Nghệ thuật trong bức tranh 580 tỷ đồng bị cắt, trái chuối 9 tỷ đồng bị ăn

(Dân trí) - Nghệ thuật hiện nay khá... lạ lùng. Họa sĩ cắt tranh khiến tranh tăng giá 20 lần, đạt mức 580 tỷ đồng. Nghệ sĩ ăn trái chuối 9 tỷ đồng và gọi đó là trình diễn nghệ thuật.

Bức tranh tăng giá 20 lần vì được tác giả... cắt nát

Nghệ thuật trong bức tranh 580 tỷ đồng bị cắt, trái chuối 9 tỷ đồng bị ăn - 1

3 năm sau khi sự việc gây sốc diễn ra, bức tranh đã bị cắt lại được đem ra đấu giá lần nữa (Ảnh: The Guardian).

Một tác phẩm của nghệ sĩ graffiti người Anh - Banksy đã bị cắt bằng thiết bị tự động lắp trong khung tranh. Sự việc xảy ra trong một phiên đấu giá cách đây 3 năm, khi ấy, tác phẩm đang được đem ra rao bán trong phiên đấu giá thì bất ngờ hệ thống máy cắt mini lắp trong khung tranh được kích hoạt từ xa một cách bí ẩn, tranh chạy xuống qua máy cắt và bị cắt tới phân nửa tác phẩm.

Tác giả của tác phẩm - Banksy - một nghệ sĩ graffiti người Anh nổi tiếng thế giới nhưng chưa từng lộ diện, đã âm thầm xuất hiện tại phòng đấu giá và kích hoạt từ xa thiết bị cắt mini lắp trong khung tranh.

Giờ đây, 3 năm sau khi sự việc gây sốc diễn ra, bức tranh đã bị cắt lại được đem ra đấu giá lần nữa. Lần này, tranh không bị cắt thêm nữa, không có yếu tố bất thường xảy ra trong phiên đấu giá, mức giá sau cùng trả cho tác phẩm đạt 18,6 triệu bảng (tương đương 580 tỷ đồng).

Phiên đấu giá vừa diễn ra vào thứ 5 tuần qua tại nhà đấu giá Sotheby, London, Anh. Mức giá 18,6 triệu bảng được xem là mức giá kỷ lục trả cho một tác phẩm của Banksy và cao gấp gần 20 lần mức giá từng được trả cho tranh cách đây 3 năm, khi tranh chưa bị... cắt.

Hồi năm 2018, khi bức tranh vừa được rao bán xong với giá 953.839 bảng (hơn 29 tỷ đồng) thì một nửa tranh đã bị cắt thành các vạt giấy nhỏ, giới truyền thông gọi đây là "cú lừa" của Banksy đối với giới sưu tầm nghệ thuật.

Nghệ thuật trong bức tranh 580 tỷ đồng bị cắt, trái chuối 9 tỷ đồng bị ăn - 2

Tác phẩm trước khi bị cắt có tên là "Cô bé và trái bóng bay" (Ảnh: The Guardian).

Tác phẩm trước khi bị cắt có tên là "Cô bé và trái bóng bay", còn tác phẩm sau khi bị cắt được phía đại diện cho nghệ sĩ Banksy gọi một cách hài hước là... "Tình yêu trong sọt rác". Khi bức tranh được đem ra đấu giá mới đây, nhà đấu giá ước tính tác phẩm sẽ chỉ đạt mức giá từ 4 - 6 triệu bảng. Nhưng mức giá xác lập tại phòng đấu giá tăng gấp 4 lần mức ước đoán ban đầu.

Trong một đăng tải trên mạng xã hội hồi năm 2018, nghệ sĩ không bao giờ lộ diện - Banksy đã khẳng định rằng hành động cắt tranh là do chính mình thực hiện, bởi ngay khi thực hiện tác phẩm, đặt vào trong một chiếc khung và đem tặng một người bạn hồi năm 2006, nghệ sĩ đã nghĩ về khả năng tác phẩm này rồi sẽ xuất hiện trên thị trường đấu giá.

Với tư cách một nghệ sĩ đường phố chủ yếu thực hiện các tác phẩm graffiti và không bao giờ có mục đích bán tác phẩm ra thị trường, Banksy đã chuẩn bị một thiết bị cắt tranh mini được kích hoạt tự động, lồng trong khung tranh.

Khi dự đoán của Banksy thành sự thật: tác phẩm được đem ra đấu giá hồi năm 2018, nghệ sĩ đã có mặt tại phòng đấu giá và kích hoạt thiết bị, khiến tranh bị xé ngay tại phòng đấu giá, ngay khi mức giá sau cùng vừa được chốt hạ. Người mua tranh sau đó vẫn quyết định trả tiền và nhận về bức vẽ đã bị cắt tới một nửa. Sự việc khi ấy đã từng gây xôn xao mặt báo quốc tế.

Với quan niệm rằng tác phẩm nghệ thuật nhiều khi trở nên nổi tiếng và đắt giá bởi câu chuyện đi cùng với nó, nhiều chuyên gia đã sớm nhận định rằng, sau hành động cắt tranh của Banksy, một tác phẩm mới đã ra đời và có thể được xem là hiện thân cho một thái độ nghệ thuật, một tuyên ngôn nghệ thuật của người nghệ sĩ.

Nghệ thuật trong bức tranh 580 tỷ đồng bị cắt, trái chuối 9 tỷ đồng bị ăn - 3

Ngay sau khi tranh "Cô bé và trái bóng bay" bị cắt tại phòng đấu giá, giới chuyên gia đã dự báo tranh sẽ còn đắt giá hơn lúc "lành lặn" (Ảnh: The Guardian).

Thực tế, trong kế hoạch ban đầu của Banksy, bức tranh sẽ bị cắt đến hết, nhưng tại phòng đấu giá, sau 12 năm lắp đặt, thiết bị có thể đã gặp trục trặc nên tranh chỉ bị cắt tới một nửa, chính vì thế mà giới chuyên gia cho rằng một tác phẩm mới đã ra đời, chứa đựng những ý niệm nghệ thuật mới.

Ngay sau khi tranh "Cô bé và trái bóng bay" bị cắt tại phòng đấu giá, giới chuyên gia đã dự báo tranh sẽ còn đắt giá hơn lúc "lành lặn". Bởi tác phẩm lúc này đã có thêm một tình tiết giật gân, từng gây chú ý trên khắp các mặt báo. Sau khi thực hiện hành động cắt tranh, Banksy phát đi thông điệp rằng: "Nhu cầu phá hủy tác phẩm cũng là một dạng nhu cầu của sự sáng tạo".

Đây được xem là câu nói đắt giá của người sáng tạo ra tác phẩm, bởi tác phẩm ban đầu thể hiện nhu cầu sáng tạo của người nghệ sĩ, nhưng sau khi bị cắt một nửa, nó còn thể hiện cả nhu cầu phá hủy tác phẩm của người sáng tạo ra nó, bởi Banksy hy vọng rằng tác phẩm của mình sẽ không bị thương mại hóa.

Điều này khiến bức "Tình yêu trong sọt rác" chứa đựng cả những ý niệm nghệ thuật đương đại của một nghệ sĩ graffiti nổi tiếng và bí ẩn.

"Trái chuối 9 tỷ đồng" bị ăn ngon lành, đó là... trình diễn nghệ thuật

Nghệ thuật trong bức tranh 580 tỷ đồng bị cắt, trái chuối 9 tỷ đồng bị ăn - 4

Tác phẩm của nghệ sĩ Maurizio Cattelan (Ảnh: The Guardian).

Hồi tháng 12/2019, giới nghệ thuật quốc tế từng xôn xao với sắp đặt nghệ thuật xoay quanh một trái chuối được dán băng dính gắn lên tường. Đó là tác phẩm của nghệ sĩ người Ý Maurizio Cattelan (hiện 61 tuổi).

Trái chuối ấy được bán lại tới 3 lần tại sự kiện triển lãm nghệ thuật Art Basel Miami (Mỹ) với mức giá dao động từ 120.000 tới 150.000 USD mỗi lần bán. Tổng cộng đã có 390.000 USD (hơn 9 tỷ đồng) được các khách hàng chi trả cho ý tưởng nghệ thuật của ông Maurizio Cattelan.

Theo phía triển lãm, 3 bên mua tác phẩm này của nghệ sĩ Maurizio Cattelan đã không mua một trái chuối cụ thể dán trên tường bằng băng dính mà mua một ý tưởng sắp đặt nghệ thuật.

Đi kèm với các thương vụ mua bán tác phẩm nghệ thuật này là những giấy tờ chứng nhận bản quyền của nghệ sĩ Maurizio Cattelan cùng với những hướng dẫn chi tiết về cách thức sắp đặt nghệ thuật.

Sự xuất hiện của tác phẩm này đã làm dấy lên những tranh luận về việc điều gì làm nên tính nghệ thuật đích thực và tính nghệ thuật ấy có giá trị như thế nào. Trái chuối trưng bày của nghệ sĩ Maurizio Cattelan là một trong những tác phẩm sắp đặt mang đầy tính hài hước của ông, trước đây, ông Maurizio Cattelan còn được biết tới với tác phẩm chiếc toilet mạ vàng.

Nghệ thuật trong bức tranh 580 tỷ đồng bị cắt, trái chuối 9 tỷ đồng bị ăn - 5

Một nghệ sĩ có tên David Datuna khi tới xem triển lãm đã tiến tới bóc quả chuối ra khỏi tường và... ăn nó (Ảnh: The Guardian).

Điều thú vị là trong quá trình trưng bày quả chuối, một nghệ sĩ có tên David Datuna khi tới xem triển lãm đã tiến tới bóc quả chuối ra khỏi tường và... ăn nó. Datuna đã lấy quả chuối ra khỏi tường, lột vỏ và ăn ngon lành trước sự chứng kiến của khách tham quan triển lãm.

15 phút sau màn ăn chuối của ông Datuna, một quả chuối khác đã được đem tới và dán lên tường. Ông Datuna gọi hành động ăn chuối của mình là một màn trình diễn nghệ thuật có tên "Hungry Artist" (Người nghệ sĩ đói bụng). Hành động của ông Datuna được đánh giá là rất táo bạo và hài hước.

Sắp đặt nghệ thuật giá 500 triệu đồng bị vỡ vụn, đó là..."phát triển nghệ thuật"

Nghệ thuật trong bức tranh 580 tỷ đồng bị cắt, trái chuối 9 tỷ đồng bị ăn - 6

Tác phẩm sắp đặt của nghệ sĩ Gabriel Rico (Ảnh: The Guardian).

Hồi tháng 2/2020, nhà phê bình nghệ thuật Avelina Lésper đã vô tình làm vỡ tan tành tác phẩm sắp đặt của nghệ sĩ Gabriel Rico. Tác phẩm trị giá 20.000 USD (tương đương 465 triệu đồng) đã gặp phải tai nạn khi đang được trưng bày tại triển lãm. Sự việc xảy ra tại triển lãm Zona Maco, Mexico City, Mexico.

Nhà phê bình Lésper cho biết cô đã vô tình làm đổ vỡ sắp đặt nghệ thuật của nghệ sĩ Rico khi cô đặt một lon nước ngọt đã uống hết bên cạnh tác phẩm này, nhằm thể hiện sự châm biếm của mình đối với "tác phẩm".

Sắp đặt nghệ thuật này bao gồm một tấm kính, một viên đá, một trái bóng và một số đồ vật ngẫu nhiên khác… được đặt xuyên qua tấm kính. Chính trong khi lại gần tác phẩm, cô Lésper đã khiến tấm kính bị đổ rồi vỡ tan tành.

Sau khi sự việc xảy ra, cô Lésper mới được biết tác phẩm có giá 20.000 USD. Phía triển lãm chịu trách nhiệm trưng bày tác phẩm khi đó đã lên tiếng chỉ trích hành động của cô Lésper, cho rằng đó là sự thiếu chuyên nghiệp.

Nghệ thuật trong bức tranh 580 tỷ đồng bị cắt, trái chuối 9 tỷ đồng bị ăn - 7

Tác phẩm sau khi vỡ tan tành (Ảnh: The Guardian).

Trong khi đó, một số cư dân mạng lại bày tỏ sự ủng hộ đối với nhà phê bình Lésper, họ gọi chính hành động dẫn tới sự việc làm sụp đổ tác phẩm ấy là một trình diễn nghệ thuật, đồng thời họ cũng bày tỏ sự sửng sốt khi một tác phẩm đơn giản như vậy lại có mức giá không tưởng.

Sau sự việc, nhà phê bình nghệ thuật Lésper đề nghị phía triển lãm hãy cứ để tác phẩm vỡ vụn nằm nguyên trên sàn để cho thấy "sự phát triển" của tác phẩm qua thời gian. Khi phía triển lãm từ chối làm theo "ý tưởng" đó, cô lại đề nghị hãy để cô tự mình thực hiện lại tác phẩm bởi cô tin mình có thể làm được một sắp đặt nghệ thuật y hệt mà chẳng khó khăn gì.