Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Quang Sáng:

“Người sót lại của Cánh đồng hoang” kể những câu chuyện cũ…

(Dân trí)- Phóng viên Dân trí đã tìm gặp được trợ lý đạo diễn của bộ phim Cánh đồng hoang để nghe ông kể lại những chuyện chưa kể về 3S (Hồng Sến+ Nguyễn Quang Sáng+ Trịnh Công Sơn) xuất sắc của bộ phim...

Người hỗ trợ quay phim và là trợ lý của đạo diễn Hồng Sến khi thực hiện bộ phim Cánh đồng hoang là NSƯT Bằng Phong.  Ông năm nay tuổi cũng đã cao, sức đã yếu, cuộc sống đơn chiếc, đi lại khó khăn. Vì thế, dù tiếc thương sâu sắc khi nghe tin nhà văn Nguyễn Quang Sáng qua đời, ông Bằng Phong vẫn không thể đến tiễn đưa người đồng nghiệp thân thiết, yêu kính của mình về nơi an nghỉ cuối cùng. Qua Dân trí, ông xin gửi lời chia buồn, lời tiếc thương vô hạn đến gia đình nhà văn...
 
Có thể nói, trong ê-kíp của đoàn phim Cánh đồng hoang, NSƯT Bằng Phong có lẽ là một trong số ít những thành viên hiếm hoi còn sót lại. Trước đó, đạo diễn Hồng Sến, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, diễn viên Lâm Tới… đều đã ra đi mãi mãi. Khán giả chỉ còn hay tin về nữ diễn viên chính Thúy An hiện đang sống tại Đức. Vì vậy, những lời tâm sự, sẻ chia của người trợ lý đạo diễn- người hiếm hoi còn "sót" lại từ Cánh đồng hoang lại càng trở nên quý giá, với chúng tôi.

NSƯT Bằng Phong tiếc thương trước sự ra đi của một người anh đồng nghiệp
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng

Nhắc đến tác giả kịch bản của bộ phim Cánh đồng hoang,  người trợ lý đạo diễn thuở nào không khỏi xúc động: “Với tôi, nhà văn Nguyễn Quang Sáng là một người thực sự giản dị, chân chất như chính con người mang đậm phong cách Nam bộ của anh. Tôi và một số bạn bè đồng nghiệp lúc bấy giờ đã may mắn được hợp tác cùng anh Sáng trong nhiều bộ phim về đề tài chiến tranh. Hơn nữa, chúng tôi cũng từng hoạt động cùng nhau trong khu kháng chiến ở rừng nên tình cảm anh em đồng nghiệp lại càng thêm quý mến”.

Được làm việc với nhà văn Nguyễn Quang Sáng qua khá nhiều tác phẩm điện ảnh như Mùa gió chướng, Mùa nước nổi,… Nhưng đối với NSƯT Bằng Phong, bộ phim để lại ấn tượng sâu đậm nhất và cũng là tác phẩm điện ảnh mà sau khi làm xong, các anh em trong ê-kíp, đặc biệt chính tác giả Nguyễn Quang Sáng rất hài lòng lại là Cánh đồng hoang. Chỉ gói gọn trong khoảng 90 phút chiều dài của bộ phim nhưng tất cả những con người ấy đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn và thiếu thốn trong suốt gần một năm trời để làm nên một bộ phim để đời cho điện ảnh Việt.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng rất tâm đắc với tác phẩm
Theo NSƯT Bằng Phong kể lại, nhà văn Nguyễn Quang Sáng rất tâm đắc với tác phẩm Cánh đồng hoang 

Ẩn sâu trong lời kể của NSƯT Bằng Phong, có thể cảm nhận rõ được những cảm xúc khó tả mà ông và nhà văn Nguyễn Quang Sáng cũng như đạo diễn Hồng Sến và nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã cùng nhau trải qua trong quá trình đi thực địa và tìm bối cảnh cho phim Cánh đồng hoang. Trong ký ức của người làm công tác trợ lý đạo diễn, đó là những chuyến đi lặn lội tuy xa xôi và vất vả nhưng lại vô cùng thân thiết và đầy tình cảm giữa anh em. Đó là những bữa nhậu với rượu quê và cá đồng mà nhà văn Nguyễn Quang Sáng rất “khoái”. Nhờ những bữa nhậu thân tình đó mà nhiều ý tưởng cho bộ phim đã nảy sinh và lại càng được anh em chia sẻ với nhau nhiều hơn.

Cuối cùng, nhà văn Nguyễn Quang Sáng và ê-kíp cũng đã lựa chọn vùng Mộc Hóa, Long An là nơi làm bối cảnh chính cho phim rồi chờ đến mùa nước nổi để có thể thực hiện được những cảnh quay ưng ý nhất. Sau những ngày đầu đi sát với đoàn phim và khá yên tâm về bối cảnh, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã không nén được hạnh phúc khi thành quả mà bộ phim Cánh đồng hoang mang lại nhiều hơn cả những gì mong đợi.
 
Cánh đồng hoang
Cánh đồng hoang thu hút bằng những hình ảnh chân thật

Mặc dù vậy, khi nhắc đến điểm chưa hài lòng của nhà văn Nguyễn Quang Sáng về bộ phim, NSƯT Bằng Phong chia sẻ: “Tôi còn nhớ chi tiết mà lúc phim đã quay xong, vốn bản tính kỹ càng, anh Sáng có vẻ chưa hài lòng lắm với cảnh cuối cùng  khi chiếc trực thăng bay gần nhân vật nam chính Ba Đô. Nhưng mọi thứ đã hoàn thành, để làm lại thì rất khó, nên anh Sáng đã quyết định chỉnh sửa một chút kịch bản bằng việc thêm một câu thoại “Bắt sống lấy nó” cho hợp lý với cảnh quay”.

“Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một phần rất nhỏ so với thành công của bộ phim này bởi thời điểm đó, khi Cánh đồng hoang được công chiếu vào dịp 30/04/1979, chúng tôi thật hạnh phúc khi chứng kiến khán giả đã chịu khó đứng xếp hàng đến hàng trăm mét để mua vé vào xem phim. Niềm vui của anh Sáng và những người trong đoàn phim không thể nào nhiều hơn khi những ngày tháng vất vả làm phim phải ăn độn, ăn bánh mỳ và dầm dề với sông nước để có được thành quả xứng đáng như thế”, NSƯT Bằng Phong nhớ lại.

Mọi người sẽ nhớ đến nhà văn như một cây đại thụ của nền văn học điện ảnh Việt Nam
Mọi người sẽ nhớ đến nhà văn Nguyễn Quang Sáng như một đại diện tiêu biểu nhất của văn học Nam Bộ

Câu chuyện khá dài đang được NSƯT Bằng Phong bồi hồi nhớ bỗng khựng lại khi một lần nữa ông nhắc đến sự ra đi của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Vẫn biết rằng, con người khó tránh khỏi quy luật sinh - lão - bệnh - tử nhưng sự ra đi nào cũng để lại niềm tiếc thương sâu sắc. Nhất là với một người đã cùng nhau gắn bó và làm việc trong nhiều năm như NSƯT Bằng Phong và nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

Sau câu chuyện về người anh đồng nghiệp quý mến Nguyễn Quang Sáng, NSƯT Bằng Phong vẫn không quên nhắn gửi mong ước của mình, “Nếu có thể, tôi mong sao bộ phim Cánh đồng hoang sẽ được đưa vào nhà trường trong những buổi ngoại khóa hoặc được xem xét đưa vào chương trình giáo dục cho học sinh như Chiếc lược ngà. Được như vậy thì hay lắm”.

Và, đó cũng là mong muốn xuất phát từ nỗi lo của NSƯT Bằng Phong về phim chiến tranh thời nay do nhiều lớp đạo diễn, tác giả trẻ đã và đang làm, khi mà những trải nghiệm sống trong thời gian khó khăn bom đạn của họ là gần như không có. Trong thâm tâm của người đã từng làm trợ lý đạo diễn ấy, Cánh đồng hoang sẽ khó lòng có được một "phiên bản" kinh điển thứ hai cũng như nhà văn Nguyễn Quang Sáng vẫn sẽ luôn là một trong những cây đại thụ đáng quý của nền văn học, điện ảnh Việt Nam qua nhiều thế hệ.

 
Trí Hòa