Nghệ sĩ Quốc Tuấn, Nhuệ Giang, Thanh Vân nói gì về kết luận thanh tra Hãng phim?

(Dân trí) - Vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận chính thức về quá trình thanh tra công tác cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam. Nhiều nghệ sĩ cảm thấy hài lòng với kết luận này nhưng cũng vẫn còn nhiều trăn trở.

NSƯT Quốc Tuấn: Từ hôm Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam đến nay, tôi thấy anh chị em nghệ sĩ và cán bộ công nhân viên phấn khởi lên hẳn. Tôi cũng nhận được rất nhiều cuộc gọi của anh chị em đồng nghiệp trong lẫn ngoài ngành gọi đến chúc mừng vì mọi người thấy công lý đã được thực thi.

Mặc dù việc thanh tra hơi muộn màng nhưng cũng đã đưa ra được những kết quả đúng với thực tế.

Tuy nhiên, bên cạnh điều mừng cũng có nhiều anh chị em bức xúc là những cá nhân và tập thể gây ra những sai phạm đó sẽ bị xử lý như thế nào thì không thấy đề cập đến. Đáng ra phải nêu tên những người có sai phạm và hình thức xử lý.

NSƯT Quốc Tuấn. Ảnh: Tùng Long.
NSƯT Quốc Tuấn. Ảnh: Tùng Long.

Anh em hãng phim mấy năm nay sống lay lắt, lương bị cắt, bảo hiểm không được đóng, tinh thần đảo lộn... ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho việc đó thì không thấy nói lên. Điều này cũng rất quan trọng chứ không phải Vivaso (Tổng Công ty Vận tải Thủy - nhà đầu tư chiến lược) rút vốn là xong.

Vấn đề ở đây là trong một thời gian dài, nhiều cá nhân đã trực tiếp lẫn gián tiếp gây ra những tổn hại tinh thần và vật chất đối với anh chị em nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam nói riêng và giới điện ảnh nói chung sẽ phải bị xử lý như thế nào. Vì họ mà Hãng phim tan nát, mọi người mệt mỏi, hoang mang... Tất cả mọi người vì muốn giữ lại Hãng phim mà đấu tranh bạc hết cả tóc.

Cả một thời gian vừa rồi không ai làm được việc gì cho nên hồn cả. Việc này đã sai ngay từ đầu nhưng một số đơn vị vẫn không nhận ra cái sai của mình mà vẫn tiếp tục bao che. Việc này mà không có vào cuộc của Thanh tra Chính phủ thì có khi còn kéo dài nữa.

Điều mà chúng tôi mong muốn ở một nhà đầu tư chiến lược mới đó chính là phải có tiềm lực và có tâm với điện ảnh. Có tâm với điện ảnh và nghệ sĩ chính là tiếc cho một “ngôi đền thiêng” của điện ảnh và không muốn để nó lụi tàn một cách đau đớn như thế.

Đạo diễn, NSND Nhuệ Giang: Ngay từ đầu, khi bước vào quá trình cổ phần hoá, chúng tôi đã nhìn thấy những sai phạm ở khâu chọn lựa nhà đầu tư, định giá thương hiệu và thực hiện chế độ chính sách với người lao động... Ngoài ra, còn có nhiều cái không được minh bạch và rõ ràng.

Đạo diễn, NSND Nhuệ Giang.
Đạo diễn, NSND Nhuệ Giang.

Tuy nhiên, với bản kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ như vừa rồi đã chỉ ra mọi thứ rất rõ ràng. Chúng tôi cảm thấy thỏa mãn với những kết luận đó. Nhưng những vấn đề sai phạm nêu ra đó nhất thiết phải được xử lý triệt để nếu không việc thanh tra chẳng có giá trị gì cả.

Thêm vào đó, điều mà chúng tôi quan tâm ở thời điểm này đó là Hãng phim truyện Việt Nam bị “bỏ trôi” rất lâu nên bây giờ chỉ còn lại như một “xác chết” rỗng ruột. Đời sống của anh chị em bị đảo lộn và gặp nhiều khó khăn. Tất cả những cái đó đâu phải lỗi của anh chị em làm việc tại Hãng phim?

Tâm nguyện chung của anh chị em nghệ sĩ làm thế nào để tái tổ chức lại cho đúng với mô hình một Hãng phim. Nền điện ảnh cách mạng được xây dựng từ cái nôi này phải được bảo vệ và tiếp tục phát triển chứ không phải chuyển đổi mục đích rồi phá nát. Chúng tôi mong muốn các cấp lãnh đạo cần ngồi với anh chị em nghệ sĩ để lắng nghe ý kiến của họ và sớm đưa ra các giải pháp để vực dậy Hãng phim.

Quay phim Vũ Quốc Tuấn: Điều đầu tiên khi anh chị em nghệ sĩ đấu tranh đó là Vivaso phải rút khỏi Hãng phim truyện Việt Nam vì mục đích của họ khi đầu tư vào đây không phải để vực dậy nền điện ảnh đã có bề dày hơn 60 năm mà mang mục đích khác và kết luận thanh tra đã chỉ ra được điều đó. Đó là điều mừng trước nhất.

Nghệ sĩ Vũ Quốc Tuấn từng có nhiều năm gắn bó với Hãng phim truyện Việt Nam. Ảnh: Tùng Long.
Nghệ sĩ Vũ Quốc Tuấn từng có nhiều năm gắn bó với Hãng phim truyện Việt Nam. Ảnh: Tùng Long.

Điều thứ hai nữa mà chúng tôi cảm thấy không thoải mái đó là việc thu hồi đất ở số 6 Thái Văn Lung (TP.HCM) và số 4 Thụy Khuê (Hà Nội). Thu hồi đất ở số 6 Thái Văn Lung thì chúng tôi có thể chấp nhận nhưng đất ở số 4 Thụy Khuê thì anh em chúng tôi không bao giờ chấp nhận. Bao nhiêu thế hệ nghệ sĩ, đạo diễn, cán bộ công nhân viên... đã gắn bó với nơi này và làm nên nhiều tác phẩm điện ảnh kinh điển cho nước nhà.

Thêm nữa, trong kết luận thanh tra không hề nêu rõ hình thức xử lý đối với những cá nhân có sai phạm. Vì thế, chúng tôi đọc xong mừng đó nhưng rồi lại lo đó. Cái sai đầu tiên bắt nguồn từ Ban giúp việc cổ phần hóa của Bộ VHTT&DL và từ đó mà dẫn đến vô vàn cái sai khác.

Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là bằng mọi giá phải giữ lại được mảnh đất ở số 4 Thụy Khuê và thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam. Còn đơn vị đầu tư chiến lược nào vào đây thì cũng phải vì mục đích phát triển nền điện ảnh chứ không thể vì mục đích nào khác. Và điều đặc biệt là cần phải lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của anh chị em nghệ sĩ, đạo diễn, cán bộ công nhân viên...

Thật sự là mấy năm vừa qua, việc cổ phần hóa đã làm cho mọi thứ trì trệ lại và đội ngũ nghệ sĩ cũng mòn dần đi. Nó làm cho anh chị em không ai còn tinh thần để muốn tiếp tục cống hiến. Thời gian vừa qua chúng tôi đã mất đi rất nhiều người. Chúng tôi cũng sắp về hưu cả rồi nhưng vẫn muốn chung tay khôi phục lại để các thế hệ trẻ sau này vẫn tiếp tục có niềm tin vào Hãng phim truyện Việt Nam thì người ta mới cống hiến và đẩy nó lên được.

NSND Nguyễn Thanh Vân: Ít ra là việc tranh đấu của nghệ sĩ và những người yêu điện ảnh đã đạt được mục tiêu ban đầu đó là buộc Vivaso phải rút khỏi Hãng phim truyện Việt Nam vì họ thực sự không có đủ năng lực và không hề yêu điện ảnh như tuyên bố của họ ban đầu.

Đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân. Ảnh: Tùng Long.
Đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân. Ảnh: Tùng Long.

Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng và trọng tâm của vấn đề đó là việc xây dựng lại mô hình của Hãng phim truyện Việt Nam sau này như thế nào. Cổ phần theo mô hình nào và đường hướng phát triển tương lai ra sao mới là điều tất cả chúng tôi quan tâm. Dù tồn tại ở mô hình nào thì cũng nhất thiết phải cho ra được những tác phẩm điện ảnh xứng tầm và phù hợp với xu hướng phát triển chung của xã hội.

Còn tất cả những sai phạm kéo dài trong 3 năm qua mà chúng tôi đã vạch ra về giá trị đất đai, về giá trị thương hiệu, về chính sách trả lương… chúng tôi cũng đã chỉ ra rồi. Và kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng như thừa nhận những điều chúng tôi đưa ra là đúng. Việc Vivaso phải rút khỏi Hãng phim truyện Việt Nam là điều tất yếu như công lý phải được thực thi.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm