Nét đẹp làng Thái cổ ở Mường Đán

(Dân trí) - Mường Đán, xã Hạnh Dịch, huyện biên giới Quế Phong (Nghệ An) có từ vài trăm năm trước. Cho đến nay, dù đã có nhiều thay đổi so với xưa kia nhưng ngôi làng này vẫn giữ được những nét đẹp đặc trưng của người Thái cổ.

sung-so-truoc-ve-dep-ruong-bac-thang-o-mien-tay-xu-nghe (3).JPG
muongdan.jpg

Một góc Mường Đán.

Trong những ngày cuối năm, từ sáng sớm ở TP Vinh, chúng tôi vượt hơn 200km để đến xã Hạnh Dịch của huyện vùng cao Quế Phong. Do đã có hẹn trước nên anh Hà Văn Huy, cán bộ xã Hạnh Dịch đón chúng tôi trước cổng UBND xã. “Trưa rồi, bây giờ vào trong bản Mường Đán chắc là người dân đi làm về rồi, có thể gặp được nhiều người lớn tuổi, họ mới am hiểu về phong tục và văn hóa Thái. Ta đi cho kịp giờ...”, anh Huy, nói với chúng tôi.

Con đường rải nhựa quanh co như sợi chỉ vắt qua những sườn núi, qua những cánh rừng tươi xanh thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, những làn sương mỏng bồng bềnh những ngày mùa đông càng tô thêm vẻ đẹp thơ mộng mà hoang sơ của bản làng núi rừng miền Tây xứ Nghệ.

muongdan1.jpg

Dệt váy Thái ở Mường Đán.

Dòng Nậm Việc trong xanh vẫn rì rào tuôn chảy, chắc hẳn đây là một trong những con sông đẹp nhất miền Tây xứ Nghệ. Đẹp bởi vô vàn những thác ghềnh hùng vĩ, những bãi đá thơ mộng chạy suốt cả đôi bờ, những bản làng và mái nhà sàn soi bóng, những người phụ nữ Thái cần mẫn xúc cá, bắt tôm. Sự quyện hòa giữa vẻ đẹp thiên nhiên và cuộc sống con người đã làm nên vẻ quyến rũ của dòng Nậm Việc và các bản làng nơi đây.

Vượt hơn 10 cây số, leo lên đỉnh dốc khá cao, buông tầm mắt về thung lũng phía trước, Mường Đán hiện ra thấp thoáng với những khóm cây, ngôi nhà, rừng quế. Chưa vội xuống bản, chúng tôi nán lại trên đỉnh dốc để ngắm phong cảnh Mường Đán từ một góc nhìn xa để tìm một điểm gì đó khác biệt. Và điều dễ nhận thấy là nét cổ được gợi lên từ những ngôi nhà sàn được dựng theo lối kiến trúc cổ, trong đó phần lớn mái được lợp bằng gỗ Sa mu.

muongdan4.jpg

Dòng Nậm Việc quanh năm thơ mộng.

Ở những bản người Thái, rất ít nơi dùng ván gỗ Sa mu lợp nhà. Xưa nay, việc lợp gỗ Sa mu được xem là bản sắc của cộng đồng người Mông, vì không gian sinh tồn của họ thường gắn liền với những đỉnh núi cao, nhiệt độ thấp hơn so với mức bình thường, xung quanh là bạt ngàn những cánh rừng Sa mu.

Vì thế, những mái Sa mu ở Mường Đán có thể xem là một nét đặc biệt, đủ để gợi nên sự tò mò và bất ngờ cho những vị khách miền xuôi. Có điều, người Thái thường xẻ tấm gỗ nhỏ và ngắn hơn, khi lợp lên mái rất ngay hàng, thẳng lối.

muongdan3.jpg

Nghề dệt thổ cẩm ở Mường Đán.

Người Mường Đán rất đỗi hiếu khách, vừa đặt chân vào bản đã được đón nhận những nụ cười thân thiện, những cái nắm tay nồng ấm và lời chào mời rất mực chân tình. Chúng tôi ghé thăm ngôi nhà của bà Hà Thị Thiết (62 tuổi) ở bản Hủa Mương.

Mường Đán là tên gọi ngày xưa, nay tách thành Na Xái (hơn 120 hộ) Hủa Mương (gần 80 hộ), hai bản cách nhau một con dốc. Người vùng khác vẫn thường gọi nơi đây là Mường Đán, và người Na Xái, Hủa Mương đi ra vẫn thường nói nhà mình ở đất Mường Đán. Tên gọi mường xưa đã in đậm trong ký ức như là những lớp trầm tích kết đọng lại qua dòng chảy thời gian, ẩn chứa niềm tự hào của những cư dân nơi thượng nguồn dòng Nậm Việc. 

muongdan6.jpg

Nhà sàn cổ ở Mường Đán.

Về thời điểm khai bản, lập mường, đến nay người Thái ở Na Xái, Hủa Mương không còn ai nắm rõ, chỉ biết Mường Đán có từ rất xa xưa và hàng chục đời đã cư trú trên vùng đất này.

Bà Hà Thị Thiết, cho biết, nghe các cụ kể lại khoảng hơn 300 năm trước, tổ tiên của họ ở vùng Lai Châu, Điện Biên do thiếu đất cư trú và phát nương, làm rẫy, phải đi tìm những vùng đất mới để khai phá lập bản, dựng mường, sinh cơ lập nghiệp.

muongdan2.jpg

Nhà sàn lợp bằng gỗ sa mu là nét đặc trưng chỉ có ở bản người Thái duy nhất - Mường Đán.

 

sung-so-truoc-ve-dep-ruong-bac-thang-o-mien-tay-xu-nghe (2).JPG

Mường Đán mang vẻ đẹp hoang sơ của núi ngàn chính hiệu.

 

Cùng với sản xuất và chăn nuôi, từ lâu phụ nữ Mường Đán nổi tiếng bởi nghề trồng bông, dệt vải. So với những sản phẩm cùng loại, sản phẩm dệt thổ cẩm của Mường Đán thường mịn, bền, đường nét hoa văn tinh xảo hơn. Điều ấy bắt nguồn từ chất liệu đảm bảo, kết hợp sự tỉ mẩn, cần cù và đôi bàn tay khéo léo, tinh tế của chị em.

Đến nay, qua mấy trăm với bao đổi thay, người Mường Đán vẫn giữ được nghề trồng bông, dệt vải với những nét riêng mang đậm bản sắc. Bao đời nay, trước hiên nhà sàn không lúc nào vắng bóng chiếc khung cửi, hằng đêm vang lên tiếng thoi đưa lách cách, tiếng cười nói rộn ràng.

sung-so-truoc-ve-dep-ruong-bac-thang-o-mien-tay-xu-nghe (4).jpg
muongdan8.jpg

Vẻ đẹp hoang sơ của thác 7 tầng trên dòng Nậm Việc.

Anh Hà Văn Huy, cho biết: Ở Mường Đán nói riêng và các bản làng khác của xã Hạnh Dịch, ngoài việc lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống, các bà, các chị ở Mường Đán giữ gìn được cả những làn điệu dân ca, dân vũ Thái. Mỗi khi bản làng đón Tết hay vui hội, điệu khắp - lăm nhuôn xuối lại vang lên; hòa cùng tiếng cồng, chiêng, khèn pí; hòa cùng tiếng reo vui của dòng Nậm Việc, tiếng vi vu của đại ngàn Pù Hoạt làm nên bản giao hưởng rộn ràng. Rồi cùng chung vui rượu cần, say điệu lăm vông quyến rũ, tiếng hát càng vang xa…

Nói về nét đẹp cổ truyền, ông Lô Văn Chiến - Bí thư Chi bộ bả Hủa Mương cho rằng: “Mường Đán nằm sâu giữa Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, gần như tách biệt với bên ngoài nên còn lưu giữ được những nét bản sắc văn hóa Thái, từ không gian sinh tồn đến ngôn ngữ, trang phục, âm nhạc và phong tục, tập quán”. Đó là những yếu tố hết sức thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng, giúp người dân nơi đây có thêm nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống và góp phần quảng bá nét đẹp quê hương. 

sung-so-truoc-ve-dep-ruong-bac-thang-o-mien-tay-xu-nghe.jpg

Một góc Mường Đán vào độ lúa bắt đầu chín tạo nên vẻ đẹp khó nơi nào có được.

Được biết, huyện Quế Phong đang có kế hoạch bảo tồn không gian văn hóa Thái cổ ở hai bản Na Xái, Hủa Mương để lưu giữ bản sắc và phát triển du lịch. Đây là một hướng đi hợp lý, bởi Mường Đán có vị trí đắc địa, nằm giữa đại ngàn Pù Hoạt hùng vĩ và dòng Nậm Việc thơ mộng, có thác Bảy tầng hùng vĩ được xem là một trong những con thác đẹp nhất Nghệ An. Gần đây, đã có nhiều đoàn du khách tìm về Mường Đán khám phá nét hoang sơ, chiêm ngưỡng phong cảnh, tắm thác Bảy tầng và trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo của cộng đồng người Thái. 

Bên cạnh đó, bà con hai bản Na Xái, Hủa Mương đang nỗ lực khôi phục lại giống cây quế Quỳ - loài cây trồng từng là đặc trưng của vùng đất Quế Phong, đến nay có tới 2/3 số hộ đã chuyển sang trồng quế Quỳ với số lượng khá lớn.

sung-so-truoc-ve-dep-ruong-bac-thang-o-mien-tay-xu-nghe (1).jpg

Ruộng bậc thang vẻ đẹp huyền bí ở Mường Đán.

So với các loại gỗ nguyên liệu, thời gian sinh trưởng và thu hoạch của cây quế lớn gấp đôi nhưng cho giá trị kinh tế lớn và thu nhập cao hơn. Và điều quan trọng hơn là việc mở rộng diện tích quế Quỳ góp phần bảo tồn, phát triển giống cây quý bản địa, hứa hẹn một hướng đi và triển vọng mới, phù hợp với chủ trương phát triển của địa phương...

Rời Mường Đán, chúng tôi vẫn còn bao niềm tiếc nuối, trong lòng còn bao nỗi vấn vương. Bởi thời gian ngắn ngủi, mới kịp ngắm phong cảnh hữu tình và hùng vĩ, ngắm nhìn nếp bản nguyên sơ, chưa kịp trải nghiệm hết những giá trị văn hoá được trao truyền từ bao thế hệ trước. Hẹn một dịp khác sẽ lại ngược dòng Nậm Việc, trở về với mường cổ trù phú, xinh tươi... 

Duy Tiệp