Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Quang Sáng:
Vĩnh biệt người viết nên “bộ phim Việt Nam xuất sắc nhất thế kỷ”
(Dân trí)- Bộ phim “Cánh đồng hoang” từ lâu đã trở thành niềm tự hào của điện ảnh Việt. Bộ phim ấy đã được hoàn tất bởi 3 chữ S xuất sắc: Hồng Sến + Nguyễn Quang Sáng+ Trịnh Công Sơn. Chữ S cuối cùng trong bộ 3 đã ra đi hôm qua.
Kịch bản phim xoay quanh câu chuyện của một gia đình nhỏ sống giữa vùng sông nước Nam Bộ. Phim là sự xâu chuỗi của những hình ảnh đối lập. Một bên là sự gào thét, gầm rú, quần thảo của máy bay Mỹ trang bị đầy súng đạn. Một bên là nụ cười, là niềm hạnh phúc, là sự vui vẻ, đầm ấm của gia đình Ba Đô. Một bên là tội ác. Một bên là tình yêu. Một bên là sự hùng hổ, uy hiếp của kẻ lớn. Một bên là sự vững chãi, tự tại của một gia đình nhỏ.
Bộ phim là câu chuyện ẩn dụ sâu sắc về cuộc chiến không cân sức giữa Mỹ và Việt Nam. Với sự xâu chuỗi những hình ảnh đối lập, “Cánh đồng hoang” trở thành minh chứng sinh động cho cuộc chiến tất thắng của những người Việt Nam nghèo nhỏ bé chống lại thế lực giàu có, hùng mạnh là đế quốc Mỹ.
“Cánh đồng hoang” lột tả tội ác của đề quốc Mỹ với tầm khái quát cao từ những chi tiết nhỏ xoay quanh cảnh sinh hoạt của một gia đình. Không hô hào “đao to búa lớn”, không lý luận cao siêu về chiến tranh, không khai thác những cảnh bom rơi mìn nổ hoành tráng, không đi sâu thể hiện sự đẫm máu của cuộc chiến, tác giả kịch bản tập trung vào những chi tiết đời thường, vào cuộc sống sinh hoạt bình dị của đôi vợ chồng trẻ. Chuyện trồng lúa, chuyện bắt trăn, chuyện bắt cá, chuyện nuôi con…
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng với kịch bản phim xuất sắc của mình đã để lại cho điện ảnh cách mạng Việt Nam một bộ phim kinh điển về cuộc kháng chiến chống Mỹ lịch sử.
Ai đó đã ví, bộ phim “Cánh đồng hoang” đã được hoàn tất bởi 3 chữ S xuất sắc: Hồng Sến (đạo diễn) + Nguyễn Quang Sáng (biên kịch) + Trịnh Công Sơn (âm nhạc).
Hôm qua, chữ S cuối cùng của bộ 3 ấy đã ra đi.
H.H