TT-Huế:

Nghe âm thanh tuyệt hay của bộ chuông đồng - đá độc đáo xứ Huế

(Dân trí) – Chiều 21/9, nhân lễ bàn giao và tiếp nhận bộ biên chung (chuông đá) – nhạc cụ Nhã nhạc Việt Nam tại Hiển Lâm Các, Đại Nội Huế, các nghệ nhân đã tấu một bản nhạc cung đình xưa với âm thanh tuyệt vời từ chuông đá và chuông đồng (biên khánh).

Biên chung, Biên khánh là hai nhạc khí gồm nhiều chiếc chuông đồng, khánh đá được sắp xếp theo một thứ tự âm thanh nhất định. Đây là hai nhạc cụ cung đình độc đáo trong Nhã nhạc của một số nước Đông Á, trong đó có Hàn Quốc và Việt Nam.

Biên chung, Biên khánh có nguồn gốc lâu đời trong văn hoá Trung Hoa cổ đại. Chúng rất được ưa chuộng trong Nhã nhạc Trung Hoa, về sau, được du nhập sang Triều Tiên và Việt Nam. Ở Việt Nam, hai nhạc cụ này được dùng trong Nhã nhạc thời Lê (1427 - 1788) và thời Nguyễn (1802 - 1945).

800x600
Hình ảnh của bộ Biên chung trong lễ tế Nam Giao dưới triều Nguyễn

Tuy nhiên, đến đầu thế kỷ 20, những bộ nhạc cụ nghi lễ quan trọng này của Nhã nhạc hầu như đã thất truyền cả về hình thức chế tác lẫn cách thức trình diễn. Ngày nay, những chuông đồng, khánh đá này chỉ còn được lưu giữ như những hiện vật bảo tàng, không đầy đủ về số lượng và chất lượng.

Trong khuôn khổ Dự án thực hiện Kế hoạch Hành động Quốc gia nhằm Bảo tồn Nhã nhạc - Nhạc Cung đình Việt Nam được UNESCO tài trợ thực hiện giai đoạn 2005-2009, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (HMCC) đã dự định thực hiện nghiên cứu phục chế bộ Biên chung Biên khánh này. Tuy nhiên, kinh phí và thời gian thực hiện của dự án lúc đó không cho phép phục chế một bộ Biên chung và Biên khánh đầy đủ, mà chỉ dừng ở mức thiết lập một bộ hồ sơ khoa học về loại nhạc cụ này và đề cương nghiên cứu nhằm tạo cơ sở khoa học đáng tin cậy cho một chương trình nghiên cứu phục chế hoàn chỉnh để phục hồi cả về hình thức nguyên bản và cách thức diễn tấu của nhạc cụ trong giai đoạn tiếp theo.

Ngay từ năm 2007, được sự giới thiệu của Cục Di sản Văn hóa và Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã có mối quan hệ ban đầu với Trung tâm Nghệ thuật Biểu diễn Truyền thống Quốc gia Hàn Quốc (NGC) - một Viện nghiên cứu và tổ chức biểu diễn nghệ thuật truyền thống hàng đầu của Hàn Quốc để cùng nghiên cứu phục chế hoàn chỉnh bộ Biên chung, Biên khánh của Nhã Nhạc Việt Nam.

Vào tháng 12/2007, nhóm chuyên gia thuộc NGC do Tiến sĩ So Inhwa dẫn đầu đã đến Huế để bước đầu tìm hiểu về khả năng hợp tác nghiên cứu giữa hai bên, khảo sát đo vẽ và thu ghi về âm thanh hiện trạng của bộ Biên chung Biên khánh đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.   


800x600

Bộ Biên chung do Hàn Quốc thực hiện năm 2010

Trong giai đoạn 2008-2009, phía NGC đã tiến hành phân tích các cao độ của âm thanh bộ Biên chung Biên khánh Việt Nam nhằm tìm ra hệ thống âm gốc của bộ nhạc khí này. Năm 2010, với sự tài trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc, hai bên đã cùng thống nhất nghiên cứu chế tác thử nghiệm một bộ Biên chung và một bộ Biên khánh, sử dụng hoàn toàn nguyên vật liệu và phương thức chế tác truyền thống của Việt Nam và hầu hết là tại Huế. Bộ Biên chung Biên khánh được phục chế lần đầu tiên đã được phía Hàn Quốc trao tặng cho tỉnh Thừa Thiên Huế và Trung tâm BTDT Cung đình Huế vào ngày 29/12/2010.

Từ tháng 10 năm 2011 đến tháng 4 năm 2012, Trung tâm BTDT Cung đình Huế đã tiếp tục hợp tác với NGC tiếp tục nghiên cứu và phục chế Bác chung (chuông đồng lớn) và Đặc khánh (khánh đá lớn) nhằm góp phần hoàn thiện biên chế dàn Nhã nhạc của triều Nguyễn. Đặc biệt, việc chỉnh âm các nhạc cụ này vẫn do nghệ nhân phục chế nhạc cụ truyền thống của Hàn Quốc, ông Kim Hyun Kon, thực hiện.

800x600
Ông Kim Hyun Kon, Nghệ nhân nhạc cụ truyền thống Hàn Quốc đang hướng dẫn cán bộ của Trung tâm cách thức chỉnh âm bộ Biên Chung

Đồng thời, trong dịp này, với sự tư vấn và hỗ trợ của Nghệ nhân nhạc cụ truyền thống Hàn Quốc Kim Hyun Kon, Trung tâm BTDT Cung đình Huế đã phục chế thêm 1 bộ Biên Khánh. Các nhạc cụ này đã được trình diễn thử nghiệm lần đầu tiên trong Lễ tế Nam Giao của Festival Huế 2012.

800x600
Lễ trao tặng bộ nhạc cụ Biên chung Biên khánh và Đặc chung Đặc khánh do Hàn Quốc tài trợ tại sân Thế Tổ Miếu năm 2012

Trong năm 2013, được sự tài trợ của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam-Vietinbank, Trung tâm đã tiếp tục thực hiện phục chế thêm 1 bộ Biên chung nhằm phục vụ hoạt động tái hiện một số lễ tế truyền thống quan trọng của triều Nguyễn.

Qua gần 1 tháng triển khai công việc, các cán bộ nghiên cứu văn hóa phi vật thể của Trung tâm (đặc biệt với vai trò quan trọng của nghệ sĩ Trần Đại Dũng, PGĐ Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế) cùng các thợ truyền thống của Huế thuộc Doanh nghiệp Nghề Truyền thống Vĩnh Thành do ông Hoàng Trọng Trọng làm giám đốc và với sự tư vấn thêm của nghệ nhân chế tác nhạc cụ truyền thống Kim Hyun Kon, việc phục chế đã diễn ra một cách thuận lợi.

800x600
Lãnh đạo trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cùng Bộ VH,TT&DL, UNESCO, tỉnh TT-Huế và Vietinbank tại lễ tiếp nhận bộ biên chung hoàn chỉnh chiều 21/9

Buổi lễ ra mắt bộ Biên chung trên chiều 21/9 nhân dịp kỷ niệm 10 năm Nhã nhạc – Âm nhạc Cung đình Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của Nhân loại (2003 - 2013). Khu vực diễn ra  buổi lễ bàn giao và tiếp nhận bộ nhạc cụ này tại tòa Hiển Lâm Các, thuộc khu vực Thế Tổ Miếu, nơi trước đây thường diễn ra các buổi tế miếu của triều Nguyễn có sự trình diễn của bộ Biên Chung trong dàn Nhã nhạc.

Dự kiến trong năm tới, bộ Biên chung phục chế này sẽ được sử dụng cùng với bộ Biên Khánh đã được phục chế trước đó để trình diễn trong các lễ quan trọng (Lễ tế đàn Xã Tắc, Lễ tế đàn Nam Giao) của các đợt Festival Huế năm 2014.

Sau đây là một số hình ảnh về bộ biên chung, biên khánh hoàn chỉnh ở Huế:

800x600

800x600

Bộ biên chung mới hoàn thành vào tháng 9/2013 hoàn toàn do 100% nghệ nhân Việt Nam thực hiện lần đầu tiên
Nghệ nhân trình diễn Biên chung

Nghệ nhân trình diễn Biên chung
Biểu diễn Biên khánh

Biểu diễn Biên khánh
Biểu diễn Biên khánh

2 bộ Biên chung, Biên khánh với âm thanh cung đình đầy cuốn hút này sẽ lần đầu tiên biểu diễn chính thức trong Festival Huế 2014 sắp tới

Video bản nhạc cung đình Huế thuộc hệ thống Nhã nhạc cung đình Việt Nam được các nghệ nhân biểu diễn đầy cuốn hút bởi Biên chung, Biên khánh:



Đại Dương