Huế:
Ngắm các sản vật quý hiếm tại triển lãm “Giao thương Nhật - Việt trong lịch sử”
(Dân trí) - Từ ngày 27/2 đến 5/5 tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (số 3 Lê Trực, TP Huế), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế kết hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã tổ chức triển lãm “Giao thương Nhật - Việt trong lịch sử”.
Triển lãm lần nhằm chào mừng chuyến thăm lịch sử đến Việt Nam gồm Thủ đô Hà Nội và Cố đô Huế của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko.
Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, quan hệ ngoại giao, thương mại giữa Nhật Bản và Việt Nam hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ XVI...
Triển lãm “Giao thương Nhật - Việt trong lịch sử” giới thiệu đến công chúng sưu tập gốm Hizen hoa lam và sưu tập đồ sứ đại diện cho bốn dòng đồ sứ màu nổi tiếng của Nhật Bản vào thế kỷ XVII- XVIII, đó là: Kakiemon, Imari, Kutani và Nabeshima.
Đặc biệt, triển lãm lần này còn trưng bày bộ sưu tập gương đồng Nhật Bản do dòng họ Fujiwara lừng danh ở Nhật Bản chế tác vào cuối thế kỷ XVII đầu XVIII. Bên cạnh đó là các cổ vật của Việt Nam từng là những mặt hàng được thương nhân người Nhật ưa chuộng như trầm hương, sừng tê giác.
Ngoài ra, triển lãm còn giới thiệu một số văn thư trao đổi giữa chính quyền chúa Nguyễn với chính quyền Nhật Bản vào đầu thế kỷ XVII, những “hợp đồng” mua bán hàng hóa giữa thương nhân Nhật Bản với thương nhân Việt Nam và phiên bản 3 bức tranh cuộn nổi tiếng (tranh Trà Ốc Tân Lục Giao Chỉ độ hàng đồ quyển; tranh Châu ấn thuyền Giao Chỉ độ hàng đồ quyển và tranh Tượng chi hội quyển vật) phản ánh mối quan hệ thương mại mật thiết giữa Nhật Bản với Việt Nam trong các thế kỷ XVII - XVIII.
Những bức tranh cuộn sống động thể hiện một thời kỳ giao thương rực rỡ giữa Việt Nam và Nhật Bản
Đại Dương