Ngoài 70, NSND Lệ Thủy và NSƯT Minh Vương ngọt ngào khi song ca
(Dân trí) - Tiết mục song ca bài vọng cổ “Bánh bông lan” của NSND Lệ Thủy và NSƯT Minh Vương sau 60 năm vẫn khiến nhiều khán giả thích thú. Cả hai nghệ sĩ gạo cội đã có màn trình diễn sinh động, dung dị và cách thể hiện hết sức hài hước trong đêm kỷ niệm 100 năm cải lương.
Tối ngày 13/1, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TP.HCM đã tổ chức Chương trình Giao lưu, tôn vinh và biểu diễn kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương. Đêm diễn đầu tiên đã thu hút hàng ngàn khán giả đến tham dự và theo dõi.
Chương trình có sự góp mặt của hơn 400 nghệ sĩ, nhạc công nhiều thế hệ. Ban tổ chức cũng đã mời các nghệ sĩ lão thành, NSND, NSƯT, các soạn giả gạo cội đến xem chương trình như nghệ sĩ Kim Cương, Phi Điểu, Thanh Nguyệt, Quốc Nhĩ, Kiều Mai Lý, Phú Quý, Nam Hùng, Tô Kim Hồng, soạn giả Đăng Minh, Ngô Hồng Khanh, nhạc sĩ Khải Hoàn...
Bài vọng cổ này đã được cả hai nghệ sĩ thể hiện từ cách đây 60 năm, nhưng cho đến nay vẫn luôn đón nhận được tình cảm và sự yêu thương của khán giả. Màn trình diễn sinh động, dí dỏm bài ca đã đi vào lòng hàng triệu khán giả mê mệt cải lương với lối hát chân chất, dung dị cùng cách thể hiện hết sức hài hước.
Ngoài 70, NSND Lệ Thủy và NSƯT Minh Vương vẫn ngọt ngào khi song ca
Ngoài phần song ca, nghệ sĩ Minh Vương, Lệ Thủy còn có sự kết hợp trong tiết mục mở màn bằng tổ khúc ca múa nhạc “Vọng trăng xưa” với trích đoạn "Lấp sông Gianh".
Vở "Lấp sông Gianh" nói lên khát vọng độc lập của dân tộc trong phần mở màn tái hiện một chặng đường phát triển trong cổ nhạc với sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ Ngọc Giàu, Thanh Tuấn, Thanh Kim Huệ, Thanh Điền, Hồng Nga, Thoại Miêu, Trọng Hữu, Tuấn Thanh, Minh Vương, Lệ Thủy...
Điểm nhấn trong chương trình là phần tái hiện hình ảnh cố nghệ sĩ Thanh Nga qua vở "Thái hậu Dương Vân Nga".
Ba nghệ sĩ Thoại Mỹ, Phượng Loan, Ngọc Giàu lần lượt thể hiện các trích đoạn đáng nhớ trong tác phẩm.
Vở "Thái hậu Dương Vân Nga" ra mắt năm 1977 tại đoàn cải lương Thanh Minh -Thanh Nga (tác giả Hoa Phượng - Chi Lăng - Hoàng Việt - Thể Hà Vân, phỏng theo kịch bản chèo của Trúc Đường, đạo diễn Chi Lăng). Đây là vở cuối của Thanh Nga trước khi qua đời năm 1978. Thời điểm đó, nhiều đoàn cải lương dựng lại vở Dương Vân Nga để tưởng niệm bà.
Nghệ sĩ Thanh Tuấn, Thoại Miêu trong đêm diễn
Nghệ sĩ trẻ ở các đoàn tỉnh như Đồng Nai, Bến Tre, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Tây Ninh, Cà Mau và nhà hát cải lương Việt Nam cùng các bé ở nhóm Bầu trời xanh cũng có dịp hòa chung trong một tiết mục để trình diện với khán giả một lớp nghệ sĩ kế thừa, người sẽ giữ tiếp ngọn lửa của sân khấu cải lương sau 100 năm.
Tối ngày 14/1, chương trình 100 năm cải lương tiếp tục biểu diễn thêm 1 đêm để phục vụ khán giả.
Băng Châu
Ảnh: BTC