Nghệ sĩ Phú Đôn tiết lộ bí quyết lấy vợ trẻ và làm bố ở tuổi 55
(Dân trí) - Nghệ sĩ Phú Đôn là một gương mặt quen thuộc đối với nhiều khán giả truyền hình và sân khấu kịch. Anh được xem là người có gương mặt khắc khổ nhất màn ảnh. Nam nghệ sĩ lập gia đình khi đã ngoài 40 tuổi và có con thứ hai khi đã bước qua tuổi 55.
6 tuổi đã bén duyên với sân khấu kịch
Anh nghĩ sao khi đến thời điểm này mọi người vẫn cứ gọi anh là “diễn viên có gương mặt khắc khổ nhất màn ảnh”?
(Cười). Cha mẹ sinh ra mình khuôn mặt như thế nào thì đành phải chấp nhận như thế thôi. Tất nhiên, tôi chưa bao giờ phải buồn vì chuyện đó. Mỗi người được ông trời phú cho một hình hài, diện mạo, tướng tá… khác nhau. Người thì sinh ra đã có tướng làm lãnh đạo, người có khuôn mặt hiền từ, người có thần thái dữ tợn… Tôi được ông trời ban cho khuôn mặt khắc khổ cũng phải bằng lòng với điều đó và cố gắng khai thác “lợi thế riêng” đó trong nghề nghiệp của mình.
Nhưng phải chăng vì thế mà đôi khi anh cũng chịu thiệt thòi khi nhận vai trong các vở sân khấu?
Điều này không hề khiến tôi thiệt thòi mà lại giúp tôi có những thuận lợi riêng. Chẳng hạn, tôi tham gia các vở kịch, phim truyền hình hoặc điện ảnh thì không ai có thể cạnh tranh được với tôi về mặt này (cười) vì không ai có khuôn mặt khắc khổ được như tôi cả.
Tuy nhiên, nếu cứ đóng mãi một dạng cũng sẽ tạo nên sự nhàm chán. Anh có thấy thế không?
Mọi người vẫn cứ nghĩ rằng, mang khuôn mặt khắc khổ thì sẽ luôn phải đóng những vai khắc khổ. Nhưng thực tế thì không phải như thế. Trong mấy chục năm hoạt động nghệ thuật, tôi đã đảm nhận rất nhiều dạng vai khác nhau. Đạo diễn khi giao vai cho tôi cũng hiểu được những thế mạnh tôi có và họ sẽ giao cho tôi những vai phù hợp để tôi phát huy tốt nhất thế mạnh của mình. Còn bản thân tôi là một nghệ sĩ chuyên nghiệp thì bất kỳ vai gì cũng sẽ có những sáng tạo, tìm tòi và cách làm mới để ra “màu sắc” của nhân vật đó. Một nghệ sĩ chuyên nghiệp là có thể vào tất cả các loại vai.
Cuộc sống muôn hình vạn trạng và vô vàn loại người. Những người nghèo khổ mang khuôn mặt khắc khổ đã đành nhưng người giàu có không hẳn là không có người mang khuôn mặt khắc khổ. Thậm chí, có những người có đời sống rất vui vẻ nhưng khuôn mặt cũng đầy những nét khắc khổ. Vì thế, tôi nghĩ là không thể bó hẹp một dạng vai trong một loại hình thể.
Trước nay chúng ta vẫn hay quen nhìn nhận nhân vật và hình thể bên ngoài theo kiểu hoạt hình phương Tây. Kiểu như người tốt mặt phải phúc hậu, tên cướp là phải có râu, phù thuỷ phải mang bộ dạng ghớm giếc…
Khi anh quyết định bước chân theo con đường sân khấu, anh có bị gia đình phải đối hoặc ngăn cản?
Tôi bén duyên với sân khấu từ khi còn là một cậu bé 6 tuổi. Trong hai năm 1966 - 1967 tôi đã được tham gia hai vở kịch của Nhà hát Kịch Việt Nam là “Bép trên cành” và “Hoa pháo”. Thời điểm tham gia vở kịch là tôi còn chưa đi học cơ. Có lẽ mối duyên đã được “bén” lên từ đó.
Sau này, khi tôi vừa tốt nghiệp phổ thông thì cũng là lúc Nhà hát Kịch Việt Nam tuyển sinh. Phải nói là rất đúng dịp vì nếu tôi tốt nghiệp trước hoặc sau một năm thì bây giờ đã làm ngành nghề khác mất rồi.
Nghĩa là từ khi còn bé anh đã xác định sau này mình phải trở thành một nghệ sĩ sân khấu?
Hồi đó tôi còn bé quá nên chưa đủ tầm để suy nghĩ sau này mình phải trở thành một nghệ sĩ. Cho đến khi học xong phổ thông, bố tôi (bố nghệ sĩ Phú Đôn - nghệ sĩ Lại Phú Cương là một nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Việt Nam) có bảo với tôi rằng: “Việc nghề nghiệp là tuỳ ở con. Nếu con xác định theo nghệ thuật thì phải theo đến cùng, còn nếu không thì đừng có theo”. Các cụ ngày xưa vẫn thế, đã làm gì là chỉn chu với nghề đó, không có chuyện “chân nọ xọ chân kia”.
Bố tôi cũng dặn là đã dấn thân vào nghề diễn phải chịu khó đọc và học. Đọc ở đây là đọc sách báo để bồi đắp về văn hoá và kiến thức. Ngoài ra, làm nghề thì phải nghiêm túc thật sự. Còn nếu chỉ chơi chơi thì nên làm nghề khác.
Thực ra, thời điểm đó tôi đã nộp hồ sơ thi vào trường an ninh nhưng sau khi quyết định chuyển sang Nhà hát Kịch thì tôi đã rút hồ sơ về. May mà chưa vào học không thì phải bồi thường cho nhà trường (cười).
Nhiều lần đi đón con bị các ông bà đến đón cháu gọi là "anh"
Tại sao thành danh từ rất sớm nhưng đến ngoài 40 tuổi anh mới lập gia đình?
Lại xoáy vào câu hỏi nhạy cảm rồi (cười). Cái này là do duyên số thôi. Ngày xưa tôi vẫn nhớ có người nói là cái này như là bắt mồi ấy, bắt trượt thì tuột khỏi tay, bắt trúng có mồi mang về. Tôi thuộc dạng lười bắt hoặc bắt đâu trượt đấy cho nên muộn duyên thôi.
Ý anh là ngày xưa anh cũng thuộc dạng lười yêu, lười tán… nói theo ngôn ngữ của giới trẻ bây giờ là lười “thả thính”?
Đâu tôi vẫn yêu, vẫn “thả thính” đều ấy chứ… nhưng toàn thả trượt (cười).
Anh hơn vợ những 25 tuổi, anh có bí quyết gì để cưa đổ được một người kém mình nhiều tuổi lại vừa xinh đẹp và giỏi giang thế?
Vợ tôi kém tôi 25 tuổi nhưng giữa chúng tôi không có khoảng cách gì đâu. Tựa chung lại vẫn là duyên số vì tôi không bao giờ có ý nghĩ phải chọn người nọ người kia. Vợ tôi cũng như bao người vợ khác nhưng điều quan trọng nhất là 12 năm gắn bó với nhau nếu cả hai không yêu thương nhau và không hết mình vì gia đình thì khó mà tồn tại.
Vậy việc lập gia đình muộn rồi có con muộn có khiến anh gặp phải nhiều khó khăn không, kiểu như “cha già con mọn”?
Đương nhiên là sẽ rất vất vả, nhất là khi mình không còn hoạt bát cao và nhiều sức khoẻ như thời trẻ. Nhưng cũng giống như nghề diễn, tình yêu gia đình, tình yêu con cái, tình yêu cuộc sống… giúp tôi vượt qua.
Do tính chất công việc của bà xã phải đều đặn đến nơi làm việc hơn mình, trong khi ngoài những lúc đi diễn tôi có thể ở nhà nên tôi cũng chủ động trong việc đỡ đần vợ chăm sóc con cái. Tôi cũng biết nấu cháo với quấy bột mặc dù cũng hay bị vợ chê là “hôm loãng, hôm đặc”.
Đã bao giờ anh gặp phải tình huống bế con đi chơi mà người ta bảo “ông bế cháu đi chơi” không?
Đó là chuyện bình thường. Nhiều lần đưa con đi học hoặc đón con về, gặp mấy ông bà cũng đến đón cháu, toàn gọi tôi là “anh”.
Anh mới lên chức bố lần 2 cách đây chưa lâu. Cảm xúc của anh như thế nào khi có thêm con ở tuổi 55?
Tôi mới lên chức bố lần 2 cách đây gần 2 năm, tức là khi đã 55 tuổi. Cậu cả nhà tôi hiện cũng đã bước vào tuổi 12. Ở tuổi này cũng được gọi là lớn tuổi rồi nên trời cho mụn con nào thì mình nhận mụn nấy, cho nữa thì tôi vẫn cứ nhận.
Từ ngày có thêm con nhỏ tôi cũng ít nhận các lời mời đi diễn hay đóng phim ở xa quá vì muốn ở gần nhà để còn tiện chăm nom con. Ở tuổi bị gọi là “toan về già” như tôi có tâm lý mải chơi còn hơn cả con trẻ. Mặc dù thế, có “cái đuôi” nhỏ cũng không làm ảnh hưởng nhiều đến sự ham chơi ấy bởi ngoại trừ đi đóng phim, còn đi bất cứ đâu chơi tôi đều “tha” con theo.
Cảm ơn anh đã chia sẻ thông tin.
Hà Tùng Long