Ngỡ ngàng trước căn phòng "đầy ký ức" về cố nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh
(Dân trí) - Mới đây, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp được cháu ruột nhà thơ Lưu Quang Vũ đưa đến thăm căn phòng chỉ vỏn vẹn 6m vuông ở phố Huế (Hà Nội), nơi sinh thời nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh cùng con trai Lưu Quỳnh Thơ sinh sống.
Theo đạo diễn “Đập cánh giữa không trung”, mục đích ban đầu của chuyến đi này là muốn nhân dịp sinh nhật nhà thơ - nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, chị sẽ làm một ngày thơ để những người yêu mến thơ ông đến cùng đọc thơ, nhắc nhớ về ông. Và trong không gian thơ đó, sẽ có một góc thơ tái hiện lại những gì gắn bó với cuộc đời thơ Lưu Quang Vũ.
Tuy nhiên, do không biết phải bày trí không gian thơ đó ra sao nên Nguyễn Hoàng Điệp đã liên hệ với gia đình để được đến ngôi nhà gắn với vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh “tận mục sở thị”. Trước khi đi, PGS.TS Lưu Khánh Thơ – em gái nhà thơ Lưu Quang Vũ có dặn là căn phòng rất nhỏ bé, chật chội và tối. Vì thế, nếu đến phải mang theo đèn pin hoặc dụng cụ chiếu sáng.
“Chúng tôi đều rất ngạc nhiên không hiểu vì sao dùng đèn điện thoại chụp ảnh mà ảnh vẫn lên rõ ràng được bởi căn phòng quá tối. Khánh Linh (cháu ruột nhà thơ Lưu Quang Vũ – PV) mô tả thiếu, phòng của anh chị, ngoài hai vách tường sách và bàn thờ thì còn có một gác xép.
Một cái gác xép mà chúng tôi không dám trèo lên. Căn nhà đã cắt điện, cắt nước. Phía trên kín và tối như một cái hộp với phần nắp rất thấp.
Tôi chụp rất cẩn thận và nhanh. Một bạn đi cùng giúp tôi thắp một cây nến lên để lấy ánh sáng. Vừa chụp tôi vừa nghĩ là phải có cách gì phục dựng lại căn phòng này. Mối mọt đang ăn những cuốn sách.
Trong căn phòng chỉ rộng vỏn vẹn 6m2 này đầy ắp sách vở và những kỷ vật đã gắn liền với hai tâm hồn thơ - kịch.
Những tư liệu, bằng khen, bức tranh của anh Vũ, hình ảnh của chị Quỳnh, em Mí (tên thường gọi của Lưu Quỳnh Thơ), ảnh ông bà Lưu Quang Thuận, những đồ vật nhỏ xíu xiu… tất cả đều có thể được làm sạch và sắp xếp lại. Cái cửa sổ không mở được, một bức tường của hàng xóm đã chặn luôn nó rồi...
Một lát sau, chúng tôi thắp hương cho anh chị Vũ – Quỳnh và Mí. Vừa khấn tôi vừa quan sát. Tối thật, khi những đèn điện thoại đều úp xuống. Một giấy khen nhà viết kịch Lưu Quang Vũ được dán trên tường, phía dưới và bị lấp là một bằng khen khác với hàng chữ “Điều không thể mất”. Chính giữa và cũng không nguyên vẹn lắm là chứng nhận em Mí được giải một cuộc thi vẽ với ban giám khảo quốc tế”, Nguyễn Hoàng Điệp kể.
Cái gác xép nho nhỏ là nơi mà vợ chồng thi sĩ cùng con trai đặt lưng giữa những ngày đông.
PGS.TS Lưu Khánh Thơ cho biết, vì ngày xưa căn phòng quá nhỏ hẹp nên không có giường. Cả gia đình 3 người, hè thì nằm đất, đông lên gác xép. Ngày xưa, ở giữa phòng có một thảm cói, khi ăn cơm cả gia đình nhà thơ Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh sẽ trải báo lên.
Cả căn phòng ấy có một cái bàn làm việc rất nhỏ. Thường nữ sĩ Xuân Quỳnh ngồi dưới đất, kê giấy lên đùi để sáng tác thơ, nhường bàn cho nhà thơ Lưu Quang Vũ ngồi.
“Tôi mê thơ Lưu Quang Vũ. Tập thơ “Gió và tình yêu” kè kè trong túi bất kể tôi đi đâu. Thậm chí, có một thời gian, cuốn thơ ấy là nơi tôi viết chi chít các dòng không thể giữ trong đầu. Thời non dại, tôi chép thơ anh và khóc suốt những năm tháng ấy. Thơ anh, một cách nào đó, ở bên cạnh và cho tôi một điểm tựa, dù khá mơ hồ.
Những kỷ vật cũ vẫn được giữ nguyên vẹn trong căn phòng này dù người đã đi xa.
Hôm nay, khi đọc những bức thư tay anh Vũ – chị Quỳnh viết cho nhau, trên đủ thứ giấy khác nhau về kích cỡ. Chỉ chung nhau trạng thái đẫm yêu thương và trong trẻo đến tận cùng.
Rồi ngắm ảnh chị Quỳnh, rồi nghe chị Thơ kể chuyện, nghe nỗi áy náy của chị Thơ, làm bất cứ điều gì cho anh Vũ đều muốn có cả chị Quỳnh.
Rồi đọc bản thơ hiếm có mà xưa nay chúng ta vẫn tưởng nó tên là “Thơ ru em ngủ” với tất cả chữ “Em” đều hoá ra là… “Quỳnh” – hiển thị bằng văn bản. Là thủ bút của chính nhà thơ chồng viết rõ ràng tên nhà thơ vợ. Thậm chí có những đoạn, những câu, những từ… chưa từng xuất hiện trong bản được in ra. Là thế đấy, anh Vũ viết thơ ru chị Quỳnh ngủ trong căn phòng rộng 6m2…”, nữ đạo diễn nói thêm.
Đêm thơ mừng sinh nhật nhà thơ Lưu Quang Vũ sẽ được tổ chức vào 19h ngày 17/4 tại “Ơ kìa Hà Nội” (639/39/39 Hoàng Hoa Thám).
Những kỷ vật, những bản thảo thơ và những lá thư viết tay mà vợ chồng thi sĩ viết cho nhau vẫn còn đó.
Những góc ảnh lưu giữ một thời thanh xuân tươi trẻ, hạnh phúc và ấm áp của gia đình cố thí sĩ.
Hà Tùng Long
Ảnh: Nguyễn Hoàng Điệp