắc khác như tổ chức các trò chơi dân gian, du khách được tham gia lễ hội hoa đăng, thả đèn xuống mặt hồ với mong muốn cho một năm mới an khang, thịnh vượng.
Du khách cũng có cơ hội được tham gia trải nghiệm và tìm hiểu các quy trình làm giấy dó; tìm hiểu về ba dòng tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ và Kim Hoàng; xem trình diễn thư pháp và mỹ thuật dân gian…
Theo đại diện Ban tổ chức, chương trình kết hợp các màn biểu diễn âm nhạc dân gian tổng hợp, quan họ, ca trù, hát xẩm, hát xoan, bài chòi, chèo, chầu văn… do Trung tâm phát triển nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam phối hợp tổ chức.
Tham gia Hội chữ Xuân Mậu Tuất, du khách cũng có cơ hội trải nghiệm gói bánh chưng ngày Tết; tham quan và mua sắm tại các gian hàng làng nghề truyền thống lụa tơ tằm, sơn mài, khảm trai, mây tre đan nghệ thuật, gốm sành sứ, hoa, cây cảnh, mâm ngũ quả ngày tết…
Hà Tùng Long