Người kể sử thi Tây Nguyên qua tượng gỗ

Dân trí

(Dân trí) - Hơn 20 năm gắn đời mình với nghề tạc tượng, anh Y Ser Bkrông vẫn đang hằng ngày góp phần gìn giữ văn hóa cộng đồng người Ê Đê qua từng khúc gỗ.

Bén duyên với nghề

Chúng tôi tìm về buôn Tơng Jú vào những ngày nắng cuối mùa. Con đường dẫn vào nhà anh Y Ser Bkrông (SN 1985, trú tại buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) nay được tô điểm bằng những bức tường tranh bích họa của buôn.

Ở một góc căn nhà sàn, anh Y Ser đang tỉ mỉ chạm trổ bức tượng làm từ gỗ cây muồng có kích thước ngang một đứa trẻ lên mười. Đã như thế đều đặn hơn 20 năm nay, công việc tạc tượng đã gắn liền với anh từ ngày này qua ngày nọ.

Người kể sử thi Tây Nguyên qua tượng gỗ - 1

Anh Y Ser đang hoàn thiện một tác phẩm (Ảnh: Văn Trực).

Anh cho biết ngay từ nhỏ, mỗi khi thấy ông ngoại đẽo những khúc cây để ra những cái chày, cái cối phục vụ cho đời sống sinh hoạt, anh đã cảm thấy tò mò. Năm 2002, ở độ tuổi 17, Y Ser cũng tập tành lên rừng kiếm gỗ rồi đục đẽo, chạm trổ, sau dần thích công việc này từ lúc nào không hay.

Thời gian đầu, do tay nghề còn yếu nên nhiều cái bị hư, bị lỗi nhưng không vì thế mà Y Ser bỏ cuộc. Anh tìm đến các nghệ nhân gạo cội trong nghề để học hỏi kinh nghiệm. Từ đó trở đi, những khúc gỗ qua tay Y Ser cứ dần nên hình nên dáng.

Những bức tượng của Y Ser với đầy đủ hình dáng, kích thước. Song đều lấy ý tưởng từ nét văn hóa của người đồng bào Ê Đê. Từ cảnh sinh hoạt thường ngày, cho đến những sử thi Đăm Săn, Khinh Dú... hay những bức tượng nhà mồ.

Người kể sử thi Tây Nguyên qua tượng gỗ - 2

Tác phẩm "Bốn anh em" được anh Y Ser lấy cảm hứng từ chính gia đình mình (Ảnh: Văn Trực).

"Mấy tượng này ban đầu không có hình mẫu sẵn của nó. Tôi vừa làm vừa nghĩ, bắt nguồn từ trong đời sống sinh hoạt thường ngày của mình. Từ hình tượng nhà mồ cho đến tượng vợ chồng dìu nhau lên rẫy hay hình ảnh Đăm Săn dũng mãnh, ông già uống rượu cần. Tất cả là đều bắt nguồn từ nét văn hóa của người Ê Đê, mình muốn gìn giữ cái văn hóa đó qua những tác phẩm này", Y Ser tâm sự.

Trong quá trình tạc tượng, điều khó khăn nhất theo Y Ser chính là làm sao cho bức tượng theo ý muốn. Vì bản thân từng bức tượng khi được làm đều không theo một khuôn mẫu nhất định mà là từ sự tưởng tượng của anh. Để làm được một bức tượng vừa có sự thẩm mỹ lại mang được cái hồn trong đó thì cần sự tập trung nhất định.

Người kể sử thi Tây Nguyên qua tượng gỗ - 3

Những tác phẩm được Y Ser trưng bày tại nhà (Ảnh: Văn Trực).

"Tùy vào kích cỡ, chất gỗ và họa tiết trên tượng mà thời gian làm lâu hay mau. Ngắn nhất là 2 ngày, cũng có trường hợp bức tượng đẽo cả tháng trời do kích cỡ bức tượng lớn và nhiều chi tiết phức tạp", anh Y Ser nói.

Ngoài những tác phẩm để trưng bày, Y Ser còn tham gia các cuộc thi tạc tượng. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến cuộc thi tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên ở khu Du lịch sinh thái Văn hóa cộng đồng Kotam được tổ chức năm 2015. Tại đây, anh đã đạt giải Nhì với tác phẩm "Đôi chân trần".

Tiếp đến, năm 2017 anh tiếp tục tham gia cuộc thi tạc tượng gỗ dân gian và dành giải khuyến khích với tác phẩm "Tâm tư già làng".

Kết hợp cùng du lịch

Ngoài làm những sản phẩm tại nhà, Y Ser cũng được những đơn vị du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk mời tạc tượng cho những khu du lịch hoặc các nhà văn hóa cộng đồng. Trong số đó, tiêu biểu có khu Du lịch sinh thái Văn hóa cộng đồng Kotam hay Thác Bảy Nhánh tại huyện Buôn Đôn.

Cùng với đó, tại gia đình anh Y Ser, khách du lịch sẽ được trải nghiệm không gian văn hóa của người Ê Đê qua việc lưu trú và sinh hoạt tại nhà sàn; thưởng thức ẩm thực bản địa với canh cà đắng, canh chua kiến vàng...

Người kể sử thi Tây Nguyên qua tượng gỗ - 4

Những tác phẩm được Y Ser trưng bày tại nhà (Ảnh: Văn Trực).

"Bản thân mình là người Ê Đê nên mình rất yêu văn hóa của dân tộc mình. Từ đó mình kết hợp làm du lịch với văn hóa bản địa bằng cách làm homestay nhà sàn, kết hợp trưng bày tượng gỗ dân gian. Du khách đến đây sẽ được trải nghiệm không gian văn hóa, hiểu hơn và yêu hơn cái văn hóa của người Ê Đê", Y Ser tâm sự.

Văn Trực