Nghe kể chuyện chụp ảnh Thanh Nga, Thẩm Thúy Hằng…
Đinh Tiến Mậu đã trở thành mộtphần của Sài Gòn xưa trong nhiều câu chuyện kể với rất nhiều bức ảnhnghệ sĩ danh tiếng thời vang bóng của Sài Gòn ngày trước.
Ngày 29-10, nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu sẽ triển lãm những bức ảnh nghệ sĩ tên tuổi xưa gồm Thanh Nga, Thẩm Thúy Hằng, Bạch Yến, Bạch Lê, Thanh Lan, Hà Thanh, Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Thái Thanh, Thanh Thanh Hoa, Trang Bích Liễu, Diễm Thúy, Phượng Liên, Xuân Thu… tại đường sách Nguyễn Văn Bình, TP.HCM và giao lưu cùng công chúng. Pháp Luật TP.HCM đã trò chuyện cùng nhiếp ảnh gia được mệnh danh là người lưu giữ vẻ đẹp của nghệ sĩ huyền thoại Sài Gòn.
Mở đầu sự nghiệp với ảnh hai đại minh tinh
Xin ông cho biết cơ duyên nào đã đưa đến việc ông chụp ảnh cho rất nhiều ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng hàng đầu Sài Gòn trước 1975?
Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh là hai nghệ sĩ tôi chụp ảnh đầu tiên, vào khoảng năm 1958. Lúc đó tôi làm cho hãng phim Việt Thanh, hai cô này do hãng đưa đến chụp.
Ngoài làm chính cho Việt Thanh, tôi chụp cho nhiều hãng phim, hãng đĩa khác để họ dùng ảnh làm bìa băng đĩa hay áp phích quảng cáo. Các tờ báo ngày ấy như Màn Ảnh, Kịch Ảnh, Phụ Nữ Ngày Nay, Phụ Nữ Diễn Đàn… đều lấy ảnh của tôi đăng hay làm bìa. Về các đoàn cải lương thì ai mời tôi mới làm, còn lại tôi chỉ chụp nhiều cho đoàn Thanh Minh Thanh Nga.
Nghệ sĩ nào trong hậu trường có những tính cách gì đặc biệt khiến ông nhớ?
Các nghệ sĩ chơi với tôi rất là chân tình. Tôi cũng có những mối tình thân riêng bên ngoài công việc, như ca sĩ Thanh Thúy khi đang rất nổi tiếng đi hát về khuya 1, 2 giờ vẫn đến nhà tôi lắc cửa sắc đánh thức tôi dậy rủ đi ăn. Bà bầu Thơ đoàn Thanh Minh rất thương tôi như con cháu trong nhà. Tôi rất thân, rất mến Thanh Nga, thường vào hậu trường của đoàn chơi và là người chụp ảnh đám cưới cho Thanh Nga.
Khó làm việc được với nghệ sĩ thời nay
Vì sao ông ít chụp ảnh các nghệ sĩ sau năm 1975?
Nghệ sĩ sau này nhiều người khó tính hơn nghệ sĩ thời xưa nên tôi không làm việc chung được. Từ năm 1975 tôi đã đóng cửa tiệm, chuyển sang làm phóng viên chụp ảnh cho báo Tuổi Trẻ cho đến năm 1979, sau đó chuyển sang làm cho báo Khăn Quàng Đỏ rồi nghỉ hưu.
Ông có chỉnh sửa ảnh cho các nghệ sĩ?
Ngày xưa chưa có kỹ thuật số, ai cũng chụp bình thường rồi rửa ảnh giống nhau. Riêng với nghệ sĩ nếu mặt họ không được mịn màng tôi sẽ sửa ảnh cho họ bằng cách chấm màu thủ công bằng tay trên ảnh cho mịn. Cá nhân tôi lúc đó có nghĩ ra một trò mà tiệm khác không có là chụp ảnh một người thành hai hoặc ba, bốn người bằng cách chụp nhiều lần rồi ghép ảnh thủ công lại một cách khéo léo, tính chính xác ánh sáng, khoảng cách, bố cục… để không thấy chỗ hở bị ghép. Chỉ là vậy thôi. Chụp ảnh cho khách cái nào không đạt tôi sẽ tự chụp lại vì là lỗi của mình thì đừng làm phiền người ta. Tiệm của tôi thời ấy đông khách.
Có rất nhiều hình ảnh chụp nghệ sĩ của ông trôi nổi trên mạng, được nhiều người sử dụng để in sách, báo, tư liệu, làm phim, ông có được trả tác quyền?
Tôi biết trên mạng có rất nhiều ảnh nghệ sĩ của mình, tôi biết có người lợi dụng ảnh của mình in sách, in báo nhưng không mấy ai xin phép tôi cả. Tôi biết đó là vi phạm quyền lợi của tôi nhưng tôi không kiện tụng làm gì, coi như họ đang phổ biến tác phẩm của mình đến xã hội vậy.
Xin cám ơn ông.
Triển lãm ảnh nghệ sĩ Sài Gòn xưa qua góc chụp bằng chiếc máy ảnh cổ của nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu sẽ được triển lãm tại Bookcafe Phương Nam trên đường sách Nguyễn Văn Bình, TP.HCM từ ngày 29-10. Đây là chương trình mở đầu cho chuỗi sự kiện chủ đề về “Sài Gòn xưa” do Công ty Văn hóa Phương Nam thực hiện định kỳ hai tháng một lần từ nay cho đến hết năm 2017. Nhân dịp này nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu sẽ có buổi giao lưu với công chúng vào lúc 10 giờ ngày 29-10 tại đường sách Nguyễn Văn Bình. Nội dung giao lưu xoay quanh những câu chuyện về nhiếp ảnh của Sài Gòn, kỹ thuật rửa ảnh, chấm ảnh khi chưa có những phần mềm Photoshop như hiện nay sẽ được hé lộ.
Nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu sinh năm 1935, người gốc làng Lai Xá, Hà Nội - một ngôi làng chuyên về nghề ảnh tại Sài Gòn với khoảng 32 hiệu ảnh của người làng tại đây từ năm 1930 đến 1940. Từ năm 1945, Đinh Tiến Mậu đã học ảnh tại làng. Đến năm 1948, 13 tuổi, ông theo cha mẹ vào sinh sống ở Sài Gòn và tiếp tục học nghề ảnh với tất cả các khâu. Năm 1958, ông thuê nhà mở tiệm riêng và thay đổi tiệm nhiều lần với nhiều tên gọi như King’s ở đường Ngô Quyền, Chợ Lớn. Tiệm cuối cùng ông lấy tên là Viễn Kính, đặt ở 277 Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu, cũng là nhà ông đang ở) từ năm 1963 đến 1975. Trước cửa tiệm luôn chưng rất nhiều chân dung đẹp của các nghệ sĩ nổi tiếng nên thường được mọi người trầm trồ và tìm đến chụp ảnh.
Theo Hòa Bình
Báo Pháp luật TPHCM