Ngắm 2 cây đa di sản 200 năm tuổi

(Dân trí) - Hai cây đa cổ ở đình Phước Tuy (Phước Tuy, Ba Tri, Bến Tre) vừa được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận cây Di sản Việt Nam. Hai cây đa này gần 200 năm tuổi được xem là tài sản quý của người dân xứ Dừa.

Đình cổ Phước Tuy được xây dựng cách đây khoảng 200 năm và trải qua nhiều lần trùng tu. Ông Nguyễn Văn Gát, Hương chủ đình Phước Tuy cho biết: “Ông ngoại tôi kể rằng ngày xưa vùng đất này gò cao nên được chọn làm nơi xây dựng đình rồi những bô lão đem về 2 cây đa trồng để rồi từ thế hệ này đến thế hệ khác trở thành cây cổ thụ và được công nhận là cây di sản Việt Nam. Điều đặc biệt là 2 cây đa được trồng ở 2 bên góc đình, cây bên phải được gọi là đa bà vì cạnh miếu bà còn cây đa bên trái được gọi là đa ông vì cạnh miếu ông. Cả 2 cây đa cổ thụ nên phần gốc đã chết, từ thân cây mẹ tiếp tục mọc những nhánh con và tiếp tục sinh sôi, phát tiển”.

Hai cây đa được trồng ở 2 góc đình được dân làng đặt là đa ông và đa bà
Hai cây đa được trồng ở 2 góc đình được dân làng đặt là đa ông và đa bà

Khi được công nhận là cây di sản, các chuyên gia lấy mẫu phân tích mới biết cây là bà tên khoa học là đa tía còn cây đa ông tên khoa học là đa lông. Trong đó cây đa bà có tán rộng hơn 30 m, gốc rất to nhiều người ôm không giáp, cây đa ông nhỏ hơn nhưng cũng cao vút.

Cả 2 cây đa đều được công nhận là Cây di sản Việt Nam

Cả 2 cây đa đều được công nhận là Cây di sản Việt Nam
Cả 2 cây đa đều được công nhận là Cây di sản Việt Nam

Bà Trần Thị Hồng (61 tuổi), nhà gần đình Phước Tuy cho biết: “Hai cây đa cổ thụ này gắn liền với tuổi thơ của bọn trẻ trong làng từ thế hệ này đến thế hệ khác. Ngày xưa khi đi chăn trâu bọn trẻ chúng tôi thường đến cây đa chắp tay xin “bà” cho ít quả rồi trèo tuốt lên ngọn cây để hái. Quả đa non màu xanh vị chua, chát; khi chín có màu đỏ đen có vị ngọt. Cây đa bà cho quả chín ngọt hơn nên bọn trẻ rất thích”.

Tán cây đa cao vút
Tán cây đa cao vút

Mấy chục năm trước, nơi gốc đa là trường học tạm của làng, ban đêm là nơi hội họp của bộ đội bàn kế hoạch đánh Pháp, đánh Mỹ. Sau ngày giải phóng, ở sân đình dưới gốc cây đa là nơi cải tạo bọn Ngụy quyền… Vì vậy, hai cây đa như nhân chứng sống chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử.

Phần thân cây mẹ đã chết nhưng các nhánh tiếp tục sinh sôi, phát triển
Phần thân cây mẹ đã chết nhưng các nhánh tiếp tục sinh sôi, phát triển

Ông Phạm Văn Hùng, SN 1950, nhà gần đình cho biết: “ Ai sinh ra ở làng này đều biết ngôi đình và 2 gốc đa. Đặc biệt những đứa bé bắt đầu học ở trường làng thì ngôi trường đầu tiên là ở đình Phước Tuy dưới tán 2 gốc đa khổng lồ. Thậm chí mấy chục năm sau rất nhiều người thuộc nằm lòng bài thơ về hai cây đa cổ thụ do chính thầy cô sáng tác đọc cho học trò nghe”.

Người dân ra sức chăm sóc, bảo vệ 2 cây đa cổ
Người dân ra sức chăm sóc, bảo vệ 2 cây đa cổ

Hàng năm vào dịp tháng 4 và tháng 11 (AL) đình tổ chức 2 lễ cúng lớn có rất đông dân làng tham dự. Điều đặc biệt, rất nhiều bà con làm ăn tứ xứ thậm chí ở nước ngoài cũng cố gắng về bên gốc đa tham gia lễ hội để nhớ về cội nguồn về truyền thống của cha ông. Hai cây đa cổ thụ được người dân chăm sóc cẩn thận như lưu giữ một phần lịch sử hình thành, phát triển của cả vùng đất này và xem đó tài sản vô giá để lại cho thế hệ mai sau.

 

Hoàng Trung

(Email: hoangtrung@dantri.com.vn)