Nét đẹp Tết xưa và nay trong văn hóa Việt
Xuân đang gõ cửa, lại một năm cũ Ất Mùi sắp qua đi, đón chào năm mới Bính Thân 2016, cùng những ước vọng thật đẹp của người dân Việt Nam. Có thể nói rằng, dù bao nhiêu cái Tết trôi qua, nhưng những nét đẹp trong truyền thống văn hóa của người Việt vào dịp Tết cổ truyền sẽ còn tươi thắm mãi.
Tảo mộ
Tảo mộ là một tục lệ lâu đời của người Việt. Ở một số tỉnh miền Bắc, tục tảo mộ không diễn ra vào tháng ba âm lịch như trong câu Kiều năm xưa, mà được dân làng tổ chức vào những ngày cuối tháng chạp giáp Tết. Trong mỗi gia đình, bất phân người già người trẻ, dẫn đầu là trưởng họ, đều cùng nhau đi thăm viếng khu mộ của dòng họ. Những người trẻ sẽ mang theo cuốc xẻng để phát cỏ dại, chặt cây cối mọc dại quanh mộ. Tất cả cùng nhau sửa sang, tu bổ mộ phần của tổ tiên mình.
Đây là một tục lệ tâm linh của người Việt, bởi chúng ta quan niệm, trước thềm năm hết Tết đến, mọi thứ đều phải được sửa sang, trùng tu cho mới mẻ, sạch sẽ, kể cả nơi an nghỉ của ông bà, người thân. Về quê tảo mộ mỗi dịp Tết nguyên đán cũng là một truyền thống đáng quý để thể hiện lòng hiếu thuận, hướng về tổ tiên của những người con Việt.
Gói bánh chưng, bánh tét
Tục gói bánh chưng của người Việt đã tồn tại từ thời Vua Hùng xa xưa, và cho đến nay vẫn không hề bị mai một. Bày ra bếp nào là nếp thơm, thịt ba chỉ, nào là nhân đỗ xanh, lạt mềm, lá dong lá chuối, rồi cả gia đình cùng quây quần mỗi người một việc gói bánh chưng là một trong những việc mà trẻ con háo hức nhất mỗi dịp Tết. Ở miền Bắc sẽ là bánh chưng, còn ở miền Nam sẽ là bánh tét. Về cơ bản, hai loại bánh này chỉ khác nhau về hình dáng, còn nguyên liệu và hương vị là tương tự nhau.
Sau công đoạn gói bánh sẽ là 10 tiếng liên tục thức đêm canh nồi bánh. Trong cái rét căm căm của những ngày giáp tết, bên bếp lửa hồng và nồi bánh ùng ục, sẽ là cả những củ khoai lang được vùi trong bếp, vừa ấm vừa ngọt đậm đà theo những câu chuyện của bà, của mẹ. Tuổi thơ của không ít thế hệ người Việt, nhờ đó, mà đã hằn sâu những kí ức chẳng thể nào quên.
Hái lộc, xông nhà, chúc Tết, mừng tuổi
Ngày nay, vào đêm Giao thừa, những người trẻ thường rủ nhau đi chơi, cùng bạn bè ngắm pháo hoa. Sau giờ khắc chuyển giao năm cũ – năm mới, họ sẽ “hái lộc đầu năm” bằng việc mua về nhà những cây mía lộc được bán trên đường. Đó cũng có thể là một “cành lộc” được xin về nơi đình chùa. Tục lệ này bắt nguồn từ ước vọng năm mới tài lộc dồi dào, làm ăn thịnh vượng, sự nghiệp thành đạt hơn năm cũ.
Tục xông nhà đầu năm được hình thành bởi người Việt cổ tin rằng, người đầu tiên bước chân vào nhà bạn ngày mùng một Tết sẽ có ảnh hưởng đến vận mệnh cả năm đó của gia đình. Những người “hợp tuổi, hợp mệnh, nhẹ vía” sẽ được chủ nhà nhắm trước và mời đến xông nhà đầu năm, để năm mới vui vẻ chan hòa.
Cả năm vất vả đi làm tứ phương, nhưng cứ vào dịp Tết Nguyên đán, tất cả các thế hệ con cháu đều quay về quê nhà, cùng đi chúc Tết ông bà, cha mẹ, họ hàng. Ở nơi thành thị, ngày Tết còn là dịp để đi chúc Tết thầy cô giáo cũ, thăm hỏi đồng nghiệp hay tới chơi nhà bạn bè lâu năm. Những ngày này, trẻ em trong nhà thường sẽ được người lớn mừng tuổi bằng những phong bao lì xì đỏ rực, để năm mới may mắn, hay ăn chóng lớn, ngoan ngoãn vâng lời cha mẹ.
Dọn dẹp nhà cửa đón xuân
Trước khi năm mới sang, người Việt Nam có truyền thống dọn dẹp nhà cửa tinh tươm để quét đi mọi bụi bẩn và những xui xẻo cũ kỹ của năm vừa qua. Dọn nhà cho sạch sẽ thông thoáng, trang hoàng cửa chính và phòng khách, chăm lo lau dọn khu vực thờ cúng và “lấp đầy” tủ lạnh là những việc không thể không làm để nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ, đón tài lộc tốt lành.
Thay vì để những người phụ nữ trong gia đình như bà, mẹ, hay chị gái phải oằn lưng dọn dẹp nhà cửa, hãy xắn tay áo lên và giúp đỡ họ. Gia đình Lý Hải cũng vậy, không để mẹ phải tần tảo lặng lẽ lau dọn nhà cửa một mình, mà cả bốn bố con đều hăng hái giúp mẹ biết bao nhiêu là việc.
Mẹ Mang Xuân Về
Mỗi người một tay, cả căn nhà sẽ mau chóng trở nên sạch sẽ, xinh xắn, lại tràn ngập tiếng hát, tiếng cười. Sum vầy, đầm ấm bên nhau - chẳng phải đó chính là ý nghĩa thực sự của ngày Tết?