Lâm Đồng:

Người phụ nữ “hồi sinh” vũ điệu cổ của người Chu Ru

(Dân trí) - Tamya - Ariya là vũ điệu cộng đồng đầy quyến rũ của tộc người Chu Ru ở Lâm Đồng năm xưa. Vũ điệu cổ này đã bị lãng quên trong suốt một thời gian dài. Nhưng những năm gần đây, làn điệu độc đáo này lại được “hồi sinh” bởi người phụ nữ Chu Ru có tên gọi Ma Bio.

Đến bản Diom A, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) không khó để tìm đến nhà Ma Bio, bởi sự “nổi tiếng” của bà ở nơi đây. Tou Neh Ma Bio (56 tuổi, dân tộc Chu Ru) là người tiên phong khôi phục, lưu giữ và truyền dạy các vũ điệu cổ của dân tộc Chu Ru cho nhiều thế hệ trẻ để gìn giữ di sản đang bị mai một này…

Người lưu giữ hồn chiêng và các vũ điệu cổ

Sinh ra trên miền đất có nhiều vũ điệu kỳ ảo của tộc người Chu Ru, bên dòng Đa Nhim trên mảnh đất cao nguyên huyền thoại, tuổi thơ Tou Neh Ma Bio gắn liền với không gian văn hóa lễ hội của buôn làng.

Ma Bio là con gái út trong một gia đình có 6 anh, chị em. Với quyết định sống độc thân nên bà được chọn là người tiếp quản các giá trị văn hóa truyền thống của gia đình là bộ chiêng cổ và vũ điệu Tamya - Ariya của dân tộc Chu Ru. Năm 2007, bà Ma Bio được công nhận là nghệ nhân văn hóa của tỉnh Lâm Đồng.

Vũ điệu cổ Tamya - Ariya là điệu dân vũ có vai trò, ý nghĩa rất lớn trong đời sống văn hóa cộng đồng của người Chu Ru, vũ điệu này có động tác múa nhẹ nhàng, uyển chuyển, quyến rũ, mang tính cộng đồng cao.

Nghệ nhân Ma Bio biểu diễn vũ điệu “Tit Lơu Dra” với Khèn Bầu
Nghệ nhân Ma Bio biểu diễn vũ điệu “Tit Lơu Dra” với Khèn Bầu

Nghệ nhân Ma Bio cho biết: “Muốn “thẩm” được cái hồn của vũ điệu Chu ru phải lên núi thiêng K’ Lơl, ra dòng suối khóc Đa Nhim huyền thoại hoặc đến thác nước kêu ở bản K’Băm. Đội diễn phải có đầy đủ người cũng như dụng cụ trình diễn…”. Nói rồi, nghệ nhân Ma Bio cầm ra chiếc Khèn Bầu, hòa cùng giọng hát trầm ấm với vũ điệu Tit Lơu Dra (Cô gái nhỏ) cho chúng tôi nghe....

Với niềm đam mê múa hát từ nhỏ nên khi lên 8 tuổi Ma Bio đã biết múa, 10 tuổi thì biết đánh chiêng. Ngoài vũ điệu Tamya - Ariya, nghệ nhân Ma Bio còn lưu giữ, phục hồi các vũ điệu khác của dân tộc Chu Ru như: Bắc Kơ Năng (Thờ cúng), Thu Lơ Griắ Đam tra (Ca ngợi những người đầu bếp, những người chuyên phục vụ các lễ hội, cưới hỏi…), Pro Bray (Những chàng trai, cô gái múa hát quanh lửa trại để giao duyên), Bơ Trut Pô (Múa mừng các quan lớn)…

Với duyên nợ âm nhạc cổ, hiện nay, ngoài bảo tồn bà Ma Bio còn phối hợp với cán bộ văn hóa, trưởng bản, già làng cùng nhau sưu tập, sáng tác các vũ điệu mới như: Vũ điệu Tit Lơu Dra (Cô gái nhỏ), Yuơ Ađêi Drao Tũng (Em bé bụng to)…

Bà Ma Bio (thứ hai từ phải qua) đang cùng các học trò biểu diễn vũ điệu Tamya Ariya (ảnh tư liệu)
Bà Ma Bio (thứ hai từ phải qua) đang cùng các học trò biểu diễn vũ điệu Tamya Ariya (ảnh tư liệu)

Truyền lửa đam mê cho thế hệ trẻ

Xã hội càng phát triển, thanh niên trong làng thờ ơ với âm nhạc truyền thống. Chứng kiến cảnh các làn điệu của dân tộc đang dần bị lãng quên, bà Ma Bio đã trăn trở rất nhiều. Năm 2007, Sở VH-TT&DL tỉnh phối hợp với Phòng VH-TT huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) hỗ trợ cho bà mở lớp truyền dạy cồng chiêng và múa hát. Lúc đầu chỉ dạy cho 10 em trong làng, dần dần tăng thêm 28 em.

Qua nhiều năm kiên trì của bà, lớp trẻ bị cuốn hút bởi những điệu vũ truyền thống nên ngày càng có nhiều con em trong buôn làng theo học. Tính đến nay, bà đã dạy cho hơn 70 em (đa phần các em đều ở độ tuổi 15 - 16 tuổi, số ít 3 - 4 tuổi) và thành lập một đội cồng chiêng để đi biểu diễn tại các lễ hội trong và ngoài tỉnh.

Theo ông Tou Prong Dzung - nhà nghiên cứu về văn hóa và ngôn ngữ Chu Ru (Lâm Đồng), người Chu Ru có nhiều điệu dân vũ như Tamya Ariya, Dam dra, T’rum pô, Păh gơnăng. Tuy nhiên, chỉ có điệu Tamya Arya là nhịp chiêng đồng thời là vũ điệu cơ bản và đặc sắc nhất của người Chu Ru. Vũ điệu Tamya Arya vốn không thể thiếu trong lễ hội và những sự kiện trọng đại suốt cuộc đời mỗi con người, thế nhưng dần dà cũng bị lãng quên.

Thành công lớn nhất của bà là làn điệu Tamya Ariya đã thực sự hồi sinh trong cộng đồng người Chu Ru ở Lâm Đồng
Thành công lớn nhất của bà là làn điệu Tamya Ariya đã thực sự hồi sinh trong cộng đồng người Chu Ru ở Lâm Đồng

Hơn 10 năm qua, với việc lưu giữ các giá trị văn hóa của tộc người Chu Ru, nghệ nhân Tou Neh Ma Bio đã nhận được hàng chục bằng khen của các cấp ngành trong tỉnh và trung ương như: Giải B - Liên hoan Dân ca dân vũ Tây Nguyên lần thứ 3; Giấy khen về độc tấu kèn bầu giai điệu Dam dra do Giám đốc Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng trao tặng; Bằng khen về tiết mục Tamya - Ariya được Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam trao tặng… Nhưng thành công lớn nhất của bà là làn điệu Tamya Ariya đã thực sự hồi sinh trong cộng đồng người Chu Ru ở Lâm Đồng.

Ngọc Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm