Người luôn nghĩ đến trả nợ đời

(Dân trí)- Từ một cậu bé mò cá, bắt kỳ nhông... hai tay không đến nước Nhật, ông đã trở thành một thương nhân thành đạt... Ông thấu hiểu sự đắng cay, thua thiệt của những người thất học, bởi vậy, giờ đây ông muốn làm một cái gì đó để giúp các em được học.

Đầu xuân Nhâm thìn, trong cuộc giao lưu giữa vị tỷ phú người Thái Lan Vikrom Kromadit- người sáng lập tập đoàn AMata với sinh viên Trường ĐH Quốc gia Hà Nội, tôi may mắn được nhà tỷ phú tự tay ký và mang đến tặng hai cuốn sách tự truyện "Tay không gây dựng cơ đồ " và "Nghiệt ngã - thành công" trong đó cuốn “Tay không gây dưng cơ đồ” là một trong những cuốn sách bán chạy ở Thái Lan.

Cầm cuốn sách trong tay, tôi cứ mường tượng, ước ao rằng giá như tôi có thời gian hoặc có ai đó giúp cho một thương gia gốc Việt đang thành danh trên đất Nhật là Ngô Hùng Lâm cũng có một cuốn sách như vậy.

Vì với tôi, từ khi được gặp ông Ngô Hùng Lâm và được chứng kiến những cơ sở kinh doanh của ông giữa đại thương trường Tokyo, hình như cái tựa sách "Tay không dưng cơ đồ" hoàn toàn đúng với thương gia này cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Thế rồi thật không ngờ chỉ 3 tháng sau tôi nhận được thư anh Nguyễn Phú Bình- Đại sứ Việt Nam tại Nhật thông báo đã có bản thảo một cuốn sách đang tìm Nhà xuất bản, tôi không quan tâm đến tác giả là ai, mà tôi nhận ra ngay đây chính là Ngô Hùng Lâm đang tự kể về đời mình từ khi còn là một cậu bé trong gia đình thiếu cha, đông anh em, còn nhỏ tuổi đã phải cáng đáng công viêc gia đình, chăn bò cắt cỏ, mò cá bắt kỳ nhông , đào vỏ đạn nguy hiểm đến nỗi có lần suýt đổi cả tính mạng mà vẫn ăn không đủ no, vẫn phải bỏ học…
 
Cuốn sách Chinh phục đỉnh Phú Sĩ là cuốn tự truyện về cuộc đời
Cuốn sách Chinh phục đỉnh Phú Sĩ là cuốn tự truyện về cuộc đời
doanh nhân Ngô Hùng Lâm do Quách Đức Anh chắp bút.

Ngô Hùng Lâm đã có một khởi điểm nhiều khốn khổ...

Giữa trưa hè nóng bỏng năm nay, nằm trong phòng máy lạnh ở Sunny resort Vũng tàu đọc ngay trang mở đầu câu chuyện đã thấy hiển hiện tuổi thơ dữ dội của anh em Ngô Hùng Lâm sống chui rúc dưới những mái tôn hầm hập 38-40độ năm mươi năm trước.

Ký ức của cậu bé hơn 10 tuổi về độ nóng đến mức nếu có quả trứng đặt lên mái nhà, trứng sẽ chín, đã làm cho tôi mỗi lần ăn buffet sáng, đi qua cái rổ trứng lại nhớ đến Lâm! Cứ nghĩ là nóng đến vậy, nhưng làm gì có tiền để mua trứng mà… thử nghiệm.

Tôi cũng từng trèo lên đồi Thánh giá Vũng Tàu mà hướng tìm những khu rừng Lâm từng đi bắt kỳ nhông, những đồi cát gia đình Lâm đi đào vỏ đạn năm xưa, bây giờ ở những nơi ấy nhà hàng, sân Golf, resort đã mọc lên như nấm, nhưng vẫn chưa thể xóa hết những gì khốn khổ một thời.

Theo chân những người vượt biển, suốt 14 ngày lênh đênh không một hạt cơm, không có môt thứ gì trong người có thể đổi nổi một ca nước uống, vậy mà cậu bé Lâm có thể cầm cự đến được Malaysia và rồi đến được nước Nhật để bắt đầu một hành trình quyết tâm làm giàu.

Vậy cái gì đã giúp một con người chỉ có hai bàn tay trắng làm giàu được trên một đất nước có trình độ kinh doanh, luật pháp, trật tự, tổ chức xã hội rất cao?

Gan làm giàu!

Từ lâu ta thương nghe câu "Có chí làm quan, có gan làm giàu". Gan làm giàu ở Ngô Hùng Lâm được thể hiện một cách hết sức cụ thể và liên tục gần như xuyên suốt cuộc đời lập thân, lập nghiệp của ông. Gan làm giàu bắt đầu bằng làm những việc gì mà người ta cho là khó, những việc người khác không dám làm. 10 tuổi đi bắt kỳ nhông, đi đào vỏ đạn, vượt biển sang Malaysia… Khi người ta ngồi trong trại tị nạn, giơ tay nhận phần cấp phát để sống, ông Lâm một mình tập trèo dừa hái quả- một công việc ở đó không ai dám làm. Rồi, Lâm ngụp lặn bắt cá, tìm cách đóng thuyền ra biển đánh cá để có tiền. Cái gan làm giàu ấy cứ ngày một nhân lên khi đến Nhật.
 
Ở độ cao này, tác giả bài viết đã tìm về thời thơ ấu gian khổ của
Ở độ cao này, tác giả bài viết đã tìm về thời thơ ấu gian khổ của
Ngô Hùng Lâm.

Có gan nhưng không có kiến thức, khó có thể làm giàu. Vậy mà, xuất phát điểm trình độ học vấn của Lâm rất thấp, ông mới chỉ học được hết lớp 6, bởi vậy, khát khao học tập luôn cháy bỏng trong con người này.

Khát khao được học

Ở cái tuổi lẽ nhiều người được ngồi trên giảng đường đại học, ông Lâm bắt đầu đi học với một thứ tiếng xa lạ với mình. Ông Lâm học ở trường, học với cô giáo dạy thêm, học nghề xây dựng, học lái xe, học kinh doanh… Ông đi học không chỉ đổ mồ hôi sôi nước mắt mà còn đổ cả máu. Khi được học, ông không chỉ học những kiến thức thầy dạy mà học cả cái cách thầy dạy, cái cách quản lý của cả một đơn vị tổ chức sản xuất, kinh doanh... đó là học cách làm giàu, và học cả cách làm người trong một xã hội xa lạ để nhanh chóng hoà nhập.

Ông thấu hiểu cái đắng cay, thua thiệt của những người thất học, bởi vậy, giờ đây ông muốn làm một cái gì đó để giúp các em được học. Đã có lần ông bày tỏ cùng tôi muốn giúp một vùng khó khăn xây một ngôi trường. Tôi nói, giúp xây trường là tốt, nhưng có lẽ vấn đề trường lớp là vấn đề chung của cả một địa phương không phải là vấn đề riêng của người nghèo, tôi đang muốn ông giúp cho những trường hợp cấp bách hơn, mà cơ chế chính sách chưa thể với tới.

Trả nợ đời!

Cuốn sách "Chinh phục đỉnh Phú Sĩ" không là truyện đời, không phải là tiểu thuyết, chỉ là những lời tự sự kể về cuộc đời của một con người rất thật. Không dàn dựng, không thủ pháp văn chương, ấy vậy nhưng người đọc có những lúc hết sức hồi hộp vì có những nút thắt cuộc đời tưởng chừng như không thể vươt qua.
 
Ngô Hùng Lâm (giữa) cắt băng khánh thành một siêu thị hoa tại Nhật.
Vợ chồng Ngô Hùng Lâm và đại sứ Nguyễn Phú Bình (giữa) cùng cắt băng
khánh thành một siêu thị hoa tại Nhật.
 
Ông Lâm cho đó là nhờ nhiều người đã giang tay cứu ông, như một người vô danh đã cho ông chai nước trong ngày thứ 9 , như bác sĩ Yamahamoto giúp ông trong bệnh viện Malaysia, rồi gia đình bố mẹ nuôi đón ông về nước Nhật, và cả một cô Tấm giấu cha mẹ mỗi ngày cho ông một ngàn yên để đi học rồi sau này lại có một vị giám đốc Yamahomoto cũng có tấm lòng như bác sĩ Yamahomoto… Và có thể kể ra nhiều hơn nữa những người đã từng cứu độ ông.

Phải chăng đó là điều luôn luôn thôi thúc ông, giờ đây lúc nào ông cũng mong được làm việc gì đó để trả nợ đời. Bởi vậy, ta thấy ông đến với bà cụ bán rau, ông lão bơm xe, những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ trong đêm trên đường phố.... Khi gặp ông trên đất Nhật, tôi chưa hề biết điều này.

Bởi vậy, tôi rất ngạc nhiên khi ông biết tôi là nhà báo"dân trí", ông tỏ ý xin được đóng góp một vài viên đá để xây cầu cho những đứa trẻ ở xã Thương Hoá miền tây Quảng Bình. Nói là làm và ngay sau đó, ông đá gửi ngay một số tiền 100 triệu đồng nhờ Đại sứ Nguyễn Phú Bình chuyển về Dân trí. Làm viêc nhân nghĩa, bằng chính đồng tiền mà mình chắt chiu được và con cái ông cũng làm điều đó, ngay tháng lương đầu tiên của cậu con trai đi làm cũng đã dành 10% để " trả nợ đời" đó là đạo lý, là lẽ sống!

Quách Đức Anh là một sinh viên nghiên cứu giáo dục học"mê" cuộc đời của một doanh nhân, đã hết tuần này đến tuần khác đến nghe kể và chép lại. Bằng lối văn chương không màu mè, không tô vẽ, không dàn dựng, chính cái chất mộc ấy sẽ làm cho người đọc đến với cuốn sách bằng lòng tin và sự say mê muốn tìm hiểu về một điều mà bao người tưởng chừng như không thể làm được: làm giàu từ hai bàn tay trắng ngay trên kinh đô một nền kinh tế hùng mạnh hàng đầu thế giới.

 
Nguyễn Lương Phán

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm