Người đàn ông "bỏ phố về quê", dành trọn tình yêu cho hạt cà phê Sơn La

Trường Thịnh Hà Hiền

(Dân trí) - Không lựa chọn cho mình con đường bằng phẳng, dễ đi, ông Cường quyết định rời Thủ đô lên Sơn La cùng người dân xây dựng vùng trồng cà phê bền vững, xuất khẩu sang nhiều nước khó tính trên thế giới.

Vượt qua cung đường đèo uốn lượn, chúng tôi đến Sơn La vào một ngày giữa tháng 3, hàng cây hoa ban của vùng Tây Bắc khoe sắc trắng phủ kín các con đường, những đồi cà phê vừa kết thúc vụ thu hoạch được người dân chăm bón xanh mướt.

Chúng tôi dừng chân tại nhà máy chế biến cà phê nhân nằm ở phường Quyết Tâm, thành phố Sơn La để gặp gỡ một người đàn ông đặc biệt. Đó là ông Nguyễn Thái Cường, người đã quyết định rời phố thị phồn hoa để đến những bản làng trồng cà phê của người dân tộc Thái, góp phần giúp những người nông dân đổi đời từ hạt cà phê trên chính quê hương của mình.

Chuyến đi thay đổi cuộc đời

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, ông Nguyễn Thái Cường (sinh năm 1973) lập gia đình và gắn bó với hạt cà phê từ việc mở cửa hàng cà phê tại nhà, sau đó ông nhượng lại quán cho anh trai rồi trở thành nhân viên đi giao cà phê cho các cửa hàng.

Cơ duyên đã đưa những con người có cùng đam mê gặp nhau, ông Cường đã gặp bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê Minh Tiến. Có sẵn tình yêu với hạt cà phê, ông Cường nhận lời lên Sơn La cùng ông Nguyễn Hồng Tiến (chồng bà Minh) để tìm hiểu về vùng trồng cà phê ở đây.

"Năm 2003, lần đầu tiên tôi được đặt chân đến Sơn La, tôi cùng anh Tiến đi xe máy 7-8 tiếng mới đến nơi", ông Cường nhớ lại.

Người đàn ông bỏ phố về quê, dành trọn tình yêu cho hạt cà phê Sơn La - 1
Ông Nguyễn Thái Cường, Giám đốc xưởng sản xuất tại Sơn La của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê Minh Tiến.

Lần đầu tiên được tận mắt nhìn ngắm, tìm hiểu về toàn bộ những công đoạn trồng trọt, thu hái, chế biến hạt cà phê, ông Cường có một sự thích thú đặc biệt, bởi đó là những kiến thức mà ông đang muốn tìm hiểu, trau dồi.

Sau nhiều lần đi cùng ông Tiến, rồi 1 mình trở lại Sơn La, ông Cường bắt đầu thấy yêu mảnh đất này. Có được sự động viên, tin tưởng và gửi trọn niềm tin của Ban lãnh đạo công ty, chàng trai Hà Nội đã quyết định rời xa vợ con để lên Sơn La, khi đó con gái út của ông mới được 2 tuổi.

Dẫn chúng tôi đi giữa những đồi cà phê ở Chiềng Ban (Mai Sơn, Sơn La), ông Cường nói: "Ngay tại nơi này, gần 20 năm về trước đều là đường đất. Người dân phải lắp xích vào bánh xe để chuyển cà phê từ trên đồi xuống, giờ thì xe máy chạy băng băng rồi".

Người đàn ông bỏ phố về quê, dành trọn tình yêu cho hạt cà phê Sơn La - 2
Cây cà phê Arabica phủ xanh núi đồi Sơn La.

Ông Cường không giấu nổi tự hào khi nhắc đến động lực lớn nhất thôi thúc ông quyết định rời Hà Nội lên Sơn La: "Cà phê Minh Tiến có câu khẩu hiệu "Minh Tiến là một nhà", không phân biệt lãnh đạo hay nhân viên. Mọi người sống rất tình cảm, giúp đỡ, tạo điều kiện để ai cũng có cơ hội phát triển".

Sau gần 20 năm gắn bó với Minh Tien Coffee và vùng nguyên liệu Sơn La, ông Cường từ một nhân viên bán cà phê trở thành Giám đốc xưởng sản xuất tại Sơn La của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê Minh Tiến (Minh Tien Coffee).

"Kề vai sát cánh" cùng người dân ở Sơn La

Nhớ lại những ngày đầu mới đến bản, ông Cường cho biết, người Sơn La trồng chủ yếu giống cà phê Arabica. Họ trồng cà phê thành các hàng thẳng song song và để cà phê phát triển tự nhiên, cây cà phê cao trên 2m, tốt sum suê nhưng cho năng suất rất thấp.

Được đội ngũ lãnh đạo Minh Tien Coffee truyền đạt kiến thức về kỹ thuật canh tác khoa học, bền vững, ông Cường tiếp thu và đến tận đồi cà phê hướng dẫn người dân trồng theo phương pháp chân chim, bấm cành, tạo tán, để cây cà phê chỉ cao khoảng 1m6.

Cùng với đó, ông tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong trồng cà phê, như vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật phải bỏ đúng nơi quy định, nước thải và vỏ quả cà phê từ công đoạn chế biến ướt phải có hố chứa, không thải trực tiếp ra môi trường.

Người đàn ông bỏ phố về quê, dành trọn tình yêu cho hạt cà phê Sơn La - 3
Ông Cường luôn nhiệt tình hỗ trợ người dân trồng cà phê từ kỹ thuật canh tác đến thu hái, sơ chế.

Ông cũng kêu gọi, tạo niềm tin để mọi người hợp tác, ký cam kết với Minh Tien Coffee trồng cà phê đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu, đồng thời Minh Tien Coffee cam kết đầu ra cho người dân, tránh thực trạng được mùa mất giá.

Hiệu quả rõ rệt được ghi nhận, người dân cho biết, sau khi áp dụng biện pháp trồng chân chim, bấm cành, tạo tán, cây cà phê cho năng suất gấp 3-4 lần so với để phát triển tự nhiên. Cây thấp nên dễ dàng cho quá trình thu hái và chăm bón. Đặc biệt, hạt cà phê Sơn La từ "vô danh" dần dần đã "ghi dấu" tại những nước khó tính nhất trên thế giới như: Đức, Mỹ, Nhật…

Sinh ra và lớn lên ở thành phố, ông Cường gặp vô vàn khó khăn khi vừa phải thích nghi với cuộc sống của núi rừng Tây Bắc, vừa phải không ngừng trau dồi, tìm mọi cách để hỗ trợ người dân và chung tay cùng với đội ngũ của Minh Tien Coffee nâng tầm giá trị nguyên bản của hạt cà phê ở Sơn La.

Khó khăn là vậy, nhưng người đàn ông gốc Hà Nội chưa lúc nào nản lòng, giọng ông như lạc đi khi kể về những khó khăn đã trải qua: "Ngày xưa chưa có máy móc hiện đại, cà phê nhân phải bỏ vào bao, đập xuống đất cho vỏ lụa tách ra, rồi sàng sảy để lấy hạt.

Vào bản mua cà phê của người dân, họ không có sàng, tôi phải sàng bằng mâm để tách hạt khỏi vỏ, nhiều lúc bất lực, tôi dùng miệng thổi vỏ và nhặt hạt cà phê bằng tay. Người dân ở bản làm nửa phút được một mẻ, nhưng tôi phải làm nửa tiếng mới xong".

Làm nhiều thành quen, ông thành thục hết tất cả công đoạn chế biến cà phê theo phương pháp thủ công của người dân khi chưa có máy móc hiện đại.

Gần 20 năm dành trọn tình yêu cho hạt cà phê Sơn La, đó cũng là hành trình mà Minh Tien Coffee phát triển, theo đuổi khát vọng "Nâng tầm giá trị nguyên bản của hạt cà phê".

Người đàn ông bỏ phố về quê, dành trọn tình yêu cho hạt cà phê Sơn La - 4
Minh Tien Coffee giờ đây đã có một chỗ đứng vững chắc trong lòng người dân ở vùng trồng Sơn La.

Hơn 3000 nông hộ đã ký kết hợp tác với Minh Tien Coffee trồng cà phê theo tiêu chuẩn 4C và UTZ, phát triển cà phê bền vững dựa trên các yếu tố: Kinh tế, xã hội và môi trường.

Bên cạnh đó, Minh Tien Coffee còn xây dựng nhà máy chế biến quả tươi, chế biến cà phê nhân sử dụng máy móc, công nghệ hiện đại được đặt tại Chiềng Xôm và thành phố Sơn La.

May mắn vì có hậu phương vững chắc

Đằng sau những thành tựu nói trên, không thể không kể đến công sức, sự hy sinh của ông Nguyễn Thái Cường, người "thuyền trưởng" đầy nhiệt huyết tại vùng nguyên liệu Sơn La của Minh Tien Coffee.

"Khi quyết tâm rời Hà Nội, xa vợ con lên Sơn La làm việc, tôi vô cùng cảm động vì Minh Tien Coffee rất quan tâm đến hậu phương của tôi. Chị Minh tìm trường học cho con tôi, động viên vợ tôi và bù đắp bằng nhiều cách để tôi yên tâm ở Sơn La công tác", Ông Cường xúc động nhớ lại.

Người đàn ông bỏ phố về quê, dành trọn tình yêu cho hạt cà phê Sơn La - 5
Ông Cường đã có gần 20 năm gắn bó với hạt cà phê Arabica Sơn La.

Ban đầu, vợ ông cũng có chút đắn đo với quyết định của chồng, nhưng dần dần thông cảm, ủng hộ và động viên chồng. Khoảng thời gian đầu, ông Cường về thăm vợ con hàng tháng, nhưng vào vụ thu hoạch cà phê có thể 3-4 tháng mới về một lần.

"Các con tôi cũng rất hiểu công việc của bố nên rất thương bố. Đặc biệt, tôi luôn cảm thấy may mắn vì có người vợ tuyệt vời, suốt gần 20 năm qua, vợ tôi vừa làm mẹ vừa thay tôi làm tròn vai trò của một người cha lo lắng công việc của gia đình, chăm sóc bảo ban hai con", ông Cường rưng rưng nói.

Người đàn ông bỏ phố về quê, dành trọn tình yêu cho hạt cà phê Sơn La - 6
"Tôi luôn cảm thấy may mắn vì có hậu phương vững chắc", ông Cường nói.

Gần 20 năm là một hành trình dài cùng với nhiều dấu mốc đáng nhớ của ông Cường khi quyết định đến với Sơn La, người đàn ông với làn da rám nắng, nụ cười tươi vẫn khiêm tốn nhận "đóng góp của tôi nhỏ bé thôi".

Ông nói: "Hành trình đó kể lại thì rất dài nhưng với tôi nó vẫn như một giấc mơ vậy, phía trước tôi vẫn còn nhiều công việc, kế hoạch cần thực hiện để đóng góp một chút bé nhỏ đưa cà phê Việt Nam nói chung và Minh Tien Coffee nói riêng lên một tầm cao mới".