"Người rừng" làm…showbiz!

Đã định dừng đề tài này lại, nhưng không thể. Bởi hôm qua, tin từ “hiện trường” cho biết, phóng viên muốn phỏng vấn “người rừng” phải trả từ 500 ngàn đồng, cho tới 1 triệu !!! Còn muốn được dẫn vào thăm nơi ở 40 năm qua của hai cha con, phải "xùy" ra 3-4 triệu đồng.

Người rừng được chăm sóc.

Người rừng được chăm sóc.

Thực ra “người rừng” chưa biết tiêu tiền và không có nhu cầu về tiền. Mà đây chỉ là đòi hỏi của người cháu ruột tên Lâm, vốn làm thông ngôn kiêm đoán ý cho hai “dị nhân” suốt hơn tuần qua. Có thể ghi nhận kỷ lục đây là ông bầu đầu tiên trong lịch sử của đồng bào dân tộc Cor, biến người anh em ruột rà thành món “kinh doanh giải trí” để kiếm tiền ! Thật là nhanh tay còn hơn cả Hollywood !

Trong “Tazan - Con của rừng xanh”, tiểu thuyết lừng danh của nhà văn Mỹ Edgar Rice Burroughs, kể rằng một hôm vượn cái Tana ôm cái bụng bị thương nhăn nhó đến gặp Tazan kể chuyện bị chồng cắn.

Chàng người rừng liền triệu tập vượn chồng Gunto đến, trước mặt hai vợ chồng, tuyên bố vượn vợ phải chăm sóc chồng, còn vượn chồng nếu tiếp tục bạo hành vợ sẽ bị chàng cho nếm ngay một nhát dao. Chàng Tazan từ bỏ cuộc sống hoang dã, học cách trở lại một con người cũng chỉ vì tình yêu với nàng Jane xinh đẹp.

So với Tazan, hai cha con người Cor ở Quảng Ngãi cũng có vẻ đẹp nhân bản không kém, đó là tình phụ tử, dù thực sự họ không phải “người rừng”, mà chỉ là những người sống lâu trong rừng. Nhưng họ không có tình yêu nào đủ lớn để tự quay về cùng đồng loại, cho đến khi bị “cưỡng chế” về làng.

Ông Tiến sĩ nọ nguyên là Trưởng ban nghiên cứu Con người và Môi trường (thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam) vừa lên báo đưa ra gợi ý, rằng tại sao không “mời cha con họ dạy lại những kỹ năng sống trong rừng, như làm gì để có thể tồn tại giữa thiên nhiên hoang dã” cho những người văn minh.

Thế nhưng, chưa kịp dạy kỹ năng ở rừng, thì cha con tội nghiệp nọ đã được người văn minh “dạy” ngay cho bài học kim tiền. Nếu hiểu ra chuyện này, chắc khát khao quay lại rừng của họ sẽ trở nên mãnh liệt, gấp gáp bội phần.

“Không thể trở về hang động được nữa - chúng ta quá đông” (Stanislav Jerzy Lec – nhà thơ Ba Lan). Thực ra không hang động nào chứa được chúng ta, chỉ bởi sự hồn nhiên đã mất.

Theo Tịnh Sơn
Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm