Người làm quản lý văn hóa còn thiếu hiểu biết về di sản

(Dân trí) – “Người làm công tác quản lý di sản mà vốn kiến thức, hiểu biết về di sản lại quá hạn chế thì không thể nào tiến hành bảo tồn và phát huy giá trị của những di sản được” - Giáo sư Trần Lâm Biền phát biểu.

Những vấn đề nổi cộm trong công tác quản lý và bảo tồn giá trị di tích lịch sử quốc gia đã được lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các sở Văn hóa của 63 tỉnh thành trong cả nước đưa ra bàn thảo tại Hội thảo trực tuyến “Nâng cao chất lượng công tác quản lý và phát huy giá trị di tích” ở 03 điểm cầu là Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh vào sáng 11/6/2013.

Hội nghị có sự tham dự của đại diện 63 Sở VHTTDL trên khắp cả nước, Phòng Quản lý di sản thuộc Sở VHTTDL hoặc Ban Quản lý di tích, Bảo tàng tỉnh, Trung tâm quản lý di sản thế giới…
 
Người làm quản lý văn hóa còn thiếu hiểu biết về di sản
Cán bộ quản lý văn hóa còn thiếu hiểu biết về di sản- đây là lý do dẫn đến những dự án trùng tu di sản trở thành... "thảm họa" gây bất bình trong dư luận.

Nội dung hội nghị đã tập trung trao đổi, thảo luận về 4 nhóm vấn đề chính: Đội ngũ quản lý di tích và nguyên nhân dẫn đến sự buông lỏng quản lý di tích; Xung quanh mô hình quản lý di tích; Xung quanh việc ứng xử di tích; Cảnh quan, môi trường, bảo tồn và phát triển di tích.

Trong thời gian qua, công tác quản lý và phát huy giá trị di tích trên địa bàn cả nước đã đạt được nhiều kết quả nhất định, song cũng nảy sinh nhiều vấn đề bất cập về mô hình quản lý di tích; việc bày trí trong di tích vô cùng đa dạng và phức tạp; lối sống, nếp nghĩa, thái độ ứng xử của một bộ phận người dân đối với di tích và hành vi của họ trong sinh hoạt lễ hội, tín ngưỡng tại di tích còn nhiều điểm chưa phù hợp.

Giáo sư Trần Lâm Biền nhấn mạnh “Nhiều người cho rằng việc tu bổ di tích càng to, càng khác biệt càng tốt, như vậy chẳng khác nào là tu bổ nhà cửa, tu bổ di tích mà như tu bổ nhà cửa là không được. Hiện nay có những di tích bị thay đổi đến 70% so với ban đầu, như chùa Trăm Gian ở Hà Nội…”
 
Người làm quản lý văn hóa còn thiếu hiểu biết về di sản

Cũng tại hội thảo, Giáo sư Lưu Trần Tiêu nhận định “Muốn làm tốt công tác bảo tồn di tích lịch sử văn hóa không thể thiếu công tác thanh, kiểm tra thường xuyên. Những nhà quản lý cần thành lập những ban, ngành để thường xuyên thanh tra các điểm di tích từ cấp xã, huyện trở lên. Công tác kiểm tra, thanh tra cần được tiến hành nghiêm ngặt từ những khâu đầu tiên của việc tu bổ, sau đó là theo sát công tác thiết kế và thi công tu bổ di tích”.

Ông Đặng Văn Bài, phó chủ tịch hội đồng di sản quốc gia nhận định, “Trong công tác tu bổ di tích, cần có sự tham gia của nhân dân, tuy nhiên không thể để cho dân tu bổ tùy thích, vì vậy, khi tu bổ di tích, các cấp quản lý cần theo dõi sát sao tiến độ công trình”.
 
Làm thế nào để bảo tồn di sản đạt hiệu quả?
Làm thế nào để bảo tồn di sản đạt hiệu quả?
 
 
Tổng kết hội nghị, bà Đặng Thị Bích Liên, thứ trưởng bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đánh giá “Hội nghị đã tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, cơ bản là đạt được mục tiêu, nội dung đã đặt ra. Hội nghị đã có 16 đại biểu, nêu bật được 52 vấn đề, tập trung vào vấn đề trọng tâm là “Nâng cao chất lượng công tác quản lý và phát huy giá trị di tích” . Bên cạnh đó những nhà khoa học, các nhà chuyên môn cũng nêu lên được những kinh nghiệm tích lũy có thể áp dụng vào thực tiễn, sao cho việc tu bổ và bảo tồn di tích, di sản đạt hiệu quả trong tương lai.

Thiên Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm